Thời trang ngoại tung hoành trên đất Việt

Các thương hiệu thời trang ngoại đang tràn ngập thị trường Việt Nam và nhanh chóng bành trướng thị phần khiến ngành thời trang nội vào thế khó khăn.

Thương hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) vừa tròn hai năm có mặt tại Việt Nam (VN), H&M (Thụy Điển) kỷ niệm một năm và Uniqlo (Nhật) đã tuyên bố sẽ có mặt tại VN vào năm 2019.

Thế cờ “thập diện mai phục”

Uniqlo vừa có bước dọn đường để tiếp cận thị trường VN bằng cách mua 35% cổ phần tại chuỗi cửa hàng thời trang nữ Elise tại VN. Mặc dù giá thương vụ này không được tiết lộ nhưng giới phân tích cũng cho rằng lên đến hàng triệu USD.

Động thái này khá phù hợp với tuyên bố gần đây với giới truyền thông của ông Satoshi Hatase, Phó Chủ tịch hãng thời trang Uniqlo (Nhật), cho biết VN, Lào và Myanmar nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường của công ty này. Thực tế Uniqlo cũng xác định thị trường Đông Nam Á sẽ giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn, vì thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt và dự đoán trong 10 năm nữa, tầng lớp trung lưu tại đây sẽ tăng cao.

Hai thương hiệu thời trang đình đám Zara và H&M chỉ xuất hiện tại VN không lâu đã tạo ra những cơn sốt trong giới trẻ. Và họ cùng với các thương hiệu thời trang bình dân ngoại khác đang kiếm tiền rất tốt tại thị trường VN.

Các thương hiệu thời trang ngoại đầy hấp lực với khách hàng Việt và đang kiếm được rất nhiều tiền trên thị trường Việt Nam. Ảnh: PM.

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và tư vấn VN (VIRAC), kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy bốn tháng, Zara VN đã đạt doanh thu 321 tỉ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỉ đồng/ngày và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỉ đồng. Rất hiếm thương hiệu bán lẻ quốc tế có được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh. Còn theo số liệu do Mitra Adiperkasa, trong nửa đầu năm 2018, doanh thu của hệ thống thời trang Zara tại VN tăng trưởng 133% và đạt gần 950 tỉ đồng, tức bình quân đạt gần 5,3 tỉ đồng/ngày.

Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, nhận định VN là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, VN đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ Savills TP.HCM, việc các thương hiệu thời trang ngoại hoạt động kinh doanh hiệu quả vì chiến lược giá hiệu quả cho đa số người tiêu dùng dựa trên bệ đỡ các sản phẩm có thương hiệu và kiểu dáng thời trang đáp ứng nhanh xu hướng mới.

Thời trang nội tìm lối thoát

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chính việc ưa chuộng các thương hiệu ngoại đã thúc đẩy các thương hiệu thời trang thế giới đổ bộ vào VN.

Thực tế chưa cần đến việc đổ bộ thương hiệu ngoại, quần áo Trung Quốc (TQ) đã có thời kỳ bóp nghẹt các thương hiệu thời trang Việt. Chẳng hạn, Ninomaxx của Công ty Thời trang Việt đã từng tạo ra làn sóng thời trang mới cho giới trẻ nhưng sau đó phải đóng cửa rất nhiều cửa hàng và thực hiện tái cấu trúc nhưng đến thời điểm này cũng chưa thể tìm kiếm lại ánh hào quang năm xưa. Thương hiệu Foci thuộc Công ty Thời trang Nguyên Tâm đã từng mở rộng mạnh hệ thống phân phối thông qua nhượng quyền thương hiệu nhưng dần đuối sức vì hàng TQ.

Vải là khâu quan trọng để phát triển thời trang nhưng chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vải người khác như TQ thì không thể phát triển thiết kế theo ý mình.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) thời trang Việt vẫn đang nỗ lực vượt khó vươn lên. Điển hình, Công ty An Phước, đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin, vẫn phát triển tốt trong cơn bão thời trang nhanh do định vị phân khúc khách hàng doanh nhân. Đây là đối tượng khách hàng không bị ảnh hưởng xu hướng thời trang và muốn thể hiện đẳng cấp thông qua thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (được biết dưới thương hiệu May Thái Nguyên), cho biết các sản phẩm tập trung vào sự khác biệt. DN xây dựng đội ngũ thiết kế giỏi, đưa ra mức giá hợp lý vì sử dụng công nghệ may mặc mới như sản phẩm không đường may, đồng thời chọn những dòng nguyên liệu thực sự thân thiện với môi trường.

Theo chuyên gia ngành may Nguyễn Bình An, nhìn chung DN thời trang Việt yếu vì thường làm gia công. Từ gia công để lên thiết kế sản phẩm bán ra thị trường vẫn thiếu nhiều yếu tố. Như vải là khâu quan trọng để phát triển thời trang nhưng chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vải người khác như TQ thì không thể phát triển thiết kế theo ý mình. Cho nên trong khi DN ngoại chủ động nguồn vải, biết màu sắc năm tới là gì, cấu trúc sản phẩm như thế nào nên họ chủ động điều chỉnh được giá thành sản xuất và họ chiến thắng.

Tuy nhiên, “để giành thắng lợi trên thị trường, các DN Việt phải phân tích đúng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như khả năng thanh toán. Nếu muốn phát triển bền vững, các DN Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho cuộc đua cần sức bền này” - ông An gợi ý.

Người Việt “mê” hàng ngoại

Kết quả khảo sát gần đây của hãng Nielsen, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau TQ (74%) và Ấn Độ (59%). Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) gần đây đã đưa ra một báo cáo trong đó nhận định người tiêu dùng VN có xu hướng quan tâm và chi tiêu mạnh tay đối với các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài. Độ lớn thị trường này vào năm 2021 được BMI dự đoán là 5,08 tỉ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỉ USD.

Phương Minh
Nguồn Pháp Luật