Đế chế bán lẻ số 1 nước Mỹ một thời trước ngày phán quyết số phận

Hãng bán lẻ lừng lẫy nước Mỹ Sears vừa tạm thoát cảnh phá sản nhờ vào quyết định chi 4,4 tỷ USD của chủ tịch Eddie Lampert. Tuy nhiên, tương lai của Sears vẫn vô cùng bấp bênh.

Quỹ đầu tư ESL của chủ tịch tập đoàn bán lẻ Sears Eddie Lampert vừa đưa ra lời đề nghị 4,4 tỷ USD vào hôm thứ sáu 28/12 để mua lại đế chế bán lẻ từng lớn nhất nước Mỹ. Hành động này tạm thời giữ cho Sears tiếp tục sống sót. Tuy nhiên, việc Sears có thể tiếp tục hoạt động hay không phải chờ đến giữa tháng 1/2019, thời điểm cuộc đấu giá để quyết định tương lai của Sears diễn ra. Trước đó, hội đồng quản trị Sears sẽ xem xét tính khả thi của lời đề nghị 4,4 tỷ USD nói trên vào ngày 4/1.

Ảnh: Reuters.

Cũng trong ngày thứ sáu 28/12, Sears tuyên bố sẽ đóng thêm 80 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán phải đóng cửa trong năm 2018 của tập đoàn này lên tới 260. Nếu được thông qua, khoản đầu tư của quỹ ESL dự kiến sẽ giúp 425 cửa hàng của Sears duy trì hoạt động.

Ảnh: AP.

4,4 tỷ USD của quỹ ESL dự kiến cũng sẽ giúp tối đa 50.000 nhân viên của Sears không bị mất việc. Hãng bán lẻ trăm tuổi hiện có tất cả 68.000 nhân viên. Chi tiết về lời đề nghị mua lại 4,4 tỷ USD của quỹ ESL vẫn chưa được tiết lộ.

Ảnh: Reuters.

Trước đó, Sears đã phải nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/10. Trong vài năm qua, ESL đã cho Sears vay hơn 2,4 tỷ USD và Eddie Lampert đồng thời là cổ đông và cả chủ nợ lớn nhất của hãng bán lẻ này. Quỹ đầu tư này cũng là đơn vị duy nhất tính đến hiện tại công bố ý định mua lại Sears.

Ảnh: Getty.

Từng là hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, các cửa hàng của Sears cũng là những nơi đầu tiên bày bán tất cả mặt hàng, từ quần áo, trang sức, thiết bị phần cứng đến đồ nội thất. Nhưng với sự trượt dài của mình, kệ hàng bên trong các siêu thị của Sears giờ trống trơn sau khi nhiều nhà cung cấp dừng làm ăn với Sears.

Ảnh: Business Insider.

Theo CNN, trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, Sears không chỉ là hãng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ mà còn là doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động nhất. Với mạng lưới lúc cao nhất lên đến hàng nghìn cửa hàng và khả năng cung cấp gần như bất kỳ mặt hàng nào theo nhu cầu của khách hàng, Sears được xem như sự kết hợp của Walmart và Amazon vào thời điểm đó. Nhưng rồi một chuỗi các quyết định sai lầm đã đẩy Sears đến bờ vực sụp đổ như ngày hôm nay.

Ảnh: Business Insider.

Một cửa hàng của Sears tại thành phố Richmond, bang Virginia thậm chí phải sử dụng các bảng giảm giá viết bằng tay để cắt giảm chi phí. Với nhiều nhân viên của Sears, chủ tịch Eddie Lampert là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Sears rơi vào tình cảnh khó khăn hiện tại. Eddie Lampert trở thành chủ tịch của Sears sau vụ sáp nhập giữa Sears và chuỗi bán lẻ giá rẻ Kmart năm 2004.

Ảnh: Business Insider.

Eddie Lampert bị chỉ trích vì hiếm khi dành thời gian tại trụ sở công ty mà điều hành tại một văn phòng từ xa và dừng đầu tư vào việc bảo trì, nâng cấp các cửa hàng. Ông từng lên tiếng vào năm 2013 để bảo vệ chiến lược của mình khi cho rằng "không thể đầu tư vào mọi thứ." Vừa là cổ đông, vừa là chủ nợ của Sears, Eddie Lampert thậm chí vẫn có thể thu lợi nếu Sears bị thanh lý.

Ảnh: Business Insider.

Forbes nhận định kể cả khi thỏa thuận 4,4 tỷ USD được chấp nhận, Sears vẫn sẽ bước qua năm mới trên trên một nền tảng cực kỳ lung lay. Nhưng dù tương lai của hãng bán lẻ 125 tuổi ra sao, Sears vẫn sẽ là một thương hiệu vô cùng giá trị. Cái tên Sears và các thương hiệu sản phẩm riêng của mình như Die Hard, Kenmore, Craftsman vẫn sẽ được duy trì.

Ảnh: Time.

Xuân Hải
Nguồn Zing News