HBO thay đổi văn hóa để chạy đua với Netflix, Amazon

Giám đốc chương trình của HBO nói rằng hãng hào hứng với việc tăng sản lượng chương trình mà không phải hi sinh chất lượng. Liệu với cách làm này họ có thể trụ vững trước áp lực?

Tại tour mùa hè của Hiệp hội nhà phê bình truyền hình hôm 08/08 vừa qua, HBO đã khuấy động sự kiện với lời đảm bảo với giới báo chí rằng dù AT&T có trở thành chủ sở hữu mới của công ty đi chăng nữa, thì không điều gì có thể thay đổi được chất lượng các chương trình của HBO. Lời này xuất phát từ giám đốc chương trình Casey Bloys nhằm phản hồi trực tiếp những bình luận của Giám đốc WarnerMedia John Stankey tại một buổi họp ở Town Hall với Giám đốc HBO Richard Plepler, trong đó Stankey thẳng thắn nêu lên quan điểm rằng HBO sẽ cần phải đẩy mạnh sản lượng nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Netflix và Amazon.

Theo Bloys thì HBO không có ý định chạy theo số lượng mà làm giảm chất lượng vốn có của thương hiệu HBO. AT&T sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào HBO, một điều không hề diễn ra dưới thời Time Warner khi mà hãng này đã luôn sẵn sàng để rao bán chính mình, đặc biệt trong bối cảnh Games of Thrones sẽ đi đến mùa kết vào năm sau, và Veep cũng sắp hạ màn.

Dù thương hiệu HBO có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng khi mà công ty đi theo hướng của Netflix - tức sản xuất ra càng nhiều chương trình và phim càng tốt, tất nhiên hưởng lợi nhất vẫn là người xem, thì một thứ có khả năng bị tổn thương nhất dưới triều đại Stankey chính là "văn hóa HBO".

Văn phòng của HBO tại Seatle. Ảnh: officelovin.

Có lẽ không có công ty nào trong showbiz tự hào về văn hóa của chính mình nhiều như HBO, và hãng cũng đã tìm mọi cách để bảo vệ văn hóa đó. Tại HBO, rất nhiều người đã làm ở đó hàng thập kỷ hoặc hơn, đến mức một vài năm trước, một nữ nhân viên đã có thâm niên 6 năm làm việc tại công ty tự miêu tả mình như là... một đứa bé vậy. Tất cả những nhân viên này đều tin tưởng sâu sắc vào HBO và đường hướng của công ty, và điều đó giải thích tại sao công ty này thành công đến thế trong nhiều năm qua. HBO không phải là một "máy xay" nhân viên như Netflix.

Trong vài năm trở lại đây, HBO đã cho thấy họ có thể chuyển đổi phương hướng sang phân phối nội dung, với sự ra đời của HBO Go và HBO Now. Nhưng để trở thành một con quái vật chuyên "đẻ" ra nội dung, quy trình sản xuất cốt lõi của HBO sẽ phải thay đổi, và kéo theo đó là cả một nền văn hóa đằng sau quy trình đó.

Ở thời điểm hiện tại, HBO được xem là nơi các nhà biên kịch rao bán các kịch bản, nhưng rồi ngầm hiểu rằng chúng sẽ chẳng bao giờ được chuyển thể thành sản phẩm. Lý do của điều này là công ty đang tập trung phát triển hàng trăm dự án, cẩn thận chỉnh sửa từng dự án một, yêu cầu viết lại kịch bản, quay lại các phân cảnh chưa vừa ý, phát triển tuyến nhân vật mới, vân vân và vân vân, trước khi chọn ra những sản phẩm tốt nhất trong số những thứ tốt nhất và bật đèn xanh cho chúng.

Chính những quy trình khắt khe như vậy đã giải thích cho vị thế thống trị giải Emmy của HBO năm này qua năm khác - dù năm nay, lần đầu tiên Netflix đã vượt lên, một điều không thể tránh khỏi xét theo lượng chương trình mà đối thủ của HBO đã sản xuất được. Netflix và Amazon, trái ngược với HBO, làm nội dung theo phong cách "microwave", tức nhanh gọn lẹ.

HBO đã luôn có một hướng đi rất khác biệt để xây dựng hình ảnh của mình. Đường hướng này chắc chắn sẽ bị thay đổi đôi chút dưới thời AT&T.

Tuy nhiên, phương thức làm việc của HBO cũng có nhược điểm là rất nhiều dự án tiềm năng không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Showrunner Dan Futterman, người từng là một giám đốc sản xuất cùng với vợ mình, Anya Epstein, người chỉ đạo show In Treatment cho HBO, cho biết cùng với show này, ông đã phát triển hai dự án khác, bao gồm một sản phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Jennifer Egan mang tên "A visit from the goon squad". Cả hai dự án đều không bao giờ được ra mắt, dù chúng nằm trong số khoảng 200 dự án đang được HBO phát triển. Chính vì sự phũ phàng này, mà nhiều năm sau, khi Hulu đưa ra một đề nghị cho ông và tác giả Lawrence Wright nhằm chuyển thể cuốn sách lịch sử Al Qaeda của Wright - The Looming Tower - với lời hứa hẹn sẽ tạo ra một series phim hoành tráng, ông đã không ngần ngại nhận lời.

Dù yêu hay ghét, HBO đã luôn có một hướng đi rất khác biệt để xây dựng hình ảnh của mình. Đường hướng này chắc chắn sẽ bị thay đổi đôi chút dưới thời AT&T, đó là điều không thể tránh khỏi. Liệu HBO sẽ đưa 400 show của họ vào phát triển nhằm giành lấy thắng lợi trước Netflix hay Amazon hay không? Có vẻ khó xảy ra. Nhưng cũng không có khả năng HBO sẽ đi theo phong cách của Netflix, trao cho các nhà viết kịch bản hàng triệu đô-la và cho họ thoải mái làm bất kỳ điều gì họ muốn với sự can dự ở mức tối thiểu. Có lẽ HBO sẽ chọn giải pháp ở lưng chừng, nhưng để nhận ra đâu là "điểm lưng chừng", hoặc nó trông như thế nào, cũng sẽ là một điều khó khăn.

Dù họ tìm ra "điểm lưng chừng" đó như thế nào đi nữa, đó vẫn sẽ là một thời điểm then chốt đối với HBO. Hãng đã đạt được điều đó trước đây, nhưng ở thời điểm này, áp lực đi kèm khoản tiền 85 tỷ USD của thương vụ sáp nhập là rất lớn. Một vài năm trước, Plepler từng nói về văn hóa cộng tác và dìu dắt khi đưa ra những quyết định lớn tại HBO. Những quyết định của hãng thường xuất phát từ "những cuộc tranh cãi nảy lửa" và những cuộc thảo luận sống động, minh bạch. Điều đó thường mất thời gian và một giai đoạn thuyết phục dần dần, khi mà HBO có thể rất mềm mỏng theo một số cách nào đó để thực hiện điều họ muốn. Ví dụ, khi HBO lần đầu thảo luận việc cấp phép một số show của mình cho đối thủ Amazon để đổi lấy khoản tiền 300 triệu USD, một số lãnh đạo của hãng đã phản đối kịch liệt. Tại sao lại mang một show như The Sopranos lên một dịch vụ mang đậm chất siêu thị Walmart như Amazon? Tại sao lại để cho người xem nghĩ họ có thể xem các show HBO ở bất kỳ đâu ngoài HBO? Plepler cho biết đã phải mất đến 5 cuộc họp nghiêm túc mới thuyết phục được mọi người, hoặc gần như mọi người, chấp thuận ý tưởng này.

Một trong những câu nói yêu thích của Plepler là "Văn hóa ăn chiến lược vào buổi sáng". Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, điều đó sẽ được thử thách!

Tấn Minh / FastCompany
Nguồn Trí thức trẻ