Bê bối ấu dâm, liệu các nhãn hàng có rút hẳn khỏi YouTube?

Đây không phải lần đầu tiên các đối tác quảng cáo quay lưng với YouTube, tuy nhiên Forbes lo ngại rằng sự phẫn nộ này nhiều khả năng sẽ sớm lắng xuống.

Làn sóng tẩy chay YouTube đã rộ lên vào tuần trước khi có nhiều thông tin về một nhóm những kẻ ấu dâm ẩn danh đăng những bình luận với nội dung không phù hợp dưới các video của trẻ em. Nestle, Epic Games hay AT&T đã công khai tạm dừng hoặc thu hồi quảng cáo của họ trên nền tảng này.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Nestle tại Việt Nam cho biết họ đã nhận được thông tin về việc dừng quảng cáo trên nền tảng YouTube. Không chia sẻ thời hạn tạm ngưng, vị này cho biết thời hạn này chỉ mang tính tương đối. Nếu YouTube không khắc phục được hiệu quả các vấn đề, thì nhãn hàng vẫn tiếp tục nói không với các quảng cáo trên nền tảng này.

Forbes chỉ ra thực tế câu chuyện tẩy chay YouTube không phải là điều gì quá mới. Nhiều thương hiệu lớn đã ngừng sử dụng dịch vụ của YouTube khi có những vấn đề liên quan đến nội dung vào năm 2017. Nhưng sau đó họ đã quay trở lại khi nền tảng này có đến 1,8 tỷ người dùng cùng nhiều công cụ thu hút những khách hàng mục tiêu mà các nhãn hàng nhắm đến.

Các giải pháp công nghệ của YouTube vẫn chưa đủ hiệu quả trên diện rộng, vì thế những rủi ro cố hữu đối với các nhà quảng cáo vẫn tồn tại.

Rob Enderle, nhà phân tích

Với AT&T, đợt tẩy chay này xảy đến ngay khi hãng vừa trở lại quảng cáo trên YouTube sau hai năm tạm ngưng. Nhà mạng này mới thông báo sẽ bắt đầu quảng cáo trên YouTube trở lại hồi tháng 1/2019. Trước đó, AT&T đã tẩy chay YouTube khi quảng cáo của hãng xuất hiện trên những video có nội dung mang tính cực đoan, bạo lực và thù ghét.

YouTube tuyên bố có những điều chỉnh, trong đó chú ý hơn các đánh giá của người xem và cải thiện bộ lọc nội dung dựa trên trí tuệ nhân tạo. Thế nhưng, nền tảng này sớm vướng phải bê bối mới.

“Chỉ đến khi Google có thể bảo vệ thương hiệu của chúng tôi khỏi các nội dung phản cảm, chúng tôi sẽ xoá bỏ tất cả quảng cáo trên YouTube”, người đại diện của công ty chia sẻ với Forbes.

Đáp lại làn sóng trên, YouTube cho hay hãng đã hành động ngay lập tức như xoá bỏ các bình luận tiêu cực, tắt chức năng bình luận trên một số video và báo cáo về những kẻ ấu dâm lên cơ quan chức năng.

Hãng này cũng gửi một thông điệp đặc biệt với nội dung về sự an toàn của trẻ nhỏ đến các đối tác quảng cáo lớn của mình và hứa tăng cường các tính năng an toàn.

YouTube đã từng rơi vào hoàn cảnh này khi các báo cáo năm 2016 và 2017 đều nhấn mạnh việc những video của trẻ em bị vấy bẩn bởi những bình luận ác ý và mang tính quấy rối tình dục.

CEO của YouTube, bà Susan Wojcicki. Ảnh: YouTube.

Năm 2017, một loạt nhãn hàng tại Việt Nam cũng tạm dừng quảng cáo YouTube sau khi biết nhãn hàng xuất hiện bên cạnh video có nội dung xấu, bao gồm Vinasoy, FrieslandCampina Việt Nam, Nestle... Nhiều đơn vị cũng gửi thư cảnh báo với nền tảng này.

Cùng thời điểm, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG và nhiều công ty khác đã đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video không phù hợp. Chẳng hạn như những cảnh bé gái mặc chỉ độc mỗi chiếc quần nhỏ, đang vệ sinh cá nhân hoặc nằm ngủ. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.

“Vấn đề này vẫn đang tiếp diễn và chưa hề dừng lại”, ông Rob Enderle, một nhà phân tích chia sẻ với Forbes. “Các giải pháp công nghệ của YouTube vẫn chưa đủ hiệu quả trên diện rộng, vì thế những rủi ro cố hữu đối với các nhà quảng cáo vẫn tồn tại”.

Alphabet không đề cập cụ thể doanh thu của YouTube trong các báo cáo tài chính, nhưng sự tăng trưởng quảng cáo nói chung trên YouTube chưa hề chậm lại sau nhiều bê bối về nội dung trên nền tảng này.

Động thái của các nhà quảng cáo đã gửi một thông điệp đến YouTube rằng họ đã chán ngấy những việc như thế này và có thể sẽ đưa ra quyết định rút hẳn khỏi nền tảng trên.

Rob Enderle, nhà phân tích

Trong thời gian diễn ra làn sóng tẩy chay lớn nhất năm 2017, các nhà phân tích ước tính khủng hoảng này có thể khiến YouTube mất hàng trăm triệu USD, hoặc ít hơn 10% doanh thu ước tính của nền tảng, và sự sụt giảm trong doanh số bán quảng cáo của Google nói chung.

Ông Enderle cho rằng động thái của các nhà quảng cáo đã gửi một thông điệp đến YouTube rằng họ đã chán ngấy những việc như thế này và có thể sẽ đưa ra quyết định rút hẳn khỏi nền tảng trên.

Biên tập viên của Digiday, ông Brian Morrissey lại bày tỏ sự hoài nghi: “Mỗi cuộc khủng hoảng về an toàn của nhãn hàng đã chứng minh việc các nhà quảng cáo nói thì cứng nhưng lại không hay làm như vậy. Cho đến khi họ thực sự làm như họ nói, tôi sẽ chỉ cho rằng việc họ nói về sự an toàn thương hiệu - và cụm từ ngắn “tẩy chay” - chỉ là chiêu trò PR mà thôi”.

Đô Na
Nguồn Zing News