[Nhật ký sáng tạo] Nghiên cứu thị trường

Mới đọc tiêu đề, hẳn các bác đã thấy nhảm và thế nào cũng có bác sứt đầu mẻ trán vì cụng đầu vào mặt trăng. Em hiểu các bác sẽ nhảy dựng lên vì cảm thấy bị xúc phạm. Dưng mờ xin bác hết sức bình tĩnh, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp, không phân biệt màu da và giới tính, không phân biệt thuốc lào hay xì gà... Đặc biệt là xin các bác không cay cú nghe em phân giải đôi nhời xem dư lào.

Thưa rằng cái sự nhảm của cái tiêu đề trên chẳng xi nhê gì với cái sự nhảm mà em đôi lần chứng kiến tại vài công ty NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG (NCTT) cực danh tiếng tại quê hương em.

Trước khi thò cái mũi không lấy gì làm cao ráo của em vào cái việc phán xét công việc của người khác, em xin giải bày đôi dòng về cái hiểu biết cực ngắn hạn của em đối với NCTT. Nôm na là: NCTT là việc tìm hiểu quan niệm của Người Tiêu Dùng về một ngành hàng, sản phẩm nào đó. NCTT giúp tìm hiểu hành vi tiêu dùng của họ. NCTT tìm hiểu nhu cầu về sản phẩm đã có hoặc sẽ có trong tương lai. NCTT nhằm đo lường nhận thức, khả năng tiêu dùng. NCTT nhằm khẳng định đúng, sai của việc tiếp cận Người Tiêu Dùng của mấy gã làm Mã Kề Tinh và mấy thằng điên làm ngành Cảnh Cáo. Tóm lại, NCTT là nhằm xác định đúng Vị trí, Tâm tư, Nguyện vọng Tình cảm của Thượng Đế, từ đó tìm ra phương thức thích hợp để cưa cẩm, lừa lọc và đạt mục đích tối thượng là: cho chúng mày (Các Thượng Đế) vào dọ, bố mày kiếm ít xèng.

Thôi, khoe kiến thức thế là hơi nhiều roài (có đâu mà khoe). Bây chừ em xin đi vào cái sự nhảm mà em được chứng kiến của NCTT. Trước hết xin đặt nick name cho Người Tiêu Dùng hay Thượng Đế là “EM” cho ngắn gọn súc tích và dễ gọi phát.

1. Đặt câu hỏi khi đã biết chắc chắn câu trả lời của các EM là gì?

Câu hỏi dư lày:

- “Đường là ngọt và muối là mặn – Đúng hay sai?”

Cũng tương tự như câu hỏi trên, có rất nhiều câu hỏi khác kiểu như:

- “Giả sử nguyên liệu nấu ăn đạt tiêu chuẩn, cách nấu đúng. Thời điểm ăn, vị trí bữa ăn, người dự bữa đạt tiêu chuẩn lý tưởng. Bạn có cho rằng Nêm nếm gia giảm gia vị chuẩn không cần chỉnh có giúp món ăn ngon hơn không”?

Hoành tráng đếch chịu được! Dù có thể loại đường không ngọt và muối không mặn là có thật dưng mờ ta biết chắc chắn rằng hầu hết các EM có tí não trong hộp sọ sẽ giả nhời là “Đúng”. Vậy đặt nhưng câu hỏi thế làm đếch gì cho mất thời gian vàng ngọc của cả các EM và của vô số người khác. Phải chăng đây là chiêu khua múa chân tay, ra vẻ oai phong lẫm liệt để hòng làm các EM, mấy chú Mã Kề Tinh và mấy thằng điên Cảnh Cáo hoa mày chóng mặt?

2. Cùng một câu hỏi cho cùng một người nhưng lại có 2 kết quả ngược nhau

Sự thật đúng nghĩa luôn chỉ có 1. Những sự thật khác nếu có chính là do mấy bố làm truyền thông tạo ra. Vấn đề của Nghiên cứu thị trường là tìm ra sự thật duy nhất để dựa vào đó lên kế hoạch cưa cẩm các EM cho hiệu qua. Dưng mờ cách hỏi của mấy người phỏng vấn lại buồn cười đếch chịu được – vì nó có những hai sự thật. Tỉ dụ dư lày:

- “Con mụ mặt trái cam, thắt đáy lưng heo kia nó bảo với tôi là trông EM béo như con heo”

“EM” trong trường hợp này tỉ dụ là một EM béo như con heo. Tụi Mã Kề Tinh đang rất muốn kiểm tra thông tin là con mụ mặt trái cam kia quan niệm về “EM” thế là đúng hay sai. Dưng mà nhà nghiên cứu thị trường lại đặt câu hỏi dư lày có chết không:

- “Con mụ mặt trái cam kia nó bảo với tôi là trông EM béo như con heo. EM THÍCH hay KHÔNG THÍCH nhận xét đó của mụ ý?”

Câu trả lời của EM là “No”.

Khoai quá các bác ạ! Vì nếu câu hỏi của nhà nghiên cứu thị trường tập trung đúng vào vấn đề cần tìm hiểu của tụi Mã Kề Tinh là ĐÚNG hay SAI thì câu hỏi lúc đó sẽ dư lày và kết quả là hoàn toàn đối ngược.

- “Con mụ mặt trái cam kia nó bảo với tôi là trông EM béo như con heo. EM thấy nhận xét của con mụ ý là ĐÚNG HAY SAI?”

Câu trả lời của EM là “Yes”.

Vậy là bác nghiên cứu thị trường đã quên mẹ nó mục đích của bác Mã Kề Tinh là xác định đúng sai mà lao vào mục đích là thích hay ghét. Yêu chưa! “Yes” mới lị “No” là hai kết quả hoàn toàn ngược nhau thì thằng quảng cáo chết là đúng rồi.

Tương tự với kiểu trên, các bác NCTT còn có những chiêu độc để giết quảng cáo và làm thỏa mãn thú tính của Mã Kề Tinh. Kiểu như muốn tìm hiểu xem Câu Chuyện (Kịch Bản) có hay không, dễ hiểu không, thông điệp cuối của câu chuyện mà các EM nhớ, hiểu được là gì thì các bác lại hỏi: Có nhìn thấy logo không? Logo này của sản phẩm, dịch vụ nào? Bà *beep*... Các bác thông minh quá! Ngu như iem thì chỉ biết được là “Thằng bé này có thông minh, thú vị không?” chắc chắn sẽ khác với “Thằng bé này con ai?”. Chí ít ra nó khác vì hai câu hỏi đó cho ta hai câu trả lời khác nhau. Tùy thuộc vào vấn đề mình muốn tìm hiểu mà hỏi thôi.

3. Tìm hiểu về nhu cầu: sản phẩm dư lào thì các EM sẽ ngất ngây con gà tây

Tìm hiểu: Sản phẩm nước mắm dư lào thì EM bồ kết?

Câu hỏi dư lày:

- “Quả là một lựa chọn thông minh vậy nên bạn không phải chờ đợi bày biện.”

Câu này theo tiếng Việt thì hình như không phải mẫu câu hỏi. Cho dù có thêm cái chấm hỏi ở cuối câu thì tôi cá là các EM mà hiểu được người ta đang hỏi các EM cái gì thì tôi chết liền.

*beep*, thằng ngu như em thì sẽ đặ câu hỏi dư lày:

A) Giả sử có ba loại nước mắm. Một loại có vitamin xyz khai thác tận trên mặt trăng, giúp món ăn thêm bổ dưỡng và ngon miệng. Một loại nước mắm bình thường nhưng cực con mẹ nó vệ sinh. Loại khác là loại có thể uống thay rượu nếu cần. EM thích nhất loại nào?
B) EM tin vào loại nào?
C) EM thích vì sao và không thích vì sao?..v.v
D) Nếu có thể thêm đặc tính nào đó vào nước mắm mà EM đang dùng ở nhà thì EM sẽ thêm gì?

Đại loại là em hỏi ngu kiểu như thế thôi. Tuy nhiên chắc các EM không phải là người ngu và là người hằng ngày dùng nước mắm nên cũng có thể cho em những câu giả nhời mà từ đó em có thể định hướng đúng đắn cho sản phẩm hay có định hướng truyền thông hợp lý hơn.

Khổ nỗi là các Bác NCTT vốn là những người học rộng tài cao nên các bác ý đặt toàn những câu hỏi thuộc hàng bác học. *beep*, các EM thì sợ bị đánh giá là “Ngu” nên dù *beep* hiểu các bác hỏi gì thì cũng cố nghĩ ra câu trả lời nào đó cho hoành. Thôi xong, chết mẹ thằng quảng cáo rồi!

4. Kể nửa câu chuyện nháp, chưa thành một câu chuyện hoàn chỉnh để tìm hiểu xem người nghe có thấy thích, thấy câu chuyện hay hay là không

Chiêu này thì độc hết chỗ nói! Nó thể hiện rõ sự uyên bác, nhìn xa trông rộng của các bác NCTT. Họ khai thác hết cỡ trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của các EM. Như trên em đã trình bày, kể câu chuyện (Hoàn chỉnh) xong hỏi có thấy logo không đã là uyên thâm kinh người rồi. Nhưng trường hợp này còn mang mấy hình vẽ nguyệch ngoạc và mấy dòng chữ mô tả hình vẽ đó ra xong rồi hỏi người ta là cái Phim này có hoành tráng không, có sâu sắc không... a-b-c-d.

Chẹp! Cứ như iem mà được hỏi thì có khi em cũng có đến 70 câu giả nhời khác nhau vì tuỳ thuộc lúc em giả nhời trạng thái tâm tư tình cảm của em nó thế nào.

Một sản phẩm hoàn chỉnh vốn đã cho nhiều câu trả lời khác nhau, huống hồ một cái Xì To Di Bót (storyboard) mà mấy thằng điên quảng cáo giải thích mãi mà mấy thằng Mã Kề Tinh còn không hiểu hết lại quăng ra hỏi một người vốn có trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo riêng.

Tóm lại, sau một hồi chứng kiến nhiều quả NCTT, em rút ra kết luận là: “Vấn đề cần tập trung tìm hiểu” không quan trọng bằng “Câu hỏi thông minh đến cỡ nào”. “Kiến thức, sự hiểu biết thật sự mà mình có được” không quan trọng bằng việc “Tỏ ra mình là người uyên bác đến cỡ nào”. Có thể điều em nói là nhảm. Cũng có thể là hay ho bổ ích. Em cũng không biết. Các bác muốn biết rõ thì mang quan điểm của em đến gặp mấy bác NCTT mà hỏi, các bác í uyên bác lắm!

Mời các bác lại nhà và nghĩ idea khác để các bác NCTT có việc mà chứng tỏ bản lĩnh!

Nguồn Tôi Yêu Marketing