Thành tích của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Cannes Lions 2018

Xét về mặt tổng thể, thành tích năm nay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có phần giảm sút so với năm trước. Tuy nhiên, nguyên do có thể đến từ những điểm khác biệt lớn của Cannes 2018.

Thành tích của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm nay có thể xem là một bản báo cáo khách quan về tình hình ngành sáng tạo của khu vực và cũng là cơ hội để xem xét lại cách đánh giá của giải thưởng. Tại Cannes 2018, châu Á mang về 174 giải thưởng - giảm 40% so với năm 2017 (293 giải thưởng).

Một điểm khác biệt lớn tại lễ trao giải năm nay là các “ông lớn” trong khu vực giành được ít giải thưởng hơn. Úc (56 giải thưởng) và Ấn Độ (21), số lượng giải thưởng của cả hai đều chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Trong khi đó Nhật Bản chỉ mang về 21 giải, ít hơn so với thành tích trong năm 2017 (31 giải thưởng).

Dù vậy, vẫn có những điểm sáng nhỏ như Thái Lan (21 giải thưởng) và Hong Kong (9 giải thưởng), cả hai nước đều giành được nhiều hơn ba giải thưởng so với năm 2017. Tương tự Pakistan cũng có tin vui khi đem về 2 giải Bronze Lions trong năm 2018.

Tuy nhiên, đất nước có sự sụt giảm rõ rệt nhất khu vực là Singapore, chỉ giành được 2 giải Lions trong năm nay, so với 32 giải thưởng vào năm 2017. Điều này có thể xem là minh chứng rõ nét cho chất lượng sáng tạo tại Đảo quốc Sư tử đang giảm sút đáng kể.

Bên cạnh lý do chủ quan là sự sụt giảm chất lượng sáng tạo, những sự khác biệt lớn của Cannes 2018 cũng có thể là nguyên nhân cho sự xuống phong độ của APAC. Tại Cannes Lions năm nay, lịch trình chương trình đã được cắt xuống còn 5 ngày, cắt bỏ hơn 120 hạng mục phụ.

Không chỉ vậy, tổng số chiến dịch tham dự năm nay giảm 1/5 trong khi số thương hiệu tham gia tăng 84% so với cùng kì năm ngoái và số lượng các công ty truyền thông tăng 59%.

Bên cạnh đó, có lẽ quan trọng nhất là việc ba hạng mục Lions đã bị loại bỏ năm nay - Intergrated, Cyber và Promo & Activation - là các hạng mục mà APAC gặt hái được khá nhiều giải. Cụ thể, 3 giải trong Intergrated, 22 giải trong Cyber bao gồm 1 giải Grand Prix và 18 giải trong Promo vào năm 2017. Bộ ba hạng mục này được thay thế bằng hai hạng mục mới: Brand Experience & Activation; Social & Influencer - APAC không thu hoạch được nhiều giải ở hai hạng mục này.

Chiến dịch “Palau Pledge” đạt 3 giải Grand Prix.

Thay vào đó các đại diện đến từ APAC thành công hơn tại 2 hạng mục Creative Ecommerce và Sustainable Development Goals, mỗi hạng mục có 3 giải Lions. Trong đó, chiến dịch độc đáo “Palau Pledge” thực hiện bởi Host/Havas Sydney giành được Grand Prix cho hạng mục Sustainable Development Goals.

Sau việc tranh cãi về chiến dịch “Meet Graham” của Clemenger BBO vào năm 2017 - chiến dịch đã không giành được Titanium Lion dù mang về 2 giải Grand Prix, thì “Palau Pledge”, chiến dịch mang về 3 giải Grand Prix cùng những giải thưởng khác bao gồm giải Lion cao quý nhất, Titanium Grand Prix đã nhận được sự công nhận của hầu hết mọi người.

Dù tổng số lượng giải thưởng của khu vực có ít hơn nhưng Ấn Độ vẫn có thể hài lòng khi mang về 2 giải Grand Prix trong năm nay gồm: Health Grand Prix for Good và Creative Effectiveness.

Nhìn chung, tuy mùa giải năm nay có chút ảm đạm với APAC nhưng chúng ta vẫn có thể hi vọng sự thể hiện tốt hơn của họ vào lễ trao giải năm sau.

Thu Nga / Brands Vietnam
Nguồn Faaez Samadi / Campaign Asia