Chiếc Lexus, cây Ôliu và cái “tội” sính ngoại

“Chiếc Lexus & cây Ôliu” (tác giả Thomas L.Friedman) là cuốn sách viết rất hay về đề tài toàn cầu hoá – một khái niệm về sự xung đột giữa văn minh và lạc hậu, giữa giá trị cũ và mới, giữa giá trị mang tính dân tộc và giá trị mang tính toàn cầu. Tác giả đã dùng hình tượng “chiếc Lexus” hiện đại của hãng Toyota – nằm ở phía nam Tokyo và “cây Ôliu” già cỗi bên bờ sông Jordan để ẩn dụ cho những xung đột này.

Chiếc xe sang Lexus là biểu tượng cho văn minh hiện đại. Nhà máy Lexus tại Tokyo mỗi ngày sản xuất 300 chiếc, sử dụng 66 công nhân và 310 người máy. Tự động hoá, tốc độ và chính xác tuyệt đối. Con người chỉ cónhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Chỉ có vài người nhúng tay vào việc vặn một vài chiếc ốc hoặc hàn một vài bộ phận. Có cả loại xe vận tải tự động, chuyển nguyên vật liệu trong xưởng, có khả năng cảm nhận được con người, kêu “bíp,bíp” để người ta tránh đường.


Trong lúc đó tại Beirut và Jerusalem, con người vẫn đang bắn giết nhau chỉ vì tranh chấp xem ai là người chủ của cây Ôliu. Xung đột giữa người Serb và người Hồi giáo hay giữa người Do Thái và người Palestine về việc sở hữu cây Ôliu chỉ để trả lời cho câu hỏi: tôi phải là người được thừa nhận sở hữu giá trị biểu tượng này. Nếu không, tôi sẽ bị thống trị về kinh tế, chính trị và quan trọng nhất, tôi sẽ không được coi là một dân tộc có bản sắc.

Cây Ôliu là biểu tượng của cái gọi là “bản sắc”: vì nhiều lý do khác nhau, con người thường có xu thế lưu giữ những giá trị cũ. Và những giá trị cũ đôi lúc là vật cản sự tiến hoá và phát triển.

Biểu tượng chiếc Lexus và cây Ôliu, về bản chất, phản ánh thái độ tiếp cận của con người đối với quá trình tiến hoá và phát triển. Với quy luật vận động đi lên của vạn vật, việc có theo kịp với sự thay đổi hay không phụ thuộc vào khả năng thích nghi cái mới, vào sự dũng cảm đánh đổi cái cũ và cái nhìn tích cực với thể giới bên ngoài.

Khi mở cửa với thế giới bên ngoài, ở Việt Nam chúng ta có một thuật ngữ khá phổ biến: “sính ngoại”. Bất cứ người Việt nào thể hiện sự yêu thích ngưỡng mộ đối với con người hay thương hiệu không phải “made in Vietnam” đều bị ghép vào cái “tội” này.

Nick Vujicic đến Việt nam và đã gây ra cơn “bão” về truyền thông. Ủng hộ nhiều, nước mắt cảm thông rơi nhiều và ngạc nhiên thay, chỉ trích, bài xích cũng không ít. Điểm nhấn của chỉ trích: sao phải bỏ ra những 32 tỷ để mời một “ông Tây” về nói chuyện? sao không để số tiền này ủng hộ những người tàn tật Việt Nam? Đất nước này thiếu gì những tấm gương vượt khó đâu kém chàng Nick đẹp trai và diễn thuyết tuyệt hay kia? Việc gì phải chen nhau chỉ để tung hô một anh mắt xanh mũi lõ?

Tấm gương vượt khó của nhiều người Việt ở hoàn cảnh tương tự đúng là không thiếu. Nhưng khả năng diễn thuyết trước đám đông và nhất là sức hấp dẫn truyền cảm hứng cho người khác thì sao? chúng ta đã có được những ai? Mà cái anh Nick này kể cũng tài. Ánh mắt sáng rực, nụ cười rạng rỡ của anh nhiều lúc làm cho người ta quên rằng mất anh mới là người thiếu may mắn, là người cần động viên. Ngược lại, chàng trai “no hand, no legs” tận đẩu đâu lại là người đi động viên và truyền tình yêu cuộc sống cho những người bình thường.

Bạn có nhận thấy điều kỳ diệu này không?

Nhưng có vẻ như một bộ phận đám đông đang rơi vào hiệu ứng “cây Ôliu” như ở câu chuyện trên kia: ồ chàng Nick “Tây” hay đấy, nhưng giá trị và hình ảnh của các chàng Nick ta hay đâu có kém. Tôi muốn Nick “ta” phải được thế giới trọng vọng và tung hô như thế hoặc hơn thế cơ. Bản sắc Việt Nam đâu có thua kém văn minh phương Tây đâu.

Nên đặt câu hỏi ngược lại: tại sao chúng ta không có được một Nick Vujicic người Việt hấp dẫn truyền thông? Phải chăng anh thành công chỉ là nhờ công nghệ lăng xê PR thời hiện đại? Phải chăng chỉ vì anh Nick đến từ nước Úc kia “có thương hiệu” nên mới được mời đi nói chuyện khắp nơi (Nick đã đi hơn 40 nước trên thế giới).

Thương hiệu toàn cầu luôn luôn vận động theo quy luật đổi mới hàng ngày, tiến bộ hơn và ưu việt hơn. Sẽ không có chỗ cho ai “Chân muốn đặt lên chiếc Lexus nhưng tay vẫn khư khư ôm cây Ô liu bản ngã”.

Nói tóm lại, đối với không ít người, Nick chỉ là một“sản phẩm thương mại” không hơn không kém.

Tuyệt vời!

Tôi thì lại mong Việt Nam chúng ta có được một “sản phẩm thương mại” như Nick. Để làm gì ư? Trước tiên để người đó có cuộc sống sung túc (nghe đâu Nick được trả hàng trăm ngàn đô la cho mỗi lần đi diễn thuyết). Quan trọng hơn, xã hội có thêm một người có khả năng truyền cảm hứng, tạo động lực sống mạnh mẽ cho rất nhiều người có số phận không may mắn và cả những người đang gặp bế tắc về lý tưởng sống có ý nghĩa. Như Nick đã, đang và sẽ làm. Và mọi người đều công nhận anh làm điều này rất giỏi.

Nếu cũng bỏ ra 32 tỷ để truyền thông rầm rộ cho một anh Nick “ta” nào đấy, liệu sẽ có hơn 30,000 người đến Mỹ Đình tham dự buổi nói chuyện? và Facebook sẽ “phát sốt” lên vì sự kiện này? Gần đây có bài viết cho rằng chưa có người Việt cùng hoàn cảnh như Nick nhưng không được tung hô như anh chẳng qua là vì “bụt chùa nhà không thiêng” và tâm lý “sính ngoại” của dân ta mà thôi.

Ngừời viết lại nhớ sự kiện tương tự khi Starbucks khai trương cửa hàng tại TP.HCM cách đây chưa lâu. Cũng hàng đoàn người xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt nhận cốc nước uống “pha đường có mùi cà phê”. Họ nhận được sự mỉa mai: đồ sính ngoại!

Ô hay, “sính” những điều văn minh, những cái hay, cái mới lạ cũng là một cái tội?

Thương hiệu mạnh hay yếu, được yêu thích hay bị ghẻ lanh không phụ thuộc vào triết lý “bản sắc cây Ôliu” đề cập trong cuốn sách của Thomas L.Friedman. Ở Việt nam, triết lý này thường được ”ẩn nấp” dưới những mỹ từ bóng bẩy như “yêu nước” hay “tự hào dân tộc”.

Chẳng ai bắt chúng ta phải “yêu’ hay phải ghét một thương hiệu nào đó. Tình yêu hay sự hâm mộ là cái gì đến rất tự nhiên. Không ai có thể dùng vũ lực bắt ép thứ tình cảm này cả. Ai chả mong một ngày nào đó sẽ có một nhà diễn thuyết tài ba người Việt như Nick Vujicic? Sẽ được mời đi nói chuyện tại Úc, tại Mỹ? cũng được trả cát xê cao? Cũng được hàng chục ngàn người chào đón mỗi khi xuất hiện? Thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã khai trương của hàng tại Mỹ rồi đó. Rất tự hào nếu người dân Mỹ xếp hàng để nhận cốc cà phê Robusta hương chồn của Trung Nguyên.


Lúc đó, chúng ta có quay lại chỉ trích những người dân tại nước sở tại là “sính ngoại”?

Đã đến lúc hãy “giải oan” cho cụm từ này được rồi. Xin thưa, các doanh nghiệp, các chủ thương hiệu yêu từ này lắm. Vì để được “sính”, thương hiệu phải xuất sắc hơn nhiều, khác biệt hơn nhiều và đôi khi phải may mắn hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Và bạn biết đấy, nếu đã được “sính”, mặc kệ ai chỉ trích thì cứ việc, nhưng vinh quang và tiền bạc thì cứ tự nhiên chảy về.

Trong thế giới phẳng, nếu không thay đổi tư duy và cách nhìn nhận thế giới bên ngoài một cách công tâm và khách quan, chúng ta sẽ tự “đào” cho mình một “vùng trũng” trì trệ.

Và không có gì đáng sợ hơn “vùng trũng” trì trệ về mặt nhận thức.

Thương hiệu toàn cầu luôn luôn vận động theo quy luật đổi mới hàng ngày, tiến bộ hơn và ưu việt hơn. Sẽ không có chỗ cho ai “Chân muốn đặt lên chiếc Lexus nhưng tay vẫn khư khư ôm cây Ô liu bản ngã”.

Nguồn BrandDance