Thị trường dịch vụ nhân sự: Nhìn từ thương vụ En-Japan mua Navigos

Thị trường dịch vụ nhân sự trong hai tháng qua liên tiếp chứng kiến hai thương vụ mua bán cổ phần lớn giữa Công ty En-Japan Inc (Nhật Bản) và Công ty Navigos Group; Công ty Careebuilder (Mỹ) và Công ty cổ phần VON (sở hữu kiemviec.com và HR Vietnam).

Tuần trước, Công ty En-Japan Inc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận tại cuộc họp Ban giám đốc Công ty về việc mua lại phần lớn cổ phần của Navigos Group.

Navigos Group hiện được đánh giá là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm hàng đầu của Việt Nam đang sở hữu website VietnamWorks.com và dịch vụ tuyển dụng lớn nhất nước là Navigos Search.

Giá trị cho thương vụ đầu tiên của En-Japan và Navigos là 22 triệu USD.

Tại cuộc họp này, nhà đầu tư Nhật Bản đồng thời thông báo Navigos Group sẽ trở thành một chi nhánh của họ trong tương lai gần.

"Việt Nam là một thị trường mới đối với En-Japan, có nền kinh tế phát triển cũng như thị trường tuyển dụng đầy tiềm năng. Nhờ vào website tìm kiếm công việc lớn nhất Việt Nam cùng với dịch vụ tuyển dụng Navigos Search của Navigos Group, En-Japan tin rằng thương vụ này sẽ giúp công ty mở rộng thị trường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn có vai trò chiến lược đối với En-Japan", tuyên bố tại cuộc họp Ban giám đốc En-Japan nêu.

Theo lộ trình mua bán - sáp nhập, đối tác Nhật Bản sẽ mua lại 89,8% cổ phần, tương đương hơn 9,9 triệu cổ phiếu đã phát hành của Navigos Group.

Bước tiếp theo, họ sẽ mua tiếp 10,2% cổ phần còn lại trước tháng 3/2016, đưa Navigos Group trở thành một công ty con trực thuộc En-Japan. Giá trị thương vụ cho lần mua đầu tiên được tiết lộ là hơn 22 triệu USD.

Thương vụ En-Japan mua Navigos Group được xem là thương vụ mua bán cổ phần thứ hai sau thông tin Công ty CareerBuilder tuyên bố trở thành đối tác chiến lược với Công ty CP VON, đơn vị chủ quản của Kiemviec.com và HR Vietnam hồi tháng 2.

Kiemviec.com được biết đến là trang việc làm trực tuyến có doanh thu đứng thứ hai và có số lượng thành viên đăng ký lớn nhất Việt Nam, trong khi HR Vietnam tập trung vào dịch vụ tuyển dụng và các giải pháp nguồn nhân lực dành cho nhà tuyển dụng.

Mua bán và sáp nhập là bước đi nhanh nhất để thâm nhập vào một thị trường mới, nhất là với những công ty sở hữu hệ thống tuyển dụng trực tuyến đã có vị thế trên thị trường như VietnamWorks và kiemviec.com.

Về phía người bán, họ nhìn thấy những lợi ích nhất định đặc biệt là sự mở rộng thị trường khi đồng ý bước vào một thương vụ.

Ông Hunter Arnold, Chủ tịch CareerBuilder châu Á - Thái Bình Dương, bình luận, việc trở thành đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực với VON sẽ đẩy mạnh bước tiến của CareerBuilder vào thị trường Việt Nam.

Mua bán và sáp nhập là bước đi nhanh nhất để thâm nhập vào một thị trường mới, nhất là với những công ty sở hữu hệ thống tuyển dụng trực tuyến đã có vị thế trên thị trường.

Sau 10 năm phát triển tại thị trường Mỹ, đối tác ngoại này hiện đang tập trung vào khu vực châu Á. "Theo ước tính, tỷ lệ người sử dụng internet Việt Nam hiện là 33% góp phần đáng kể vào sự hấp dẫn của thị trường tuyển dụng trực tuyến", Arnold nói. Trong khi đó, phía người bán cũng tìm thấy những lợi ích đạt được khi tham gia giao dịch này.

Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Kiemviec.com và HR Vietnam, cho hay, việc sáp nhập trở thành thành viên của CareerBuilder sẽ giúp VON mở rộng hệ thống tuyển dụng người nước ngoài vào Việt Nam và đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là tại thị trường Mỹ trong ngành công nghệ thông tin.

Sau lễ ký kết của thương vụ này, VON cũng sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội dưới sự hỗ trợ của CareerBuilder.

Ngoài yếu tố gặp gỡ giữa nhu cầu và lợi ích như trên, theo một chuyên gia trong ngành, các thỏa thuận mua bán và sáp nhập thuộc lĩnh vực tuyển dụng còn là bước đi may mắn của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sự mở rộng thị trường đang là cản ngại.

Điển hình như VietnamWorks, vào năm 2005, Navigos Group từng công bố sẽ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là giai đoạn thịnh vượng của Navigos Group cũng như một số công ty tuyển dụng nhân sự thời kỳ đầu.

Tuy nhiên, việc ra đời ồ ạt của nhiều mô hình tuyển dụng trực tuyến và sự thâm nhập của các nhà cung cấp nhân sự nước ngoài khiến cho thị trường này trở nên cạnh tranh hơn kết hợp với tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm khiến cho kế hoạch niêm yết của Navigos Group vẫn còn nằm trên giấy.

Chuyên gia này nhận định, việc mua bán cổ phần cho đối tác ngoại En-Japan có thể giúp Navigos Group tìm thấy những định hướng phát triển tốt hơn dù Công ty vẫn đang là tên tuổi hàng đầu trên thị trường.

Năm 2010, Navigos Group từng tuyên bố kế hoạch cấu trúc lại Công ty, chuyển nhượng lại dịch vụ trả lương cho KCS, ngừng cung cấp các dịch vụ khảo sát lương, dịch vụ tư vấn nhân sự và dịch vụ cung cấp nhân lực để tập trung phát triển dịch vụ kinh doanh cốt lõi là cung cấp các giải pháp tuyển dụng nhân sự.

Công ty sau đó cũng bán lại mạng cộng đồng Caravat (hiện nay là Anphabe) cho một đối tác khác, chỉ giữ lại tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks và tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn