Người tiêu dùng chờ một Vinasun hiện đại, giá rẻ

Nếu Vinasun chấp nhận thay đổi và người tiêu dùng sẵn sàng chờ một cuộc cải cách tiến bộ từ hãng taxi này.

Ước tính bình quân mỗi ngày Vinasun phải trả khoảng 960 triệu đồng cho các ngân hàng. Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, nửa đầu năm nay Vinasun đã thanh toán hơn 29 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Mỗi ngày Vinasun phải trả khoảng 960 triệu đồng

Nếu thanh toán đúng hạn và không phát sinh hợp đồng mới trong thời gian này, Vinasun vẫn còn dư nợ khoảng 385 tỷ đồng. Ngân hàng HSBC hiện là chủ nợ lớn nhất với tổng dư nợ 303 tỷ đồng. Trong đó, nợ đến hạn trả trong vòng một năm là 136 tỷ đồng.

Lũy kế doanh thu thuần sáu tháng đầu năm đạt 1.020 tỷ đồng, giảm hơn 880 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu ghi nhận biến động lớn khi vận tải hành khách bằng taxi vẫn dẫn đầu về giá trị tuyệt đối, nhưng tỷ trọng giảm phân nửa từ 86% xuống còn 43% (tương đương 440 tỷ đồng). Nguồn thu từ nhượng quyền, hợp tác thương mại và khai thác taxi tăng đến bốn lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 42%.

Ước tính bình quân mỗi ngày Vinasun phải trả khoảng 960 triệu đồng cho các ngân hàng.

Vinasun lỗ thuần hơn 22 tỷ đồng sau khi trừ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Nhờ thu nhập từ thanh lý tài sản cố định và quảng cáo trên taxi, công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ với khoản lãi ròng 24 tỷ đồng. Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 4, ban lãnh đạo công ty cho biết nhiệm vụ trọng tâm năm nay là giữ thị phần và duy trì hoạt động trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Đầu năm 2003, Taxi Vinasun ra mắt thị trường và chỉ trong một thời gian ngắn, sự chiếm lĩnh của Vinasun đã khiến hàng loạt hãng taxi 'lão thành' rơi vào khủng hoảng. Số ít sống sót theo kiểu lay lắt, còn lại phần đông 'chết tức tưởi' vì thua lỗ.

Thời điểm đó, các hãng taxi thua nhưng không kêu la vì họ biết mình thua ở đâu và tại sao thua. Còn Vinasun lớn mạnh, rồi được tung hô đem đến dịch vụ tuyệt vời cho người tiêu dùng. Không cần phải bàn cãi, lúc đó Vinasun là đại gia taxi với dàn xe hiện đại và giá rẻ bất ngờ. Đó cũng là cách Vinasun lớn lên, đánh bại các đối thủ để ngự trị ở vị trí số 1 của thị trường taxi hơn 10 năm qua.

Giờ đây, Grab và Uber thâm nhập thị trường Việt Nam mang đến nhiều tiện lợi hơn cho cả tài xế lẫn người tiêu dùng. Đúng hơn là Grab và Uber đã dùng chính cái cách mà Vinasun đã từng làm để chống lại chính họ. Đó là mới, hiện đại và dịch vụ tốt mà giá lại rẻ.

Vinasun còn nhiều việc để làm

Grab và Uber đã dùng chính cái cách mà Vinasun đã từng làm để chống lại chính họ. Đó là mới, hiện đại và dịch vụ tốt mà giá lại rẻ.

Sự “tinh hoa” của Grab và Uber đã khiến người tiêu dùng Việt quay lưng với Vinasun. Ngay cả “máu mủ” của họ là cánh tài xế, cũng rời đi, chuyển sang đầu quân cho Grab, Uber. Vinasun đã dùng đủ cách để vẫy vùng, hòng thoát khỏi “bàn thua” bằng taxi chất lượng cao nhưng cũng không được gì.

Cuối cùng, Vinasun đã “loạn” khi nghĩ ra chuyện dán biểu ngữ phản đối hoạt động của Grab và Uber như một cách than trách, kêu la với các ngành chức năng. Đáng tiếc, chiến dịch phản đối chưa kịp phát huy hiệu quả thì Vinasun đã mất thiện cảm trong mắt người tiêu dùng vì “giở trò” phản cảm, cạnh tranh kém lành mạnh với đối thủ.

Dư luận giờ đây ngó lơ taxi Vinasun, cánh tài xế thì “thở ngắn, than dài” trên vô lăng vì không có khách. Đó là cái giá phải trả cho những hành động cạnh tranh kém lành mạnh vừa qua.

Vinasun cần hiểu, người tiêu dùng thời nay thông minh, hiện đại và tinh tế. Dĩ nhiên, họ sẽ biết cách lựa chọn những dịch vụ tốt và loại bỏ cái chưa tốt. Sự lớn mạnh của Grab, Uber và “bàn thua” của Vinasun trong chiến dịch “chống đối” vừa qua là minh chứng cho điều đó.

Vẫn còn kịp, nếu Vinasun chấp nhận thay đổi và người tiêu dùng sẵn sàng chờ một cuộc cải cách tiến bộ từ hãng taxi này. Công cuộc cạnh tranh buộc phải lành mạnh, công bằng, văn mình… chứ không phải theo cách như hiện tại. Cạnh tranh là để tạo dựng giá trị tốt, không phải là thủ đoạn để triệt hạ.

Đứng dưới góc độ kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, người dân sẽ chọn lựa cái gì rẻ hơn, cái gì tốt hơn cho họ. Các khẩu hiệu phản đối dán trên taxi hoàn toàn không mang tính cạnh tranh một cách bình đẳng trong kinh tế thị trường. Taxi bị chia sẻ thị phần khi Uber, Grab vào Việt Nam cũng giống như câu chuyện Vietlott xuất hiện khiến xổ số truyền thống "đìu hiu".

Vẫn còn kịp nếu Vinasun chấp nhận thay đổi.

“Họ đang gặp thách thức trong việc hành xử khi thấy mình bị bất công. Họ đang than phiền mang tính phong trào, không có tính chuyên nghiệp. Nếu chuyên nghiệp, họ có thể tiến hành khởi kiện khi người khác sai hoặc có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của chính bản thân mình”, ông Hiển nhấn mạnh.

Xét dưới góc độ truyền thông, chuyên gia Nguyễn Bá Ngọc phân tích, mô hình cũ làm các lái xe phải chạy “lông nhông” tìm khách hoặc tổng đài báo điểm đón thì 5-7 xe cùng nhao đến, bởi vậy hiệu quả rất thấp. Những tài xế thạo nghề cho biết đối với taxi truyền thống, số km có khách chỉ là 50/100km còn Uber, Grab là 82/100km.

“Có vẻ như Vinasun và các hãng taxi truyền thống còn khá nhiều việc để làm để tồn tại và không bị khách hàng bỏ rơi. Thay vì đi vào những vấn đề cốt lõi về đổi mới công nghệ, quản lý hệ thống thì họ lại dồn sức cho những chiêu trò trẻ con mà chuyện dán khẩu hiệu chống Uber, Grab là một minh chứng rõ nhất”, ông Ngọc bình luận.

Nguyễn Việt
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp