Bộ ba hoàn hảo tại ABC Bakery

Khởi nghiệp lần thứ hai ở tuổi 51, ông Kao Siêu Lực cùng với hai cô con gái gầy dựng thương hiệu bánh ABC Bakery doanh thu hàng chục triệu đô la Mỹ.

Phòng làm việc của ông Kao Siêu Lực, nhà sáng lập hiệu bánh ABC Bakery vài năm nay biến thành phòng họp của hai cô con gái: Kao Huy Phương, 35 tuổi, phụ trách mảng đối ngoại, kinh doanh và Kao Huy Minh, 30 tuổi, phụ trách đối nội, nhân sự. Hầu hết thời gian ông Lực xuống dưới xưởng sản xuất. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Singapore, hai con của ông Lực quay trở về Việt Nam phụ ba gầy dựng thương hiệu bánh ABC Bakery. Sau 12 năm, bộ ba nhà họ Kao hợp sức phát triển chuỗi cửa hàng, mở rộng đối tượng khách hàng và xuất khẩu sang Nhật.

Kao Huy Phương, con gái đầu của ông Lực, nói được bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Việt, Nhật ra tận cửa công ty đón các vị khách nước ngoài. Cô dẫn khách đi ngang qua ông Lực, dừng lại giới thiệu mọi người với nhau rồi tiếp tục cùng nhóm người đi về phía phòng họp. Hai năm nay, từ khi ông Lực đồng ý tạm ngừng mở cửa hàng mới để tập trung mảng xuất khẩu bánh theo đề nghị của Phương, cô thường làm việc tới 7h tối khi ba đứa con nhỏ đã ăn tối xong và chuẩn bị lên giường đi ngủ. Phương lo hầu hết những việc ở vòng ngoài: từ thu mua nguyên liệu đến đầu ra đàm phán hợp đồng sản xuất.

Đầu năm 2019, Phương chốt xong hợp đồng trị giá 35 tỉ đồng xuất khẩu bánh mì và bánh bông lan đi Nhật Bản. “Ở Việt Nam không có phòng lab có thể kiểm định chất lượng bánh mà phải gửi qua Nhật Bản,” Phương kể về quá trình hơn vài tháng để thuyết phục khách hàng. Năm 2018, cô đàm phán xuất sang các nước Đông Nam Á, Nhật Bản khoảng 80 container, tương đương 1.200 tấn bánh, chủ yếu là bánh mì và bánh bông lan. Mảng xuất khẩu này dù chỉ mới tập trung trong hai năm gần đây đã mang về khoảng 16% tỉ trọng doanh thu cho ABC Bakery, theo Phương.

Mảng xuất khẩu dù chỉ mới tập trung trong hai năm gần đây đã mang về khoảng 16% tỉ trọng doanh thu cho ABC Bakery. Ảnh: Internet.

Trong khi cô con gái lớn lo đầu vào và đầu ra, con gái thứ Kao Huy Minh, về đầu quân cho công ty gia đình cách đây bốn năm, lo xưởng sản xuất và hơn 30 tiệm bánh. Ông ‘vua bánh’ Kao Siêu Lực đảm trách phần nghiên cứu và sản xuất bánh. Minh cho hay: “Tôi làm việc với tất cả nhân viên trong công ty, từ sắp xếp, tổ chức đặt hàng, giao nhận hàng, giao tiếp với các chi nhánh, lưu trữ dữ liệu khách hàng, kể cả thực hiện các ý tưởng bất ngờ của ba như làm sao để kiểm soát được người ra vào công ty hay làm sao trong một tuần có hệ thống dự báo lượng thực phẩm trong căng tin”. Trước khi về Việt Nam làm việc, Minh đi làm thêm phục vụ bàn tại Singapore. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing, cô làm tại một tòa soạn báo ở đảo quốc sư tử.

Bộ ba gia đình nhà họ Kao đang phối hợp ăn ý. Trước khi mở cánh cửa xuất khẩu, ông Lực xây dựng ABC Bakery thành chuỗi tiệm bánh có tiếng tại TP.HCM. Với sự tham gia của các con, ABC Bakery trở thành địa chỉ cung cấp bánh cho hơn 50 thương hiệu quốc tế đến Việt Nam từ các chuỗi thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Popeyes, Dunkin’ Donuts, Burger King; chuỗi cà phê và nước uống như kem DQ, Swensens, Starbucks, Angel-In-us coffee, The Coffee Bean & Tea Leaf; chuỗi tiện lợi như Family Mart, Shop & Go, Auchan; hay các hệ thống nhà hàng của Golden Gate, rạp chiếu phim CGV, bán lẻ sân bay của Sasco...

Ông Lực treo các thương hiệu khách hàng này dọc hành lang lầu một và trong phòng làm việc của ông, ngụ ý: “Khách đến làm việc với ABC Bakery sẽ nhìn thấy và hiểu”. Mảng khách hàng doanh nghiệp, được tập trung cách đây 10 năm, kể từ khi con gái lớn của ông Lực tham gia công ty. Mảng này hiện mang về 55% doanh thu cho ABC Bakery, theo Phương.

Bên cạnh cung ứng cho khách hàng lớn, ABC Bakery có hơn 30 cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM và Campuchia. Gia đình họ Kao sở hữu một nửa, còn lại là hợp tác đầu tư với họ hàng, nhân viên. Tại Việt Nam, một vài thương hiệu bánh lâu năm có quy mô vài chục cửa hàng như Hỷ Lâm Môn (lịch sử 35 năm và 9 cửa hàng), Givral (37 cửa hàng), Brodard (16 cửa hàng), TOUR les JOURS (22 cửa hàng)... Chi phí mặt bằng và nhân công tăng cao tại các thành phố lớn ngày càng đặt ra thách thức cho việc mở rộng các tiệm bánh.

Ông Kao Siêu Lực bên cạnh một cửa hiệu bánh của ABC Bakery. Ảnh: Danny Bach.

Trong khi ông Lực theo quan điểm mua mặt bằng để mở rộng tiệm bánh, thế hệ sau muốn phát triển theo hướng khác. Trước năm 2009, một số thương hiệu thức ăn nhanh như Lotteria, KFC, Burger King tìm đến với ABC Bakery cung ứng nguyên liệu làm bánh. Ông Lực, từng đoạt hai giải bạc trong cuộc thi bánh mì và bánh ngọt quốc tế tại Hong Kong năm 2007, gần đây thường được mời làm giám khảo trong các cuộc thi bánh quốc tế, kể với các con ông đang học ở Singapore và ngạc nhiên vì các con đều nhận ra ngay các thương hiệu này. “Ba cha con có thể nói chuyện với nhau đến 3h sáng,” Phương chia sẻ. Cột mốc diễn ra khi McDonald’s, chuỗi thức ăn nhanh chuẩn bị vào Việt Nam. “ABC Bakery là một trong những nhà sản xuất bánh lớn nhất Việt Nam,” ông Nguyễn Huy Thịnh, CEO McDonald’s Việt Nam kể. Ông Lực đem chuyện này nói lại với các con, các con ông tỏ ra hào hứng: “Ba gắng ‘lấy’ được McDonald’s thì tiếng tăm của mình sẽ rất tốt”.

Nhưng chuyện không hề dễ dàng vì McDonald’s có những yêu cầu khắt khe. “Chúng tôi yêu cầu độ đàn hồi và công thức chế biến bánh rất khác so với bánh tại Việt Nam lúc bấy giờ,” ông Thịnh chia sẻ. Sau đó, McDonald’s đưa ông Lực sang Malaysia, Singapore tham quan các dây chuyền sản xuất bánh. Chuyến đi giúp ông Lực nhận ra máy móc thiết bị của mình “quá lạc hậu,” theo lời ông Lực. Trong một cuộc trò chuyện, ông đề nghị: “Ba đã 58 tuổi. Muốn làm với một số khách hàng quốc tế, nếu các con hứng thú thì về Việt Nam hỗ trợ cho ba.” Thời điểm đó, hai người con gái đang làm việc tại Singapore.

Phương kể, sau nhiều tháng suy nghĩ, cô từ bỏ cơ hội học bổng và làm việc cho chính phủ Singapore, quay về quản lý. Dự án đầu tiên của cô là đầu tư 500 ngàn đô la Mỹ mua dây chuyền sản xuất bánh, cơ sở để họ có thể làm việc với McDonald’s. Đầu tư này sau đó không chỉ thuyết phục McDonald’s mua hàng mà kéo theo các khách hàng lớn khác. Minh cũng rời công việc marketing tại một tòa soạn báo ở Singapore trở về Việt Nam sau một lần “kiếm hình ảnh của ba và thấy ba già đi nhiều so với 10 năm trước đó,” Minh kể. Theo Phương, thế hệ sáng lập mạnh về sản xuất, kỹ thuật, trong khi thế hệ kế cận có lợi thế về công nghệ, tốc độ, quản trị hệ thống. Nhờ áp dụng hệ thống, sản lượng bánh tại xưởng hiện tăng lên gần năm lần, cho ra 14 ngàn chiếc bánh mỗi ngày so với 3.000 chiếc bánh như trước kia. Ngoài ra, nếu thế hệ đầu thiên về ổn định thì thế hệ sau dám thử những điều mới. 

“Nếu tôi gầy dựng kinh doanh tương đối rồi nhưng chưa tìm được người kế tục sự nghiệp thì vẫn gọi là chưa thành công.”

Kao Siêu Lực
Sáng lập ABC Bakery

Theo lời ông Kao Siêu Lực, doanh thu năm 2018 của ABC Bakery đạt 600 tỉ đồng, thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm 90% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Cũng như một số công ty gia đình khác, tìm người kế thừa là một vấn đề đặt ra cho sự phát triển lâu bền ở ABC Bakery. Thế hệ sau do có điều kiện hơn nên được đi học nước ngoài, một số người không chịu về kế nghiệp. Ông Lực chia sẻ quan điểm về chuyển giao: “Nếu tôi gầy dựng kinh doanh tương đối rồi nhưng chưa tìm được người kế tục sự nghiệp thì vẫn gọi là chưa thành công”.

Sự trở về của các con ông Lực không hề suôn sẻ. “Vấn đề lớn nhất trong một công ty gia đình là một việc được nhiều người làm và nhiều người cùng làm một việc,” Minh mau chóng nhận ra. Trước khi về nhà máy năm 2015, Minh có kinh nghiệm làm quen với ABC Bakery bằng việc tự quản lý và tăng gấp đôi doanh thu một tiệm bánh của gia đình. “Khách hàng đến làm việc hỏi có ông Kao không. Nếu không có, họ nói đợi ông Kao về rồi họp,” Minh chia sẻ trở ngại thứ hai về việc không được tin tưởng, một trở ngại phổ biến với thế hệ kế cận trong quá trình chuyển giao của các công ty gia đình. Minh kể, cô kiên nhẫn đưa mọi thứ vào hệ thống, sắp xếp lại từ việc xây dựng nội quy cho đến văn hóa công ty, từ những điều cơ bản như không được mang đồ ăn từ bên ngoài vào hay đội mũ làm bếp khi vào xưởng làm bánh để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cô xây dựng hệ thống dữ liệu giúp dự báo kinh doanh thay vì đưa ra quyết định tập trung từ ông Lực. Minh không có phòng riêng mà ngồi làm việc tại quầy tiếp tân của công ty.

Sự thay đổi của hai người con gái tạo ra cuộc “cách mạng” nhỏ trong ABC Bakery, theo ông Lực, vì đụng tới các “bậc công thần” trong công ty. “Các con áp dụng luật là luật. Nhưng tôi nói với các con, con người với con người đôi lúc không nên thẳng quá. Các cô, chú chưa theo kịp, dễ tự ái”. Ông kể, diễn ra một cuộc chống đối nhỏ trong công ty trong giai đoạn đầu và các con ông “kịp thời chiêu binh mãi mã” đưa lực lượng mới vào tiếp nhận công việc nhanh chóng, để không gây nhiều xáo trộn trong hoạt động. “Các con tôi chấn chỉnh lại nội quy công ty. Các con hay nhắc tôi nên thay đổi. Một công ty tình cảm quá cũng không tốt vì một số người sẽ lợi dụng điều đó,” ông Lực kể. Sự thay đổi có hiệu quả nên sau đó ông không can thiệp vào chuyên môn của các con: “Tôi biết nếu không để các con làm thì không biết bao giờ mới làm được.” “Ba tôi là người chịu lắng nghe,” Phương nhận xét.

Ông Lực, người Campuchia gốc Hoa, được nhiều người nhận xét là một nhà kinh doanh chăm chỉ và tình cảm. Trước khi sáng lập ABC Bakery, mọi người thường biết đến ông với thương hiệu bánh Đức Phát Bakery. Năm 1975, ông Lực trốn chính quyền diệt chủng Pôn Pốt của Campuchia sang Việt Nam. Không biết tiếng Việt, ông làm nghề chở khách bằng xe ba gác, công việc không đòi hỏi ông phải giao tiếp. Sau đó, ông dần học tiếng Việt, nhận giao bánh mì và mở xưởng làm bánh. “Tôi dậy làm bánh từ 1 – 2 giờ sáng,” ông Lực kể. Ông đam mê làm bánh, có thể vùi đầu cả ngày để tìm ra công thức làm hàng trăm loại bánh mới. Sau này, ông còn viết sách (tiếng Hoa) về làm bánh. Trong khi đó vợ ông lo tài chính, kinh doanh của Đức Phát Bakery, thương hiệu lấy từ tên của vợ ông. “Hai người rất hợp. Một người về văn, một người về võ,” ông Lực nhớ lại. Năm 2000, Đức Phát Bakery có 20 cửa hàng, là một trong những tiệm bánh lớn ở TP.HCM. Ông Lực còn xây dựng nhà trọ cho các công nhân để họ an tâm làm việc cho công ty. 

Năm 2007, hai vợ chồng ông Lực ly hôn, ông nhận nuôi ba người con. Theo đề nghị của vợ cũ, ông để lại thương hiệu Đức Phát cho bà, nhận một triệu đô la Mỹ và một nửa số lượng cửa hàng. “Lady first,” ông nói. Ông đổi tên 10 tiệm bánh cũ thành ABC Bakery, viết tắt ba chữ cái đầu của các con ông: Angela (Minh), Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (Phương). Trước sự nghi ngại của nhân viên, người tiêu dùng và đối tác về thương hiệu mới ABC Bakery, ông tuyên bố: “Đức Phát do tôi làm nên, thì ABC Bakery cũng là do tôi.” Do ông không am hiểu tài chính, ABC Bakery từng bị khủng hoảng dòng tiền, một năm sau công ty mới vượt qua nhờ sự chia sẻ của các đối tác.

“Ông Kao là người khi đã cam kết thì rất giữ chữ tín,” ông Thịnh, CEO McDonald’s Việt Nam nhận xét. Chiến lược trong vài năm tới, theo ông Lực, sẽ mở các mô hình bánh ABC Bakery Express, quy mô nhỏ nhưng hiện đại, thay vì phát triển các tiệm bánh quy mô lớn. Đồng thời, công ty tiếp tục khai thác mảng xuất khẩu. Phương chia sẻ:“Di sản của ba tôi để lại là một sản phẩm có tâm và an toàn từ lúc chọn nguyên liệu. Thứ hai là chăm lo cho nhân viên từ cái ăn, chỗ ở. Điều này sẽ được chúng tôi tiếp tục.”

Ở tuổi 63, mặc dù đã có thế hệ kế cận đồng hành, ông Kao vẫn có mặt tại xưởng bảy ngày trong tuần và thường làm việc tới tối mịt: “Hôm nay tôi thoải mái hơn nhiều nhưng làm là sở thích. Mình có mặt ở xưởng để anh em hỏi các vấn đề”. Phương kể, ba cô mê làm việc đến nỗi, đôi khi ông quên, gọi con lên công ty họp vào chủ nhật, nói chuyện công việc trong bữa ăn tối hoặc trong các chuyến đi chơi gia đình thường diễn ra hai lần trong một năm. “Mục tiêu của tôi là xây dựng hệ thống công ty phát triển bền vững. Khi chúng tôi không hiện diện tại công ty thì mọi thứ vẫn hoạt động tốt,” Minh chia sẻ.

Minh Thiên
Nguồn Forbes Vietnam