Truyền hình Thái và bước ngoặt Facebook mua bản quyền Ngoại hạng Anh

Nhiều chuyên gia truyền thông của Thái Lan nhận định thương vụ mua bản quyền Ngoại hạng Anh trị giá 264 triệu USD của Facebook sẽ thay đổi toàn bộ ngành truyền hình Thái Lan.

Thương vụ mua trọn bản quyền phát sóng trực tuyến Ngoại hạng Anh trong 3 mùa liên tiếp bắt đầu từ mùa 2019-2020 không chỉ đánh dấu sự bành trướng của Facebook sang lĩnh vực truyền hình mà theo nhiều chuyên gia còn thay đổi toàn bộ ngành truyền hình số và truyền hình trả tiền Thái Lan.

Động thái mạnh mẽ này của Facebook sẽ biến hãng thành đối thủ khổng lồ của các đài truyền hình trả tiền truyền thống và trong tương lai sẽ biến mạng xã hội này thành một đài truyền hình, theo cách này hay cách khác.

Gã khổng lồ thay đổi cuộc chơi

Chia sẻ với Bangkok Post, ông Mana Treelayapewat, trưởng khoa nghệ thuật truyền thông tại trường Đại học Bộ Thương Mại Thái Lan cho hay Facebook đã cho phép người dùng Thái và các đài truyền hình kỹ thuật số lớn trình chiếu nội dung từ hãng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên gần đây hãng cũng đang yêu cầu các nhà đài phải phối hợp sản xuất nội dung nhằm trình chiếu trên nền tảng của Facebook.

"Chắc chắn Facebook sẽ đánh bại các đài truyền hình kỹ thuật số và truyền hình trả tiền bằng việc mua bản quyền phát sóng các trận đấu bóng đá phổ biến", ông Mana cho hay.

Facebook và các nền tảng trực tuyến đang thay đổi cách khán giả xem thể thao trực tiếp. Ảnh: Ngô Minh.

Facebook đã rất thành công với chiến lược bán quảng cáo của mình và sẽ còn thu đậm hơn nữa với động thái mới này.

Trước Facebook, BeIN Sports là đơn vị độc quyền nắm bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh và cấp bản quyền cấp thấp hơn tới TrueVision để đài này độc quyền phát sóng các trận đấu của giải bóng đá hàng đầu nước Anh trong lãnh thổ Thái Lan.

Ông Mana cũng bày tỏ lo ngại cho ngành truyền hình Thái Lan khi một ông lớn khác là Google cũng đang ấp ủ động thái tương tự và nhiều khả năng sẽ sử dụng YouTube làm kênh phát sóng nội dung.

Ông chia sẻ truyền thông đại chúng ở Thái Lan chủ yếu vẫn là truyền hình kỹ thuật số. Tuy nhiên sự bành trướng của Facebook và Google đang làm xoay chuyển thị trường khi mà khán giả chuyển dần sang các nền tảng trực tuyến.

Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng tới việc các đơn vị quảng cáo định hình lại ngân sách chi tiêu bởi Facebook và Google có thể trả về các số liệu quảng cáo chính xác hơn, giúp công việc của các đơn vị quảng cáo trở nên dễ dàng hơn.

"Cả khán giả và nhà quảng cáo được cho là sẽ dần rời bỏ nền tảng truyền hình truyền thống vì truyền thông trực tuyến có thể đưa ra những dữ liệu chính xác hơn về cả về mặt thông số và chi tiết", ông Mana nhận định.

"Cả khán giả và nhà quảng cáo được cho là sẽ dần rời bỏ nền tảng truyền hình truyền thống vì truyền thông trực tuyến có thể đưa ra những dữ liệu chính xác hơn về cả về mặt thông số và chi tiết."

Biến Facebook Live thành đài truyền hình

Mặt khác, theo Time Chuastapanasiri, một nhà phân tích truyền thông, Facebook không chỉ đánh bại truyền hình kỹ thuật số mà sẽ còn lấn át cả truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình trả tiền và sẽ thay đổi toàn bộ ngành truyền hình truyền thống.

Facebook Live đã mở rộng vào thị phần của ngành truyền hình Thái với những tính năng thuận tiện cho người dùng, giúp phát sóng nội dung từ điện thoại thông minh mà không cần trang thiết bị đắt tiền nhưng vẫn cạnh tranh lượng người xem kể cả vào các "giờ vàng" của truyền hình.

"Facebook nhiều khả năng sẽ trở thành đài truyền hình chính tại Thái Lan trong tương lai và các đài truyền hình truyền thống sẽ trở thành công cụ hoặc đơn vị sản xuất nội dung cho ông lớn mạng xã hội", ông Time phân tích.

Ông Time cũng cho hay nếu Facebook Live trở thành một đài truyền hình, ngành công nghiệp truyền hình kỹ thuật số sẽ chịu tác động rất lớn.

Ông Siwat Chawareewong, CEO của công ty quảng cáo Group M, cho hay ông không ngạc nhiên khi Facebook lấn sân vào chiến trường phát sóng thể thao trực tiếp khi mà lượng khán giả đang rất dồi dào.

Tuy nhiên, đơn vị nắm bản quyền giải Ngoại hạng Anh vẫn sẽ cung cấp bản quyền tới các kênh truyền thông khác.

Ông Siwat cho hay đơn vị này sẽ không chia lẻ bản quyền phát sóng trực tuyến và bản quyền phát sóng truyền thống nữa bởi các nhà sản xuất nội dung muốn phân phối tới tất cả các kênh truyền thông.

"Đây là kỷ nguyên của đa màn hình, nơi mà nội dung sẽ trở nên cá nhân hóa và phân mảnh hóa", ông Siwat nhận định.

Ông nói thêm rằng người hâm mộ bóng đá sẽ có lựa chọn xem đội bóng yêu thích của họ trên TV truyền thống, TV thông minh hay các thiết bị di động. Các nhà quảng cáo và các nhãn hàng sẽ chi tiền cho các nền tảng và nội dung có nhiều khán giả.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngành truyền hình Thái Lan sẽ chịu tác động rất lớn sau thương vụ Facebook mua bản quyền Ngoại hạng Anh. Ảnh: Getty.

Còn theo ông Jarit Sidhu, quản lý cấp cao tại hãng nghiên cứu IDC Thailand, cho hay động thái của Facebook rất thú vị khi hãng đang muốn có nội dung riêng trong mảng truyền nội dung thể thao trực tiếp, tương tự như dịch vụ Amazon Prime.

Trong khi với các nội dung như phim truyền hình, điện ảnh, các nhà sản xuất đang tạo ra nền tảng phân phối của riêng mình như Disney, Netflix đang làm thì nội dung thể thao là lĩnh vực duy nhất chưa có kẻ thống trị trên mặt trận trực tuyến.

Tuy nhiên, không giống như Facebook, Amazon Prime có một mô hình kiếm tiền rõ ràng. "Chúng tôi cho rằng mô hình kiếm tiền của Facebook sẽ là phát miễn phí với tài trợ và quảng cáo hoặc đi theo mô hình thuê bao mà Amazon Prime đang áp dụng", ông Jarit nói.

Ông Jarit cũng cho rằng Facebook cần chuẩn bị chất lượng truyền dẫn ổn định để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Trước đó, Facebook đã tuyên bố chi 264 triệu USD để có được bản quyền phát sóng 3 năm liên tiếp giải Ngoại hạng Anh tại 4 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào, bắt đầu từ mùa bóng 2019-2020.

Ngô Minh
Nguồn Zing News