Chân dung 7 nhóm người tiêu dùng mới

Trong các khảo sát gần đây của các nhà tiếp thị, dòng chảy tiêu dùng hơn 1,8 tỷ người trên thế giới đang dịch chuyển, trong đó 75% là tại thị trường châu Á.

Chân dung người tiêu dùng ngày nay cũng đã thay đổi, với nhiều lớp người tiêu dùng khác nhau.

1. Người tiêu dùng thực dụng

Là nhóm người có thu nhập thấp, tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Họ vẫn duy trì thói quen mua sắm ở chợ truyền thống hay các điểm kinh doanh tự phát, hoặc các gánh hàng được gánh tới tận cửa nhà. Họ dễ bị tác động nhưng nhu cầu và sức mua rất yếu vì chỉ mua sắm những thứ cần thiết cho cuộc sống. Họ nhìn nhận những người thành công, có địa vị xã hội là những người giàu có và sẵn sàng mua hàng xa xỉ khi có điều kiện.

2. Tầng lớp trung niên bảo thủ

Là những người ở độ tuổi từ 30 - 40, có mức thu nhập trung bình, chủ yếu định cư tại các thành phố lớn. Họ duy trì lối sống an toàn, bảo thủ, hạn chế vay mượn hay ít đầu tư mạo hiểm. Họ coi trọng giá trị gia đình vì quan niệm cuộc sống như vậy là đủ. Họ cũng lựa chọn các thương hiệu để mua sắm, quan tâm nhiều đến sức khỏe và sự an toàn trong cuộc sống. Họ thường mua sắm tại các siêu thị và cũng sẵn sàng sắm hàng hiệu khi mức thu nhập tăng đột biến.

3. Tầng lớp trung niên lạc quan

Có cùng độ tuổi và thu nhập với nhóm trung niên bảo thủ, nhưng họ mạo hiểm hơn, chấp nhận rủi ro, vay mượn và chịu đầu tư. Khi nhìn thấy cơ hội và có ít vốn liếng là họ nghĩ đến chuyện đầu tư kiếm lời. Họ là tầng lớp trung lưu ở các đô thị nhỏ, có tính cách mạnh mẽ nên ít gắn bó với gia đình hơn tầng lớp trung niên bảo thủ. Họ sẵn sàng chi tiêu cho những thú tiêu khiển hay nhu cầu giải trí, mua những món đồ xa xỉ và chuộng công nghệ mới.

4. Tầng lớp trung lưu tiết kiệm

Nhóm này có mục tiêu tài chính rõ rệt, thích sống ở các đô thị cỡ vừa nhưng vẫn đủ tiện nghi. Họ sống tiết kiệm và quản lý chi tiêu kỹ lưỡng, thường dành dụm tiền cho tương lai hơn là mua sắm. Trước khi quyết định mua một món hàng, họ thường cân nhắc, hỏi ý kiến bạn bè, người quen về chất lượng của món hàng đó. Điều này dễ hình thành một tập quán mua sắm chung, do cân nhắc kỹ nên họ ít chịu dùng thử sản phẩm và thường trả tiền nhiều hơn cho thương hiệu nào đó sau khi đã khảo sát. Ưu tiên của họ là giá tốt và không quan tâm mua ở đâu.

5. Tầng lớp khá giả

Không phân biệt lứa tuổi, thường sống ở các thành phố lớn và các khu vực lân cận, làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập và chi tiêu khá. Họ hài lòng với cuộc sống, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và thích lối sống truyền thống nên không dễ bỏ tiền mua hàng hiệu.

6. Tầng lớp trưởng thành hiện đại

Là những người thành thị giàu có, sống ở các đô thị có mức sống cao, có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên. Họ lạc quan về tài chính, đánh giá cao địa vị xã hội và sự giàu có, thích ứng nhanh và dễ dàng tiếp cận các xu hướng mới và sản phẩm dùng thử. Mua sắm là sở thích của họ và họ thường mua sắm ở những kênh hiện đại như các siêu thị, trung tâm thương mại và chọn lựa các thương hiệu quốc tế. Họ cũng luôn cân nhắc các giá trị giữ lại cho gia đình, đặc biệt là con cái họ.

7. Tầng lớp trẻ tuổi nổi bật

Là những người giàu có, lạc quan về sự tăng trưởng trong tương lai. Nhóm này trẻ hơn nhóm trưởng thành hiện đại nhưng tương đồng về mức độ lạc quan và quan điểm về sự thành công.

Họ là những người theo chủ nghĩa cá nhân, ưa mạo hiểm, thường chấp nhận rủi ro cao trong các quyết định đầu tư, sẵn sàng dùng thử sản phẩm mới, thậm chí vay tiền cho các khoản mua sắm lớn, vì họ chủ yếu là sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc người mới đi làm thành công. Họ đam mê công nghệ, dùng internet làm kênh thu nhập và chia sẻ thông tin, quan điểm trên các mạng xã hội.

Ths. Trần Văn Phát, CEO Robot Corp
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn