P&G và thách thức của Bob McDonald

Kết thúc năm tài chính quý IV/2012, các nhà đầu tư của P&G đã thất vọng khi lợi nhuận không như mong muốn. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Bob McDonald, CEO của P&G.

Khi cổ đông mất kiên nhẫn

Ngày 24/4/2013 là một ngày thất vọng đối với nhà đầu tư khi Procter & Gamble (P&G), tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với các nhãn hàng nổi tiếng như Pampers, Tide, Downy và Crest, bởi lợi nhuận trong quý IV tài chính (kết thúc vào cuối tháng 6/2013) sẽ giảm hơn so với dự kiến của giới phân tích. Lý do tập đoàn đưa ra là thị trường tăng trưởng yếu ớt, chi phí marketing và các chi phí khác cao hơn và có nhiều sự biến động tại thị trường Venezuela, Argentina, Ai Cập, Syria và Hàn Quốc.


Cụ thể, lợi nhuận dự kiến sẽ giảm còn chỉ 69 cent/cổ phiếu từ mức 77 cent/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 81 cent/cổ phiếu của giới phân tích.

Nhìn lại, khi McDonald đảm nhiệm vị trí CEO vào tháng 7/2009, doanh thu hàng năm của P&G là 75 tỷ USD. Ông đã rất hùng hồn tuyên bố với nhân viên rằng, tập đoàn sẽ thẳng tiến lên mức 102 tỷ USD doanh thu vào năm 2013. Nhưng thực sự năm ngoái doanh thu của tập đoàn chỉ đạt 83,7 tỷ USD, nghĩa là vẫn còn một khoảng cách khá xa để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2013. Không những vậy, P&G đang thể hiện sự sa sút ở nhiều mảng, nhất là mảng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại thị trường Mỹ, vốn chiếm tới 1/3 lợi nhuận của tập đoàn.

Cụ thể, thị phần của nhãn hàng chăm sóc tóc Pantene tại Mỹ đã giảm từ 17,3% năm 2009 xuống chỉ còn 13,8% vào cuối năm 2012, theo hãng nghiên cứu thị trường A.C.Nielsen. Thị phần của P&G trên thị trường bột giặt Mỹ cũng giảm 2,1 điểm phần trăm trong giai đoạn 2008-2011. Những con số đáng thất vọng này đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi, liệu McDonald có phù hợp với vai trò lãnh đạo P&G?

Tái cấu trúc: triệt để hay ôn hòa?

Không phải McDonald không cố gắng. Ông đã công bố kế hoạch tái cấu trúc, cắt giảm chi phí lên tới 10 tỷ USD vào hồi tháng 2/2012, trong đó có việc cắt giảm 5.700 việc làm. Tháng 6 năm ngoái, ông đã đưa ra kế hoạch “40/20/10” (chiến lược nhắm vào 40 quốc gia, thực hiện 20 cải tiến lớn và tập trung cho 10 thị trường đang phát triển sinh lời nhất). Ông cũng cam kết những sản phẩm mới mang tính đột phá sẽ sớm ra mắt.

Thế nhưng, ngay chính bản thân McDonald cũng thừa nhận, những thay đổi ấy còn chậm. Công ty vẫn chưa thể tạo ra mức tăng trưởng doanh số tốt hơn sau hơn 1 năm thực hiện tái cấu trúc. Đặc biệt, các nhà phân tích càng thất vọng khi nhìn sang con số tăng trưởng của các đối thủ. Trong quý kết thúc vào tháng 3/2013, doanh số của Unilever đã tăng 8,6%.

Trong khi nhiều người chỉ trích McDonald thì một số khác lại nói ông đang làm khá tốt công việc của mình. “Tình hình tại P&G vẫn đang tiến triển. Tập đoàn vẫn đang ở trên đường đua. Chỉ là chậm hơn một chút so với dự kiến của nhiều người”, chuyên gia phân tích Jack Russo tại Công ty Edward Jones, nhận xét.

Theo Russo, P&G đã đi các bước đúng đắn bằng việc cắt giảm chi phí, tung ra các sản phẩm mới và đẩy mạnh doanh số ở các thị trường đang phát triển, nhưng ông cho rằng, việc làm sao để thấy P&G đang có những cải thiện trong mảng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trong 1-2 quý tới là rất quan trọng. Thế nhưng, dường như nhà đầu tư đã không còn kiên nhẫn khi giá cổ phiếu của P&G cứ xập xình trong thời gian gần đây. Ngay cả các nhà điều hành của công ty cũng cảm thấy bất an.

“Mất đi những người giỏi là thứ hầu như không thể lấy gì bù đắp nổi khi bạn phải phụ thuộc vào họ để tiếp tục xây dựng doanh nghiệp”

Cuộc phỏng vấn của Fortune với 31 nhà điều hành cấp cao từng làm việc và đang làm việc tại P&G cho thấy, đã có sự “chia phe” rõ rệt giữa 2 nhóm. Một bên là các nhà điều hành vẫn tiếp tục tin vào tài lãnh đạo của McDonald. Một bên thì cho rằng, ông sẽ không thể lấy lại uy tín đã mất. Họ cho rằng, điều P&G đang cần là một sự thay đổi triệt để, chứ không phải là một cuộc tái cấu trúc ôn hòa. Muốn cải tổ một cách triệt để, chắc chắn sẽ phải mất nhiều năm, nhưng tiếc cho McDonald là giới phân tích Phố Wall đang rất nôn nóng muốn thấy ngay kết quả.

Thách thức lớn

Một thách thức lớn đối với McDonald là nội bộ P&G đang xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Chỉ trong mảng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp đã có hơn 15 nhà điều hành cấp cao ra đi. Các bộ phận khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Ed Artzt, CEO của P&G từ năm 1990 – 1995 cho rằng: “Mất đi những người giỏi là thứ hầu như không thể lấy gì bù đắp nổi khi bạn phải phụ thuộc vào họ để tiếp tục xây dựng doanh nghiệp”.


Một thách thức lớn khác của McDonald là làm sao để cải tổ cơ cấu tổ chức của P&G. “Cơ cấu tổ chức hiện nay của P&G có thể không còn phù hợp, quá phức tạp và qua nhiều năm, tập đoàn đã tăng thêm rất nhiều nhãn hàng, chủng loại mới. Vì thế, trách nhiệm giải trình ngày càng bị phân tán”, nguyên Giám đốc Marketing Jim Stengel của P&G, nhận xét. Còn ông Nik Modi, chuyên gia phân tích tại UBS, thì nói rằng: “P&G không phải là quá lớn để không thể tăng trưởng được mà là quá phức tạp để không thể tăng trưởng”.

Về vấn đề này, McDonald cho biết, một hội đồng các nhà lãnh đạo cấp cao tại P&G đang xem xét, đánh giá lại cơ cấu tổ chức và việc thay đổi đang sắp sửa được triển khai. Thế nhưng, liệu vị CEO này có dám thực hiện một sự thay đổi thực sự và triệt để, vốn chắc chắn sẽ đe dọa lợi nhuận của P&G trong ngắn hạn ngay vào lúc nhà đầu tư và giới phân tích Phố Wall đang muốn chứng kiến một kết quả kinh doanh khả quan hơn?

Rõ ràng McDonald đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Việc ông có thể giữ được chiếc ghế nóng hay không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong các quý tới của tập đoàn cũng như những tiến triển mà P&G đã và đang đạt được. “Sáu tháng sắp tới có thể là giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử 175 năm của P&G”, chuyên gia phân tích cấp cao Ali DIbadj của Sanford Bernstein, nhận xét.

Nguồn Doanh Nhân Online