Triển vọng lạc quan cho ngành y tế, dược phẩm năm 2019
Bất chấp các sự kiện trên thế giới, kỳ vọng đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2019 vẫn rất tích cực.
Các sự kiện chính trị trong 2 năm qua đã tạo nên một số biến động trong ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Điều này tiếp tục tiếp diễn trong năm 2019. Ở Mỹ, mua bảo hiểm y tế không còn là nghĩa vụ của mọi người dân. Tại châu Âu, Brexit có thể dẫn đến những biến động trong thị trường dược phẩm, tuyển dụng ngành chăm sóc sức khỏe và việc nghiên cứu khoa học sự sống. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy nhũng cải cách liên quan đến sức khỏe, nhằm kìm hãm sự gia tăng của bệnh tật.
Giá thuốc trên thị trường vẫn còn khá cao, do ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe còn hạn hẹp. Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia, chi tiêu y tế và doanh số dược phẩm bán ra vẫn sẽ tăng, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Một số dự báo về ngành chăm sóc sức khỏe năm 2019:
- Tăng trưởng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe là 5,1% trong năm 2019, giảm so với mức 8,2% trong năm 2018
- Tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm là 5,7% trong năm 2019, giảm so với mức 6,3% trong năm 2018
- Tong khi Mỹ đang cắt giảm các quy chuẩn y tế toàn cầu, các quốc gia khác bao gồm Nam Phi, Oman, Ấn Độ, Nigeria sẽ tìm cách mở rộng hệ thống bảo hiểm công cộng
Những tiến bộ lạc quan
Bất chấp các sự kiện trên thế giới, kỳ vọng với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2019 vẫn rất tích cực. Tuổi thọ ở 60 quốc gia sẽ tăng trở lại, đạt 73,7 năm, tăng thêm 2 tháng so với năm ngoái. Nhờ tăng trưởng kinh tế, mức sống được cải thiện, việc triển khai các hệ thống chăm sóc sức khỏe đã giúp cho sức khỏe người dân được cải thiện.
Dự kiến, dân số toàn cầu tăng 0,8%, số người trên 65 tuổi tăng 3,5%. Trong tương lai, phạm vi chăm sóc sức khỏe tại các nước đang phát triển sẽ mở rộng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người già cũng sẽ gia tăng và các tiến bộ trong phương pháp điều trị và công nghệ y tế sẽ đạt được những tiến bộ mới.
Vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn
Tuy nhiên, bất chấp tăng trưởng ổn định, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn có thể gặp bất ổn bất cứ lúc nào. Căng thẳng thương mại toàn cầu không "đánh thẳng" vào lĩnh vực này, hầu hết các nước đã phát triển đều duy trì mức thuế quan 0% đối với dược phẩm, các thị trường mới nổi cũng giữ thuế ở mức thấp.
Tuy nhiên, ngành chăm sóc sức khỏe cũng không tránh khỏi những hệ lụy từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mỹ đã áp thuế một số mặt hàng công nghệ y tế và nguyên liệu y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có thể gây nên hiệu ứng ngược nếu các công ty dược phẩm Mỹ phải trả nhiều tiền hơn hoặc không tìm được nhà cung cấp thay thế.
Bên cạnh đó, Brexit kéo theo những rủi ro đối với ngành chăm sóc sức khỏe và khoa học sự sống của Anh. Trong năm 2019, Anh không thể đảm bảo nguồn nhân lực và khả năng tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời, các công ty dược phẩm cũng cần cân nhắc có thay đổi chuỗi cung ứng hay không.
Chiến tranh thương mại sẽ làm chậm nền kinh tế thế giới. Nhiều chính phủ, đặc biệt là ở khu vực đồng euro và các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa chỉ mới thoát khỏi thời kỳ suy thoái, họ buộc phải kìm hãm chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe.
Áp lực toàn cầu
Trong năm 2019, hầu hết các chính phủ đều muốn cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thường là bằng bảo hiểm y tế. Nam Phi đặt ra mục tiêu sẽ thông qua luật hệ thống y tế quốc gia vào năm 2019, dự kiến triển khai vào năm 2025. Chính phủ Oman cũng đặt mục tiêu thực hiện chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc vào năm nay. Tại Nigeria, chính phủ đã phê duyệt gói y tế cộng đồng vào năm 2018, bắt đầu triển khai trong năm 2019.
Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã đặt ra một số mục tiêu sức khỏe đầy tham vọng cho năm 2020. Năm 2020, quốc gia này sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe “an toàn, hiệu quả, thuận tiện và giá cả phải chăng” cho mọi người dân. Trong năm 2019, Trung Quốc sẽ thực hiện những cải cách có sức ảnh hưởng hơn nhằm thúc đẩy ý tưởng này, bao gồm đào tạo các bác sĩ đa khoa tốt hơn, xây dựng một hệ thống giúp mọi người tìm được các chuyên gia phù hợp và nâng cao nhận thức về sức khỏe trong dân chúng.
Ngược lại với xu hướng chung, Mỹ đã bãi bỏ và thay thế Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền năm 2010. Quan trọng nhất là cải cách thuế, từ tháng 1/2019, người Mỹ sẽ không phải chịu phạt nếu không mua bảo hiểm y tế.
Mỹ cũng tăng áp lực lên các công ty dược phẩm nhằm giảm giá. Trong khi giá dược phẩm tại các khu vực khác đã giảm xuống trong nhiều năm thì giá ở Mỹ lại tăng lên. Tuy nhiên, kể cả giá tăng, Mỹ vẫn là thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng toàn cầu. Hơn nữa, sau khi cải cách thuế được thông qua, Mỹ đã có thêm nhiều tiền để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Năm 2019, các nhà khoa học Mỹ bắt đầu thử nghiệm CRISPR, một kỹ thuật chỉnh sửa gen có tiềm năng lớn trong tương lai. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, tế bào gốc, sức khỏe của người dân thế giới sẽ tiếp tục được cải thiện.
Châu Anh / The Economist
Nguồn Người đồng hành