Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn ở mức cao, vượt chỉ số trung bình toàn cầu

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang ở mức ổn định trong quý 2 năm 2018 với 120 điểm phần trăm – giảm 4 điểm so với quý trước, theo số liệu mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board® và công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu Nielsen.

Việc giảm điểm là do sự suy giảm về nhận định tích cực của người tiêu dùng cho triển vọng công việc và nhận thức thời điểm hiện tại là thời điểm tốt để mua sắm chi tiêu. Chính vì vậy, Việt Nam đã nhích xuống 1 hạng so với quý trước, trở thành nước thứ 5 lạc quan nhất toàn cầu.

Kết quả trong báo cáo mới nhất này cũng cho thấy mức độ lạc quan của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn ở mức cao với việc bốn trong sáu nước trong khu vực giữ được vị trí trong 10 nước lạc quan nhất thế giới. Trong quý này, cả Indonesia & Philippines có cùng chỉ số niềm tin người tiêu dùng với 127 điểm và cùng là nước lạc quan nhất toàn cầu. Malaysia đạt mức tăng trưởng nhiều nhất, tăng 13 điểm phần trăm và đây là mức tăng nổi trội nhất trên toàn thế giới. Với mức tăng này, Malaysia nhảy vọt 8 bật, trở thành nước lạc quan đứng thứ 7 toàn cầu. Trái ngược, Thái Lan lại giảm 8 điểm xuống còn 102 điểm và trượt 10 hạng, xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng các nước lạc quan toàn thế giới. Chỉ số lạc quan người tiêu dùng trung bình của toàn cầu là 104 điểm phần trăm (-2 điểm so với Q1 2018).

“Mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cao ngang bằng chỉ số của quý 2 năm ngoái, cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn ngưỡng trung lập. Việt Nam vẫn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng 10 quốc gia lạc quan nhất thế giới trong 2 năm vừa qua” bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam cho biết. “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn trong các quý gần đây kết hợp với sự cải thiện liên tục trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự tăng trưởng ở một vài ngành như du lịch, hoạt động giải trí và các sản phẩm công nghệ thông tin. Thế nhưng, điều này có thể đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý 2, với mức tăng trưởng chỉ vào khoản 2.7%”.

Công việc ổn định và sức khỏe vẫn là mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt

Việt Nam tiếp tục xếp hạng sự ổn định công việc (46%, + 3% so với Q1 2018) và sức khỏe (42%, + 1% so với Q1 2018) là hai mối quan tâm hàng đầu, trong khi đó 22% số người được khảo sát cho biết tình hình kinh tế quốc gia (22 %, -1% so với Q1 2018) và vấn đề cân bằng cuộc sống (22%, -1% so với Q1 2018) là điều đáng lo ngại thứ ba.

Mặc dù tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, nhưng suy nghĩ về suy thoái kinh tế của người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao khi 48% người được hỏi cho rằng đất nước vẫn đang trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, gần năm trong số mười người được hỏi cảm thấy tích cực về việc quốc gia sẽ thoát khỏi suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới (46% so với 38% trong quý 1 năm 2018).

Người tiêu dùng Việt Nam cũng tiếp tục lạc quan về tình trạng tài chính cá nhân của họ với 76% nhận định rằng tình trạng tài chính cá nhân của họ tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới (-1% so với Q1), nhưng gần một nửa số người được hỏi đã cho rằng đây không phải là thời điểm tốt để mua sắm chi tiêu.

Các mối quan ngại khác của người Việt được phản ánh trong báo cáo là việc tăng hóa đơn chi phí sinh hoạt (11%), phúc lợi hoặc sức khỏe của phụ thân (11%) và giáo dục hoặc phúc lợi của con cái (8%).

“Tình hình kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trong 3 quý gần nhất với GDP tăng khoảng 6-7%, nhưng mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng Việt Nam vẫn là sự ổn định công ăn việc làm và nền kinh tế. Nhiều người vẫn tin rằng đất nước vẫn đang trong tình trạng suy thoái và đây không phải là thời điểm tốt để chi tiêu, cho chúng ta thấy vẫn đang có những vấn đề xã hội khác có thể khiến họ giảm sự lạc quan về một cuộc sống tốt hơn mà họ mong muốn có được”. “Mặc dù không có chỉ số kinh tế nào cho thấy Việt Nam đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, người tiêu dùng vẫn tiếp tục tin rằng tình hình hiện tại không thực sự tích cực và tương lai vẫn chưa được xác định chắc chắn. Suy nghĩ và nhận định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc chi tiêu và tiết kiệm của người tiêu dùng”.

Tiết kiệm nhưng vẫn sẵn lòng chi tiêu

Trên toàn cầu, người tiêu dùng Đông Nam Á dẫn đầu khi nói đến tiết kiệm, và ý định này vẫn không thay đổi trong hai năm qua. Trong quý 2, Philippines là quốc gia có người tiêu dùng khao khát tiết kiệm nhất thế giới (71%), tiếp theo là Việt Nam (70%), Singapore (69%) và Indonesia (66%). Trung bình toàn cầu có khoản 53% người tiêu dùng sử dụng tiền nhàn rỗi vào việc tiết kiệm (+ 1% so với Q1 2018).

Tuy nhiên, sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần một nửa người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch (49%). Và mong muốn này dần dần trở nên mạnh mẽ hơn trong năm vừa qua. Bên cạnh các kỳ nghỉ, 46% người tiêu dùng Việt Nam muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới. Ngoài ra, 43% người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp / trang trí nhà cửa. Đáng chú ý hơn, ý định chi tiêu cho các gói bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, ý định này đã tăng 3 điểm trong quý 2 (41%, + 3% so với quý 1 năm 2018).

“Tiết kiệm là DNA của người Việt Nam. Vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục dể dành tiền tiết kiệm cho tương lai của họ và con cái họ. Với sự quan tâm về sức khỏe và phúc lợi trở thành những ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, sản phẩm và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe sẽ chiếm được tâm trí và tình cảm của người Việt ” bà Quỳnh giải thích.

Để tham khảo báo cáo đầy đủ, vui lòng bấm vào đường dẫn này.

Nguồn Nielsen