Dược phẩm nội: Ngách hẹp trong thị trường 2,2 tỷ USD
Với việc mở rộng đầu tư sản xuất dồn dập của các hãng dược phẩm nước ngoài, doanh nghiệp (DN) dược trong nước đang cố lách theo những ngách hẹp.
Sanofi vừa có lễ công bố với khoản đầu tư thêm 75 triệu USD vào nhà máy thứ ba. Ngay sau đó, Rohto-Mentholatum cũng tăng vốn đầu tư từ 18 triệu USD lên 33 triệu USD và xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai tại Việt Nam.
Trước đó, United Pharma cam kết mở rộng đầu tư vào hai nhà máy đang hoạt động tại TP.HCM và Bình Dương. Công ty Dược Actavis đang tìm đối tác để phát triển sản xuất và kinh doanh... Có thể thấy, các hãng dược nước ngoài đang lên kế hoạch biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ dược phẩm.
Theo đại diện của Actavis tại Việt Nam, năm 2012, doanh số dược phẩm của tập đoàn này ở Việt Nam đã đạt 7,2 triệu USD, nằm trong top 10 các DN nước ngoài cung cấp thuốc generic (thuốc gốc) tại Việt Nam.
Ông Thomas Runkel, Phó chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Actavis tại Bắc Á và Indonesia, ước tính, doanh số bán dược phẩm tại Việt Nam năm 2015 có thể lên đến 5,2 tỷ USD so với 2,2 tỷ USD của năm 2012. Vì vậy, các hãng dược nước ngoài đang gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường tiềm năng này để giành thị phần.
Theo đại diện của Công ty Dược Imexpharm, khi các công ty nước ngoài trực tiếp sản xuất tại Việt Nam các loại thuốc cùng chủng loại với DN trong nước, giá thành rẻ hơn, cộng với thương hiệu ngoại nên lợi thế cạnh tranh cũng nhiều hơn. Sức ép lớn nhất của các DN dược trong nước là tâm lý người tiêu dùng Việt rất chuộng thuốc ngoại.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), cho biết thêm, thế mạnh của các công ty dược nước ngoài là các loại thuốc đặc trị, là những loại thuốc DN trong nước khó sản xuất.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy nước ngoài tại Việt Nam hiện nay lại chưa đi sâu sản xuất các loại thuốc đặc trị, mà chỉ sản xuất những chế phẩm thông thường như các DN trong nước, điều đó càng tạo thêm áp lực cạnh tranh.
5,2 tỷ USD
Doanh số bán dược phẩm tại Việt Nam năm 2015 có thể lên đến 5,2 tỷ USD so với 2,2 tỷ USD của năm 2012.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các hãng dược nước ngoài là dịch vụ chuỗi cung ứng vẫn chưa được hoàn thiện, nên việc mở rộng kinh doanh, giới thiệu những sản phẩm mới tới tận những vùng xa xôi nhất của Việt Nam không dễ thực hiện.
Mặt khác, thời gian đăng ký các loại thuốc mới ở Việt Nam rất lâu. Một khó khăn khác là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành dược hiện nay tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 90%, cộng với mức thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất dược phẩm lại cao hơn so với các nước khác.
Tuy không nhiều lợi thế như các công ty dược nước ngoài, nhưng một số DN dược trong nước vẫn cạnh tranh thắng lợi bằng con đường riêng.
Ông Chris Freund, Giám đốc Điều hành Công ty Mekong Capital, quản lý quỹ đầu tư vào Công ty Dược phẩm Traphaco, cho biết:
"Chiến lược hiện nay của Traphaco là vươn tới vị trí số 1. Cụ thể, Traphaco sẽ tập trung sản xuất dược phẩm và mở rộng kinh doanh trực tiếp. Một trong những động thái mới nhất của Traphaco là liên kết với một đối tác Nhật Bản nhằm mở rộng năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nhân rộng hệ thống phân phối.
Traphaco còn đặt ra kế hoạch trong năm 2013 sẽ tiếp tục các hoạt động mua bán và sáp nhập. Trước đó, công ty này đã mua 51% cổ phần Công ty Dược Đăk Lăk và 43% cổ phần Công ty Dược Quảng Trị”.
Chọn hướng đi xoay vòng vốn nhanh, dựa vào thế mạnh của đối tác để cùng phát triển DHG đã bán lại thương hiệu thuốc Eugika cho Công ty Dược Mega Wecare (Thái Lan).
Thông tin từ Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho thấy, lợi nhuận năm 2012 của DHG vẫn tăng trưởng 18% so với năm 2011, trong khi theo đánh giá, khả năng tăng trưởng doanh thu từ mảng kinh doanh của DHG năm 2012 không còn khả năng do các nhà máy của DN này đã chạy hết công suất. Theo khẳng định của MBKE, DHG tăng trưởng nhờ doanh thu từ việc bán thương hiệu Eugika.
Để giải bài toán cạnh tranh giá thành khi nguồn nguyên liệu sản xuất tây dược phải phụ thuộc 90% vào nhập ngoại, tại đại hội cổ đông năm 2012, Công ty Dược Domesco đã công bố chuyển hướng đầu tư sản xuất đông dược vì cho đây là thị trường triển vọng, nhu cầu người sử dụng ngày càng nhiều.
Tương tự, Công ty Dược OPC cũng định hướng tập trung phát triển hai sản phẩm thế mạnh là kim tiền thảo và dầu khuynh diệp nên doanh thu năm 2012 vẫn đảm bảo đạt mức trên 100%.
Song, so với Traphaco, OPC vẫn bị yếu thế hơn về năng lực cạnh tranh, chẳng hạn 50% nguyên liệu đầu vào của OPC hiện nay vẫn phải nhập khẩu, trong khi 70% nguyên liệu đầu vào của Traphaco là từ vùng nguyên liệu tự trồng, kết hợp với nguyên liệu do nông dân bán. Bên cạnh đó, công suất sản xuất của Traphaco cũng mới chỉ sử dụng 60% nên vẫn còn tiềm năng phát triển.
Khác với Traphaco và DHG (60 - 80% sản phẩm được phân phối qua kênh không kê đơn), khoảng 55% thuốc của Công ty Dược Imexpharm lại phân phối qua kênh bệnh viện.
Vì thế, dù có chiến lược phát triển rất căn cơ, bền vững, lại có thế mạnh về sản xuất thuốc nhượng quyền, nhưng theo phân tích của MBKE, "Imexpharm là công ty sẽ bị mất ưu thế cạnh tranh trong năm 2013, do DN này phải đối mặt với nhiều khó khăn về giá thuốc khi tham gia đấu thầu, bên cạnh đó giá thành sản phẩm của Imexpharm lại tương đối cao so với DN khác".