Đôi giầy adidas và sự lãng phí cơ hội

Gần một nửa số lượng giầy adidas trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam nhưng sự đóng góp của người Việt vào những đôi giầy đó hầu như vẫn chỉ ở... sức lao động.

Thông tin mới đây được chính hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng thế giới adidas công bố, Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất giày dép lớn nhất của adidas trên thế giới khi có 44% trong số 403 triệu sản lượng giày dép của hãng thời trang này được sản xuất tại đây trong năm 2017.

Sự dịch chuyển

Trong khi đó, số lượng giầy adidas được sản xuất tại Trung Quốc, nơi từng là cứ điểm sản xuất lớn nhất của adidas, đã giảm xuống chỉ còn chiếm 19%.

Sự dịch chuyển các đơn hàng sản xuất của adidas từ Trung Quốc sang các quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam, bắt đầu từ năm 2012. Điều này cho thấy cho dù giá nhân công tại có tăng lên hàng năm nhưng Việt Nam vẫn là một điểm lựa chọn tốt cho nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất.

Ông Kasper Rorsted, Tổng giám đốc của adidas cho biết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của tập đoàn này vừa được tổ chức đầu tháng 5 rằng, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của adidas sẽ còn tiếp tục diễn ra. Rất có thể kết thúc năm nay hoặc năm sau, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hơn một nửa số lượng giầy adidas trên thế giới.

Các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 44% lượng giày Adidas trong năm 2017.

Quyết định dịch chuyển sản xuất của adidas sang Việt Nam cũng phản ánh xu hướng của nhiều tập đoàn đa quốc gia khác trong lĩnh vực này. Puma, hãng sản xuất đồ thể thao danh tiếng của Đức, cũng đang gia tăng tỷ trọng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Ông Bjørn Gulden, Tổng giám đốc của Puma, trong lần trao đổi với báo chí tháng 4 vừa qua cũng đã cho biết, hiện tại khoảng 30% sản phẩm quần áo và giầy thể thao của Puma được sản xuất tại Việt Nam, tương đương với tỷ trọng được sản xuất tại Trung Quốc. Trong tương lai gần, nếu như thuế đánh vào sản phẩm may mặc và giầy da của Trung Quốc tại Mỹ tăng lên, Puma sẽ buộc phải cân nhắc tới việc gửi nhiều đơn hàng sang Việt Nam hơn.

Càng nhiều đơn hàng được gửi tới Việt Nam, cũng có nghĩa rằng vị thế của Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng may mặc và giầy da sẽ càng tăng cao. Theo báo của của Bộ Công thương, năm 2017 giá trị xuất khẩu giầy dép của Việt Nam đã đạt hơn 18 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu 1,02 tỷ đôi giầy dép sang các quốc gia khác và đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu giầy dép.

Người ngoài cuộc

Việc adidas dịch chuyển gần một nửa và Puma chuyển hơn 30% đơn hàng sản xuất giầy sang Việt Nam rõ ràng là một tin vui cho nền kinh tế. Đó là tín hiệu các tập đoàn đa quốc gia ngày càng có niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Lợi ích mà nền kinh tế được hưởng sẽ là việc làm và thuế. Nhưng dường như tất cả chỉ có vậy, những đơn hàng sản xuất của adidas đa số lại rơi vào tay các công ty nước ngoài. Còn các công ty Việt Nam nếu có nhận được đơn hàng thì cũng chỉ là ở những công đoạn gia công cuối cùng.

Theo phân tích của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí cho nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và chi phí quản lý gián tiếp khác, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Như vậy 2/3 chi phí của một đôi giầy dành cho nguyên phụ liệu lại rơi hết và các công ty nước ngoài. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lấy hình ảnh đôi giầy Nike để mời chào các nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng ví dụ một đôi giầy Nike có giá 100 USD thì Việt Nam chỉ được hưởng 22 USD giá trị, ngụ ý Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư. Nhưng ví dụ trên cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc của chuỗi giá trị toàn cầu.

Bất kỳ một nhà đầu tư nước ngoài nào khi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đều muốn tìm những nhà cung ứng nguyên vật liệu bản địa để giảm thiểu chi phí nhập khẩu.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là một sự lãng phí. Bất kỳ một nhà đầu tư nước ngoài nào khi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đều muốn tìm những nhà cung ứng nguyên vật liệu bản địa để giảm thiểu chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, phần lớn những nguyên vật liệu hiện nay vẫn được nhập từ nước ngoài về.

Câu chuyện doanh nghiệp trong nước đứng ngoài chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia không còn là mới trong suốt ba thập kỷ thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng cả ba thập kỷ mà vẫn không thay đổi, nhất là khi những cơ hội đó ngày càng nhiều vì nhu cầu lớn do sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam gia tăng, thì quả là một sự lãng phí lớn.

Thực tế, Chính phủ cũng đã lập ra chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần phải có một chính sách khuyến khích phù hợp và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động sáng tạo tìm ra con đường thâm nhập vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu không, những cơ hội mà các tập đoàn như adidas hay Puma mang lại vẫn sẽ tiếp tục bị lãng phí.

Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp