Thị trường ôtô Việt Nam: Giảm doanh số khi xe nhập khẩu chưa nhiều

Theo số liệu thống kê được VAMA công bố, lượng xe bán ra trên toàn thị trường trong tháng 6 chỉ đạt 21.913 chiếc, giảm 5% so với tháng trước. Dù đã bước vào giai đoạn cao điểm mùa hè nhưng con số này cho thấy khách hàng vẫn đang chờ dòng xe nhập khẩu trở lại.

Trong khi các mẫu xe lắp ráp nội địa cũng bắt đầu rục rịch giảm giá để thu hút sự chuyển hướng của khách hàng, thì cuộc đua vẫn chưa thể bắt đầu vì xe nhập khẩu vẫn còn nhiều “lận đận” trên đường về. Đã có dự báo làn sóng xe nhập khẩu sẽ về thị trường trong một hoặc hai tháng tới nhưng với lượng cung quá nhỏ so với nhu cầu, cơn khát của người tiêu dùng vẫn chưa thể được giải tỏa, ít nhất là hết năm nay.

Dẫn đầu trên phân khúc xe du lịch, số xe tiêu thụ được của Toyota trong tháng 6 đạt 4.268 chiếc, chiếm 19,8% thị phần. Dòng xe nhập khẩu vẫn chưa về nên kết quả kinh doanh của nhiều thương hiệu xe tại Việt Nam hiện hoàn toàn phụ thuộc vào dòng xe lắp ráp trong nước. Dù có lợi thế sở hữu nhiều mẫu xe nội địa ăn khách nhưng doanh số của hai thương hiệu thuộc Thaco Group là Kia và Mazda vẫn không có sự thay đổi khi chỉ có 2.681 chiếc Mazda có chủ mới, chiếm 12,4% thị phần, còn 2.534 chiếc Kia đã bán ra cũng chiếm có 10,9% thị phần. Tuy nhiên, Thaco lại được hưởng lợi thế rõ hơn trên dòng xe sang nhập khẩu khi lượng xe Peugeot thuộc tập đoàn này đã có sự cải thiện đáng kể về doanh số từ đầu năm đến nay.

Trong tháng 6, đã có 423 chiếc Peugeot được bán ra, chiếm 2% thị phần, tương đương với tỷ lệ mà thương hiệu xe Đức Mercedes-Benz trước đây trầy trật rất lâu mới đạt được. Chậm chân trong việc đưa xe về, trong khi nhiều mẫu xe ăn khách đều là dòng nhập khẩu, Ford phải nhường vị trí thứ 4 trong top đầu về thị phần cho Honda vì thương hiệu xe Mỹ chỉ bán được 1.364 chiếc, chiếm 7,8% thị phần, trong khi Honda đạt 2.262 chiếc, chiếm 8,6%. Sự biến động của thị trường liên quan đến số phận của dòng xe nhập khẩu đã làm cho kết quả kinh doanh của toàn thị trường trong nửa đầu năm nay cách xa kỳ vọng: Tổng lượng xe bán được trong sáu tháng chỉ đạt 125.717 chiếc, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 19.039 xe nhập khẩu, giảm đến 50%, còn xe lắp ráp trong nước bán được 106.678 chiếc, tăng 10%.

Trong nửa năm còn lại, tình hình được dự đoán sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi nhiều dòng xe bán chạy sẽ được tung ra thị trường như Toyota Fortuner, Ford Ranger, Honda CR-V… Mặc dù không thể hiện được nhiều ý nghĩa vì vắng mặt của nhiều dòng xe nhập khẩu trên thị trường nhưng bảng xếp hạng doanh số của từng mẫu xe trong sáu tháng đầu năm có thêm nét mới lạ khi lần đầu tiên Hyundai công bố doanh số của hai mẫu xe Hyundai i10 và Hyundai Accent.

Sự chiếm lĩnh ngôi vương của Hyundai i10 đẩy Vios của Toyota xuống vị trí á quân trên bảng xếp hạng là điều không gây ngạc nhiên, bởi lẽ trong vài năm gần đây, sự chiếm lĩnh thị phần của dòng xe du lịch mang thương hiệu Hyundai trên thị trường Việt Nam đã khá rõ, dù doanh nghiệp không công bố con số cụ thể.

Sau một khoảng thời gian tách hẳn với số đông, việc công bố doanh số của các mẫu xe Hyundai cho thấy doanh nghiệp này dường như đang bắt đầu thực hiện chiến lược mới đối với thị trường trong nước, báo hiệu một cuộc đua trong phân khúc xe du lịch sẽ khốc liệt hơn nhiều trong thời gian tới giữa ba ông lớn Toyota, Thaco và Hyundai.

Trở lại với dòng xe nhập khẩu, theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, ước tính đã có hơn 2.200 ôtô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam trong tháng 6, nâng tổng số xe nhập khẩu trong nửa đầu năm đạt 11.256 chiếc, đạt giá trị nhập khẩu khoảng 309 triệu USD, giảm 77,9% về lượng và 70,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng khan hàng đang lên đến đỉnh điểm khi lượng đặt hàng ngày càng phình to mà các nhà nhập khẩu vẫn cứ loay hoay với việc đưa xe về thị trường nội địa.

Theo dự kiến của một vài doanh nghiệp, nhiều lô xe sẽ được nhập cảng Việt Nam trong tháng 8, nhưng với lượng nhập bị giới hạn cũng như thời gian thông quan có thể lên đến vài tháng như hiện tại thì có khả năng nhiều khách hàng đã đặt hàng sẽ phải chờ đến năm 2019 mới nhận được xe.

Trong khi lượng cung đang bị kiệt thì kỳ vọng vể việc giá xe nhập khẩu có thể giảm mạnh là điều mà nhiều khách hàng hiện tại không còn nhiều hy vọng. Một điều éo le đã xảy ra là nhiều mẫu xe nhập khẩu thế hệ mới được công bố với giá bán tăng thêm nhưng vẫn nhận được ào ạt đơn đặt hàng. Điều này cho thấy ôtô là sản phẩm mà sự thay đổi của giá bán phụ thuộc rất lớn vào cán cân cung – cầu. Điển hình là một lượng không nhỏ khách hàng sẵn sàng bỏ thêm tiền và chờ đợi nhiều tháng để mua được mẫu xe ưa thích, cho dù trên thị trường có khá nhiều mẫu xe cùng phân khúc có giá bán và thời gian nhận xe hợp lý hơn.

Tương tự, sau sáu tháng cầm cự, thị trường xe sang cũng đang trong giai đoạn khó khăn do nhiều thương hiệu chưa thể đáp ứng đầy đủ những quy định về nhập khẩu. Hầu như được nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu, dòng xe hạng sang gặp nhiều trở ngại hơn so với phân khúc phổ thông khi sự phức tạp về mặt thủ tục khiến cho thời gian nhập xe tăng lên nhiều lần, chi phí nhập khẩu cũng tăng, hệ quả là giá bán xe sẽ tăng. Trong sáu tháng qua, thương hiệu Mercedes-Benz chỉ bán được 2.984 chiếc, Lexus còn tệ hơn vì chỉ bán được vỏn vẹn 84 chiếc, mà nguyên nhân đơn giản là không có nguồn cung.

Mặc cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô trong nước vẫn tiếp tục thuyết phục Chính phủ nới lỏng những quy định liên quan đến dòng xe nhập khẩu, quan điểm của các cấp quản lý vẫn kiên định giữ luật nhằm tạo sự công bằng giữa hai dòng xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước.

Dù sao thì thị trường ôtô Việt Nam trong sáu tháng cuối năm chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc nhờ sự hiện diện trở lại của nhiều mẫu xe nhập khẩu bán chạy như Toyota Fortuner, Ford Ranger, Honda CR-V… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới như Toyota Wigo, Toyota Rush, Honda HR-V, Hyundai Kona hay Mazda CX-3… hứa hẹn sẽ làm cho thị trường trở nên nhộn nhịp hơn trong mùa cao điểm cuối năm.

Khôi Huỳnh
Nguồn Doanh Nhân+