Hàng tiêu dùng nặng gánh chi phí bán hàng
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh tương đối tốt trong quí 1. Tuy nhiên, để bán được hàng, các doanh nghiệp đã phải chi nhiều tiền cho việc quảng cáo, marketing, khuyến mãi...
Báo cáo tài chính (chưa soát xét) của các công ty sản xuất các mặt hàng sữa, bánh kẹo, đồ dùng nhựa, gỗ, bột giặt... cho thấy, các đơn vị đều đạt được lợi nhuận khả quan, thậm chí cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh thu bán hàng tăng.
Lợi nhuận tốt, có thể kể đến Vinamilk (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – mã chứng khoán VNM). Theo báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ, trong quí 1, công ty này đạt lãi sau thuế hơn 1.524 tỉ đồng, tăng hơn 260 tỉ đồng (tương đương 21%) so với cùng kỳ. Nguồn doanh thu của Vinamilk chủ yếu đến từ thị trường nội địa.
Nguyên nhân chính đem lại kết quả này chính là việc doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6.722 tỉ đồng, tăng gần 15% so với con số 5.921 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong quí này, Vinamilk đã phải chi nhiều hơn cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Tốn nhiều chi phí cho bán hàng, quản lý doanh nghiệp hay lãi vay cũng là câu chuyện ở nhiều công ty hàng tiêu dùng khác.
Ví dụ như Công ty cổ phần Bột giặt Net. Lợi nhuận sau thuế quí 1 của công ty này đạt hơn 15 tỉ đồng, tăng hơn 600 triệu (khoảng 4%) so với cùng kỳ dù doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tới 18% (28 tỉ đồng).
Những số liệu trong báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, nguyên nhân nằm ở việc chi phí bán hàng, giá vốn đã tăng nhiều so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng tăng hơn 50%; giá vốn tăng 14%.
Tương tự, Công ty cổ phần Bột giặt Lix trong quí 1 đạt được mức lợi nhuận khá: hơn 19,7 tỉ đồng, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số lợi nhuận có thể khá hơn nếu chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp không tăng như đã xảy ra.
Ông Lâm Văn Kiệt, Tổng giám đốc Lix phân tích: chi phí tài chính tăng 0,43 tỉ đồng đã làm lợi nhuận giảm 0,41 tỉ đồng. Tương tự, chi phí bán hàng tăng 4,85 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,6 tỉ đồng cũng làm lợi nhuận giảm 6,44 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tăng 15,1 tỉ đồng; giá vốn hàng bán giảm 3 tỉ đồng nên tính chung, doanh nghiệp vẫn thu về mức lợi nhuận khá.
Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa. Quí 1, công ty này báo lãi 35,5 tỉ đồng, một con số khá trong mặt bằng chung hiện nay. Tuy nhiên, so với con số 44,8 tỉ đồng của cùng kỳ lại giảm khá nhiều dù doanh thu bán hàng đã tăng khá.
Nguyên nhân được ông Lê Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc giải trình là do lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm khi chi phí bán hàng tăng tới gần 70% và lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm khi doanh số tiền gửi giảm hơn 38%.
Theo báo cáo, trong quí 1, công ty này đã chi tới 68,2 tỉ đồng để bán hàng trong khi cùng kỳ chỉ là 40,3 tỉ đồng. Một trong những khoản Vinacafe Biên Hòa đã chi nhiều trong thời gian qua, có thể kể đến là những quảng cáo xuất hiện liên tục trên các kênh truyền hình lớn.
Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà cũng là một trường hợp tương tự. Trong quí 1, công ty này đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 6 tỉ đồng, tăng 6% so với quí 1 năm ngoái dù doanh thu thuần tăng tới 14%.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp này đã phải tốn rất nhiều chi phí cho việc bán hàng, quản trị. Trong đó, khoản chi phí bán hàng tăng từ 7,7 tỉ đồng quí 1 năm ngoái lên 18 tỉ đồng quí này; chi phí quản lý doanh nghiệp từ 9,5 tỉ đồng lên 19,6 tỉ đồng.
Hay như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, để duy trì được mức doanh thu gần tương đương với cùng kỳ, doanh nghiệp này đã phải đẩy chi phí bán hàng thêm 34% so với cùng kỳ, mức 56,4 tỉ đồng. Tuy vậy, nhờ tiết chế được chi phí tài chính (trong đó có lãi vay ngân hàng) và chi phí quản lý doanh nghiệp tổng lợi nhuận đạt khá, mức 27,2 tỉ đồng.
Ngược lại, với những công ty cắt giảm được các chi phí kể trên, mức lợi nhuận được gia tăng đáng kể. Ví dụ như Công ty cổ phần Bibica (mã BBC). Báo cáo hợp nhất của Bibica cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt được trong quí 1 lên tới hơn 4,4 tỉ đồng, tăng 2,65 tỉ đồng so với cùng kỳ, tức 151%.
Theo ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, kết quả này có được là nhờ doanh thu thuần quí 1 tăng 11% so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần giảm 2,1%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần trong quí này giảm 0,2% nên cũng góp phần làm tăng lợi nhuận.
Riêng công ty mẹ Bibica, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,5 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ nhờ doanh thu thuần tăng và tỷ lệ giá vốn hàng hóa trên doanh thu giảm.