“Tôi không hề cảm thấy xấu hổ vì chuyện đi học lỏm, bắt chước đối thủ”

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP FPT Retail, nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, để hiểu thêm về “nữ tướng” trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.

* Xin chào bà! Tính tới nay bà đã tham gia thương trường được bao lâu rồi?

Sau khi học quản trị kinh doanh ra trường tôi vào làm FPT, thời gian làm tại đây chính là toàn bộ thời gian đi làm kinh doanh, từ năm 1995, tôi bắt đầu là một nhân viên bán hàng.

Đó là sự tình cờ. Hết năm cuối đại học là phải đi thực tập, phải kiếm công ty thực tập. Có một người bạn trong lớp làm nhà may và may quần áo cho một số anh chị ở FPT. Bạn thấy tôi loay hoay chưa tìm được nơi thực tập và hỏi muốn thực tập ở FPT không. Lúc đó tôi không biết FPT là công ty gì vì thời đó FPT cũng mới thành lập được vài năm ở Hà Nội và mới nam tiến ít năm thôi. Thậm chí lúc đó Việt Nam còn chưa mở cửa, máy tính này kia còn rất ít, vẫn sử dụng các máy của Liên Xô…

Khi thực tập thấy văn hóa của FPT thích quá, cảm thấy đó là môi trường rất mới, rất lạ theo kiểu dân chủ, hòa đồng… Tôi bắt đầu vào thực tập ở cửa hàng bán máy, lúc đó còn máy đánh chữ là hãng của Ý chứ chưa có các hãng của Mỹ vì hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, như Compaq, IBM lúc đó chưa vào.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail.

Quá trình thực tập tại FPT trong 1 năm là nhân viên bán hàng. Target lúc đó cũng đơn giản, khi thực tập bán hàng thì nhiệm vụ phải là bán hàng, mục tiêu khách hàng bước vô phải tuyết phục được để mua hàng. Bắt đầu đo sự thành công bằng chuyện bao nhiêu khách hàng mua, sau đó tự nhiên tôi thành người bán hàng tốt nhất tại cửa hàng đấy, từng bước đi lên dần như vậy. Các anh chị thấy làm tốt thì giữ lại. Sau đó giao cho làm cửa hàng trưởng. Lúc đầu bán cho các khách hàng lẻ, sau các khách hàng đó phát triển thành các công ty lớn, như Prudential, Unilever… Lúc mở văn phòng đại diện họ mua vài ba cái máy sau đó họ mở nhà máy thì mình bán thành dự án, cứ như vậy mình lớn dần theo.

* Bà có thường đi “vi hành” để nắm được hoạt động của doanh nghiệp?

Thực ra trước đây đi rất nhiều. Đi nhiều tỉnh thành, xem và đánh giá thị trường để mở shop, xuống xem shop hoạt động thế nào. Về sau tôi huấn luyện bàn giao lại co các giám đốc vùng làm những chuyện đó. Mà tại vì bây giờ ai cũng biết mắt hết trơn nên vi hành khó lắm, xuống cái nhận ra rồi thì còn vi hành được gì nữa!

Thường tôi đi quan sát đối thủ nhiều hơn. Nhìn nhận xem bên đối thủ họ có gì hay, họ làm được những việc gì, bên nhà mình thì đã tốt hay chưa và đi nói chuyện với khách hàng.

Tuy nhiên bây giờ có mảng kinh doanh mới là thuốc nên bắt đầu lại đi. Lại kiểu cũ, đi xem địa điểm như trước đây. Tôi có tính hơi cầu toàn, cho nên nhận mảng mới thì muốn tự mình làm, tự trải nghiệm trước xem độ khó thế nào, xem vướng cái gì, xây nó hòm hòm rồi mới chuyển lại cho người tiếp theo. Kiểu giao cho bên dưới làm, mình ở trên chỉ hơi hơi hiểu sẽ không yên tâm!

Tôi không thích chuyện than thở. Mỗi người tự quyết định cuộc đời của mình. Mình chọn công việc đấy, vị trí đấy là do mình. Chẳng ai ép mình phải ngồi ghế đấy, vị trí đấy cả.

* Theo bà, tố chất của một người lãnh đạo doanh nghiệp cần có là gì, nhất là với nữ?

Nói chung về tố chất của người lãnh đạo doanh nghiệp, chưa nói là nữ có mấy điểm. Thứ nhất là định hướng định hướng tốt, nhìn ra được đường hướng cần phải đi rõ ràng mới thuyết phục được mọi người đi theo.

Thứ hai là triển khai tốt. Tức nghĩ là một chuyện nhưng tổ chức thực hiện nó một cách khoa học, trơn tru.

Thứ ba quan trọng là tính công bằng và minh bạch. Ngay từ hồi bé làm cửa hàng trưởng cho đến bây giờ khi FPT điều chuyển qua nhiều vị trí khác nhau trong tập đoàn, mỗi khi nhận công việc mới, việc đầu tiên tôi làm là đi xem công thức thu nhập của nhân viên. Tôi đi nghiên cứu công thức thu nhập của nhân viên sau đó xây dựng công thức khoán, người làm được nhiều sẽ được ghi nhận thế nào, thu nhập ra sao so với người làm ít, tóm lại không có kiểu dĩ hòa vi quý và cào bằng.

Về sau này tôi để ý cứ bước qua công ty nào là làm việc đó đầu tiên. Bởi bản chất nhân viên họ phải có động lực và họ cảm thấy được ghi nhận, được trả công bằng thì họ mới cố gắng.

Thêm nữa, cá nhân tôi hay đặt cho mình trách nhiệm với những người đi cùng. Mình có trách nhiệm làm sao để vận hành tổ chức đó đảm bảo tăng trưởng phát triển thế nào để những người đi cùng mình cũng được cái gì đấy. Tôi là người đòi hỏi khắt khe, đổi lại mọi người hiểu tính tôi rằng sau những cái đấy họ sẽ trưởng thành hơn thế nào và họ nhận đi kèm thế nào so với trước đây. Từ những điều đó tôi có những người đi cùng sau nhiều năm, hiểu và hợp tác tốt.

Với nữ lãnh đạo, họ có thêm chút tính về chi tiết. Nữ thông thường kiên nhẫn, tính chi tiết có thể tốt hơn đàn ông, cho nên không có kiểu bỏ cuộc giữa chừng, hoặc kiểu vào chi tiết là chịu không được.

Bà Điệp nhận mình là người nóng tính, cầu toàn trong công việc.

* Nhưng nếu nữ làm lãnh đạo sẽ có những hạn chế nào?

Tất nhiên rồi. Ngoài những hạn chế chúng ta thường nói là thiên chức làm mẹ, lo cho gia đình… xét từ góc độ cá nhân tôi cảm thấy có vài hạn chế.

Thứ nhất là về mặt công nghệ. Việc nắm bắt về mặt công nghệ, kỹ thuật thường không bằng nam giới. Có thể do phụ nữ khi đụng tới công nghệ, kỹ thuật thường không hấp dẫn lắm, cho nên nạp vô trong người không nhiều bằng nam giới.

Thứ hai tính leader, tính định hướng thì nam giới họ làm tốt hơn, nhìn nhận họ tốt hơn. Nữa là tính quyết đoán của họ cũng tốt hơn, nữ sẽ có lúc bị phân vân, dao động.

* Điểm nào chị cho là nhân viên cần ‘lưu tâm” khi làm việc?

Tôi thấy mình là người nóng tính, rõ ràng, không chấp nhận chuyện nửa vời. Mọi người làm việc với tôi bao giờ cũng sẽ chuẩn bị sẵn các câu trả lời. Ví dụ đặt vấn đề lên có thể họ có hoặc không có giải pháp, tôi sẵn sàng ngồi trao đổi để ra được giải pháp. Nhưng sau tất cả những giải pháp đấy câu hỏi của tôi bao giờ cũng là ai làm, chừng nào xong. Đó là một phần tính cách trong công việc, đòi hỏi cao, không thích chuyện giải trình và loay hoay, sai hay đúng hoặc chưa hay nhưng phải có giải pháp.

Và tôi không thích chuyện than thở. Mỗi người tự quyết định cuộc đời của mình. Mình chọn công việc đấy, vị trí đấy là do mình. Chẳng ai ép mình phải ngồi ghế đấy, vị trí đấy cả. Giả sử như tôi, nhiều người nói giờ đâu thiếu tiền sao phải làm chi khổ vậy. Tôi bảo đúng là giờ tôi không phải đi làm kiếm tiền nhưng cũng chẳng ai ép tôi ngồi vào vị trí này. Tôi đã nhận có nghĩa mình nhận cả trách nhiệm và không được quyền than thở, tại sao tôi mệt thế, tại sao tôi khổ thế, tại sao tôi bị áp lực thế này thế kia. Không có tại sao cả, mình không thích thì mình đứng lên. Mình đã ngồi, đã nhận thì làm cho hết sức bởi như mình nói mình có tính sĩ diện cao, không muốn mọi người nhìn mình kiểu không được việc.

Tôi không hề cảm thấy xấu hổ vì chuyện tôi đi học lóm, bắt chước. Tôi không quan tâm. Đối với tôi đó là hiệu quả, học ai cũng được, học đối thủ cũng được.

Tuy có tính sĩ diện cao nhưng lại có sự đối lập khác là không sĩ diện ở chuyện mà tôi cho là mang lại hiệu quả. Như khả năng học hỏi. Chẳng hạn khi bí chuyện gì tôi sẵn sàng đi xem đối thủ chuyện đó họ làm như thế nào, tại sao mình bị bí, cách làm của họ như thế nào, nếu họ làm hay hơn tôi sẵn sàng học. Tôi không hề cảm thấy xấu hổ vì chuyện tôi đi học lóm, bắt chước. Tôi không quan tâm. Đối với tôi đó là hiệu quả, học ai cũng được, học đối thủ cũng được.

* Khi rảnh bà thường làm gì để thư giãn?

Nhiều người cứ nói việc tôi thư giãn lại là công việc. Đi du lịch cũng có nhiều cái thú vị, nhưng về sau này đi du lịch cũng là vì trách nhiệm với con cái là chính, và thường tranh thủ vào các dịp lễ tết. Dịp tết là khỏe nhất, bởi lúc đấy tôi thực sự thoải mái hoàn toàn vì biết trong những ngày đó đối thủ cũng nghỉ, chính vì vậy không có áp lực gì, cả làng như nhau! Đi chơi cảm thấy không áy náy trong lòng. Chứ bình thường công việc vẫn đang chạy, mọi người vẫn làm mà mình đi chơi cảm thấy không thoải mái, kiểu vậy.

Cái nữa là dành cho sức khỏe, thời điểm này chọn tập gym vì cảm thấy thích, giải phóng năng lượng, giảm stress, tốt cho sức khỏe. Hay là gặp gỡ bạn bè, là những người trong công ty, cùng nhóm kinh doanh, nói những câu chuyện bên trong, bên ngoài công ty, những câu chuyện xã hội với nhau. Trước đây cũng thích đọc sách, sau này do tuổi tác, nhìn máy tính nhiều, đọc sách thấy nhức mắt nên hạn chế đọc.

Bà định hướng cho con cái trong việc chọn nghề nghiệp ra sao?

Riêng cái đó mình thoải mái, hoàn toàn không can thiệp. Thậm chí quá trình học của con mình cũng không can thiệp, chỉ nhắc nhở một chút về cách học như thế nào còn sau đó để cho tụi nhỏ gần như tự giác.

Tôi có hai bé thì một bé hơi có khuynh hướng về nghệ thuật và một bé có khuynh hướng về quản trị kinh doanh. Và với bé thích nghệ thuật thì tôi không có khuynh hướng khuyên không nên theo nghệ thuật đâu con, tôi để con theo sở thích sở trường của con.

* Xin cảm ơn bà!

Huyền Trâm
Nguồn BizLive