Tham vọng của Tân Hiệp Phát

Ông Phạm Lê Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định, Tân Hiệp Phát sẽ vẫn tiếp tục thuyết phục được người tiêu dùng ủng hộ thương hiệu của doanh nghiệp.

* Tân Hiệp Phát kỳ vọng điều gì ở việc xây dựng các nhà máy mới tại miền Trung và miền Bắc vào năm ngoái, thưa ông?

Dù trong những năm qua kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng Tân Hiệp Phát đã khởi công xây dựng nhà máy mới ở Chu Lai (Quảng Nam) và ở Hà Nam (đồng bằng sông Hồng). Việc xây dựng hai nhà máy này một mặt giải quyết khâu vận chuyển, mặt khác là để củng cố vị trí dẫn đầu trong nhóm nước giải khát không gas. Việc đầu tư và mở rộng sản xuất của Tân Hiệp Phát là chiến lược lâu dài nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu về nước giải khát không gas ở châu Á.


* Nghe nói Tân Hiệp Phát còn đặt mục tiêu cho xuất khẩu?

Ngoài việc tiêu thụ chính ở thị trường Việt Nam, sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã hiện diện ở các nước Trung Đông, châu Phi, Úc, Đài Loan, Campuchia, Singapore và Nga.

* Theo ông thì thị trường trà xanh có còn tăng trưởng hay sẽ chững lại do sự xuất hiện của nhiều thương hiệu?

Việc sử dụng trà xanh đã trở thành tập quán và là nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Theo các nghiên cứu gần đây, người tiêu dùng ngày càng chuyển sang uống các loại nước có các đặc tính tốt hơn cho sức khỏe, an toàn vệ sinh, có tác dụng và hiệu quả nhanh trong việc cung cấp năng lượng và giải khát, đa dạng và mới lạ về hương vị… Do vậy, với số dân khoảng 90 triệu người, thị phần trà xanh đóng chai hiện nay chỉ mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu, nên còn tiềm năng rất lớn. Do đó, vấn đề đặt ra là Tân Hiệp Phát phải có những sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ là sự khác biệt của Tân Hiệp Phát đối với các thương hiệu khác.

* Tân Hiệp Phát ứng xử như thế nào với sự cạnh tranh hiện nay liên quan đến những sản phẩm của mình, thưa ông?

Chúng tôi luôn biết rằng, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với thị trường quốc tế thì cạnh tranh càng gay gắt. Nhưng Tân Hiệp Phát sẽ không cạnh tranh trong thế đối đầu mà có con đường đi riêng với mục tiêu là đem đến những sản phẩm có lợi nhất cho người tiêu dùng. Nếu nhà nước có những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, tránh được những cạnh tranh không lành mạnh, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.


* Nhiều người cho rằng thành công của Tân Hiệp Phát ở dòng sản phẩm trà xanh có một phần nhờ quảng cáo sáng tạo và “dội bom” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?

Bất cứ doanh nghiệp nào muốn tiêu thụ được sản phẩm cũng cần phải tiếp thị, quảng bá thương hiệu. Tân Hiệp Phát không là ngoại lệ. Khi công ty càng phát triển thì vấn đề quảng cáo, tiếp thị càng phải phát triển tương ứng. Chúng tôi vẫn và sẽ tập trung vào các chương trình truyền thông lớn để xây dựng được sự hiện diện hình ảnh sản phẩm và thương hiệu cũng như tạo sự thử nghiệm cho khách hàng nhiều hơn.

* Theo ông, để đáp ứng nhiều thị hiếu khác nhau, Tân Hiệp Phát cần làm gì nào để tiếp tục là đơn vị dẫn đầu?

Trong khi có người sẵn sàng sao chép ý tưởng về sản phẩm thì Tân Hiệp Phát luôn nỗ lực không ngừng tìm tòi và sáng tạo sản phẩm mới và độc đáo. Tân Hiệp Phát đã đầu tư không nhỏ vào việc phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm mới và thật sự khác biệt. Tân Hiệp Phát phải xây dựng được lý do để mua và lý do để tin thật mạnh mẽ. Muốn vậy, chúng tôi đi rất sát người tiêu dùng. Quan trọng hơn, Tân Hiệp Phát đã biến khái niệm sản phẩm thành kế hoạch quảng cáo và chiến dịch truyền thông.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh Nhân Online