Grab tứ bề thọ địch

Không đơn thuần là ứng dụng đặt xe, Grab giờ đây đã chính thức công bố chiến lược “bao vây” người sử dụng bằng việc cung cấp đầy đủ dịch vụ từ đặt xe, gọi thức ăn cho đến cho vay tài chính. Tuy nhiên, chiến lược mở rộng này cũng khiến họ có nhiều đối thủ hơn bao giờ hết.

Thị trường tỉ USD

Nhìn lại quãng đường 6 năm phát triển, Grab đã có những bước tiến khá quan trọng. Từ ứng dụng gọi taxi, Công ty nhanh chóng mở rộng sang dịch vụ đón xe máy, xe buýt cho đến xe khách. Trong đó, quan trọng nhất là việc đưa dịch vụ thanh toán tài chính GrabPay và dịch vụ tài chính Grab Financial đi vào hoạt động.

Đây là mục tiêu ngay từ ban đầu của Grab vì thị trường cho vay tiêu dùng ở Đông Nam Á rất lớn. Theo ước tính của World Bank, có khoảng 2 tỉ người trên thế giới không tiếp cận được các dịch vụ của ngân hàng, đa số tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn đối với thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, theo thống kê của Grab, lên đến 500 tỉ USD ở Đông Nam Á. Con số này cao gấp 20 lần quy mô thị trường di chuyển.

Grab khá thông minh khi sử dụng con đường vận tải để đi vòng đến cho vay tiêu dùng. Miếng bánh cho vay tiêu dùng màu mỡ ở Đông Nam Á đã được các công ty thương mại điện tử Trung Quốc thấy từ trước và tập trung khai thác. Thông qua mua sắm, các công ty này sẽ tìm cách đưa các ứng dụng thanh toán trực tuyến đến người sử dụng để “học” về khả năng tài chính của họ.

Với Grab, quan trọng nhất là việc đưa dịch vụ thanh toán tài chính GrabPay và dịch vụ tài chính Grab Financial đi vào hoạt động.

Với một startup mới thành lập như Grab rất khó cạnh tranh nếu mở một công ty thương mại điện tử vào năm 2012, nhưng với lĩnh vực giao thông mới mẻ thì khác. Grab nhanh chóng thu hút được sự quan tâm người sử dụng, nhất là các nhà đầu tư.

Chỉ chưa đến 6 năm, Grab đã trở thành một trong những kỳ lân (thuật ngữ chỉ các công ty công nghệ chưa niêm yết được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) đắt giá ở Đông Nam Á. Các thống kê cho thấy định giá gần đây của Grab là 6 tỉ USD. Mới đây, việc sáp nhập Uber đã đưa tổng số lượng tải về Grab lên hơn 95 triệu lượt trên toàn Đông Nam Á và trở thành một thế lực trong lĩnh vực gọi xe ở khu vực này.

Thách thức ở Việt Nam

“Ví điện tử GrabPay sẽ được sử dụng cho cả lĩnh vực di chuyển và giao nhận thức ăn, hai trong số những dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất tại Đông Nam Á. Chúng tôi có thể giúp tất cả mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, phát triển việc kinh doanh của mình và phục vụ khách hàng tốt hơn thông qua việc kết nối các dịch vụ trên ứng dụng Grab”, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết.

Việc mở rộng là cần thiết nhưng cũng đồng nghĩa Grab sẽ phải đương đầu với nhiều doanh nghiệp lớn hơn trên bình diện khu vực lẫn địa phương. Điển hình trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến ở Việt Nam, Grab phải cạnh tranh với AirPay (Sea), Alipay (Alibaba Group) mà còn với các doanh nghiệp địa phương như ZaloPay (VNG), MoMo.

Ở Indonesia, Grab đã mua lại nền tảng thương mại điện tử Kudo hồi tháng 4.2017. Theo báo cáo của Grab, đây là nhân tố giúp mở rộng nền tảng GrabPay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Grab khá thiệt thòi khi hai đối thủ lớn là Sea và Alibaba đều có trợ lực khá mạnh từ hai sàn điện tử phổ biến là Shopee Việt Nam và Lazada Việt Nam.

ZaloPay của Việt Nam được trợ lực từ nền tảng Zalo, mạng xã hội đang được VNG thử nghiệm tích hợp chức năng thương mại điện tử. Về phần mình, Grab chưa cho biết có ý định mua lại sàn thương mại điện tử nào ở Việt Nam để đẩy mạnh GrabPay.

Tương tự, trong lĩnh vực GrabFood mới ra mắt gần đây, cũng được dự đoán là không mấy dễ chịu. Ở Việt Nam, Now của Sea hiện đang dẫn đầu thị trường này.Now thừa hưởng lượng khách hàng là người bán và người mua khá lớn từ mạng xã hội ăn uống Foody. Để cạnh tranh, Grab rõ ràng cần nhiều dịch vụ cần thiết hơn nữa ngoài chiến dịch trợ giá cho giao nhận.

Đó là chưa kể Go-Jek, đối thủ trực tiếp của Grab ở Indonesia, sẽ gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới, dự kiến vào quý III/2018. Một số nguồn tin cho biết Go-Jek sẽ tấn công vào mảng gọi xe máy và giao đồ ăn, hai lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt của Grab hiện nay.

Về phần mình, Grab đang phải đối mặt với điều mà các doanh nghiệp chia sẻ xe ngại nhất: đối tác tài xế “trở chứng”. Liên tục các than phiền của người sử dụng trên mạng xã hội về dịch vụ Grab, phần mềm cũng liên tục trục trặc, giá cả tăng cao... Ngược lại, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đã bị Grab dồn nén bấy lâu nay trỗi dậy như Vinasun, Mai Linh...

Có thể nói với lĩnh vực vận tải, Grab chỉ phải đấu với một đối thủ lớn nhưng với bài toán mở rộng hiện nay thì phức tạp hơn nhiều, Grab phải đấu với nhiều doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực khác nhau cùng lúc. Nhìn chung, Grab đang bị tấn công ở khắp các mặt trận và câu chuyện này có khả năng không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam.

Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư