CEO Grab và hành trình xây dựng kỳ lân khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á

Sinh ra trong một gia đình kinh doanh giàu có và được đào tạo ở Đại học Harvard nhưng Anthony Tan, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành hãng gọi xe Grab, lại là một người có phong cách bình dân, không ngại gian khổ, làm việc cật lực, những phẩm chất đã giúp anh lèo lái đưa Grab trở thành kỳ lân khởi nghiệp có giá trị nhất Đông Nam Á.

Cuộc chạm trán với trùm buôn vũ khí

Trong cuộc trò chuyện với tờ South China Morning Post mới đây, Anthony Tan kể lại những kỷ niệm khó quên vào những ngày đầu khởi nghiệp. Anh cho biết có lần, anh sang Manila (Philippines) để đàm phán hợp tác với ông chủ của một hãng taxi.

Khi thấy ông chủ này tiến vào nhà hàng với dàn vệ sĩ lực lưỡng, anh nghĩ rằng đây chắc hẳn không phải là một cuộc gặp gỡ bình thường.

“Lúc đó, tôi thầm nghĩ thời tiết Manila đang nóng nực, tại sao mọi người lại mang áo khoác và kính đen vào ban đêm? Chuyện gì đang xảy ra vậy?”, Tan nhớ lại.

Tan có mặt ở nhà hàng này để ký kết thỏa thuận cài đặt ứng dụng Grab với ông chủ của công ty taxi ở Manila. Trong lúc hai bên đang đàm phán, Tan bỗng nghe một tiếng rơi thụp. Anh liếc mắt nhìn xuống dưới bàn và thót tim khi thấy một vật trông giống khẩu súng máy nằm trên sàn nhà. Về sau, Tan mới biết rằng ông chủ công ty taxi ngồi đối diện với anh tại nhà hàng là một trong những trùm buôn vũ khí lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Anthony Tan, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành hãng gọi xe Grab. Ảnh: Bloomberg.

Giờ đây, Tan đang làm việc ở trụ sở mới sang trọng ở tòa cao ốc Marina One West tại khu trung tâm thương mại Singapore. Tan và Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab, bạn học cùng lớp của anh khi cả hai đang theo học khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở Đại học Havard, đã đi một chặng đường không ít gian nan để xây dựng Grab trở thành một kỳ lân khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á (kỳ lân khởi nghiệp là thuật ngữ ám chỉ công ty khởi nghiệp có mức định giá 1 tỉ đô la Mỹ trở lên). Grab đang được định giá hơn 10 tỉ đô.

Ngày nay, cả Tan và Hooi Ling đều được vinh danh bởi cộng đồng công nghệ và truyền thông. Cả hai đều có tên trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng trong giới kinh doanh năm 2018 do tạp chí Fortune bình chọn.

Chặng đường của họ xuất phát từ một gara ở Kuala Lumpur (Malaysia), nơi ứng dụng Grab bắt đầu tìm người dùng. Tan nhớ lại vào lúc đó, cứ thấy xe taxi đến gara này để sửa chữa là anh gõ cửa xe, thuyết phục họ tải ứng dụng Grab.

“Chú ơi, cho tụi cháu một cơ hội đi, thu nhập của chú bảo đảm sẽ tăng lên!”, Tan nhớ lại đã nói như vậy với những người dùng Grab đầu tiên. Anh cho biết: “Chúng tôi chẳng khác nào đi xin xỏ. Có lẽ cứ 10 tài xế mà tôi chào hàng, có hai người đồng ý thử sử dụng ứng dụng Grab”.

CEO có phong cách bình dân

Mặc áo phông polo màu đen và quần dài màu than chì, Tan toát ra phong cách thân thiện, dễ gần. Song phong cách bình dân dường như đối lập với nền tảng xuất thân danh giá của anh. Trước khi thành lập Grab, Tan được biết đến như là một người con trai dòng dõi của một gia tộc kinh doanh nổi tiếng ở Malaysia.

Xuất thân từ gia tộc kinh doanh nổi tiếng ở Malaysia phong cách của Tan khá bình dân. Ảnh: Malaysian Business.

Tan là con trai út trong số ba người con trai của Tan Heng Chew, chủ tịch hãng ô tô Tan Chong Motor, chuyên lắp ráp và phân phối ô tô thương hiệu Nissan khắp Đông Nam Á. Ông Tan Heng Chew tin vào trường phái “yêu cho roi cho vọt”, vậy nên ông đã đưa Tan vào làm việc ở một dây chuyền lắp ráp ô tô và tháp tùng ông đến các cuộc họp căng thẳng với các chủ tịch công đoàn lao động.

Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab cho biết: “Ban đầu, tôi có một định kiến điển hình về anh ấy như là quý tử của một gia tộc giàu có. Nhưng khi tôi thân thiết hơn với Anthony, tôi quá đỗi ấn tượng trước sức làm việc của anh ấy. Anh ấy là một trong những người làm việc cần mẫn nhất mà tôi từng gặp dù anh ấy xuất thân từ một gia đình có thừa điều kiện thuận lợi”.

Ý tưởng thành lập Grab (ban đầu được gọi là MyTeksi) được nhen nhóm khi Anthony Tan và Tan Hooi Ling tình cờ ngồi cạnh nhau trong một lớp học MBA.

Ngày nay, danh sách cổ đông lớn của Grab có nhiều tên tuổi lớn gồm tập đoàn đầu tư SoftBank, hãng gọi xe Didi Chuxing, hãng xe Toyota, Uber. Nhưng sẽ không có Grab ngày nay nếu như không có một nhà đầu tư đặc biệt, đó là bà Khor Swee Wah, mẹ của Anthony Tan.

Trước khi khởi nghiệp với Grab, Tan là giám đốc tiếp thị ở Tan Chong Motor. Có lần anh trao đổi ý tưởng phát triển ứng dụng gọi taxi với cha mình nhưng bị ông gạt đi và yêu cầu anh phải theo đuổi công việc kinh doanh của gia đình. Bà Khor Swee Wah vẫn quyết định hỗ trợ Tan bằng cách rót cho Grab vài triệu đô để vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu đồng thời tháp tùng anh đến các cuộc gặp với các nhà đầu tư tiềm năng.

Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab. Ảnh: SCMP.

Đông Nam Á với dân số khoảng 600 triệu người, từ lâu là thị trường lớn tiếp theo mà các công ty công nghệ thèm thuồng. Riêng thị trường gọi xe ở khu vực này được dự báo trị giá hơn 20 tỉ đô vào năm 2025, theo một báo cáo nghiên cứu của Google và công ty đầu tư Temasek thuộc Bộ Tài chính Singapore vào tháng 12 năm ngoái

Ngày nay, Grab hoạt động ở 225 thành phố ở tám nước Đông Nam Á và đã thu hút được hơn 100 triệu lượt tải ứng dụng.

Khởi đầu chỉ là một ứng dụng gọi xe taxi, Grab đã mở rộng ra các dịch vụ khác bao gồm gọi xe tư nhân (GrabCar), gọi xe ôm (GrabBike) và giờ đây lấn sân sang các dịch vụ giao hàng bao gồm đồ ăn, hàng tạp hóa và bưu kiện. Để kết nối tất cả dịch vụ này, Grab đã ra mắt dịch vụ thanh toán di động GrabPay vào năm 2016, giúp người dùng thanh toán các dịch vụ thuận tiện hơn. Grab dự kiến đạt doanh thu 1 tỉ đô trong năm 2018.

Cuộc đối đấu vời người bạn học cũ

Tuy nhiên, con đường để gầy dựng Grab không luôn bằng phẳng. Gần đây, Grab nhận được thông báo từ Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Singapore cáo buộc Grab làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường gọi xe sau khi thâu tóm mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á.

Tan cho rằng trên thị trường gọi xe vẫn còn rất nhiều cạnh tranh. Grab đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hãng gọi xe và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu Go-Jek (Indonesia) được sáng lập bởi Nadiem Makarim, một người bạn học cùng khóa MBA với Tan ở Đại học Harvard.

Nadiem Makarim

Từng là bạn thân tại Harvard nhưng giờ Makarim là đối thủ chính của Tan tại Đông Nam Á.

Sau khi thống lĩnh thị trường Indonesia, Go-Jek đang có tham vọng mở rộng thị trường ra khắp Đông Nam Á, trực tiếp đối đầu với Grab. Trong năm nay, Go-Jek quyết định chi 500 triệu đô để có hiện diện ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Hồi còn học ở Harvard, Tan và Makarim từng là những người bạn thân. Tan được cho là từng có ý định đầu tư vào Go-Jek khi công ty này mới được Makarim thành lập. Song cả hai sau đó ngày càng tách rời nhau khi nhận thấy rằng họ sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Cả hai công ty này giờ đây hiếm khi gửi lãnh đạo đến dự các hội nghị hoặc diễn đàn có sự tham dự của phía bên công ty kia.

Tan cho biết quản lý một công ty đa quốc gia có khát vọng lớn đòi hỏi các kỹ năng khác xa với việc điều hành một công ty khởi nghiệp nhỏ bé vào những ngày đầu. Tan nói vui rằng lúc mới thành lập, mọi người trong công ty “đều biết ai đi toilet vì chúng tôi chỉ ngồi xung quanh một chiếc bàn và cũng chỉ có vài người”. Giờ đây, Grab có độ ngũ nhân sự 5.000 người khắp khu vực.

Khi tuyển dụng, Tan cho biết Grab sẽ tìm kiếm các ứng cử viên có bốn thái độ mà Grab xem là các nguyên tắc 4 chữ H chủ đạo của công ty: Khao khát, Khiêm tốn, Thành thực và Nhiệt Tâm (Hunger, Humility, Honesty and Heart).

Lê Linh
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn