Thế trận mới của VietinBank

Cửa tăng vốn đã mở ra, mang lại kỳ vọng mới cho VietinBank, nhưng ngân hàng này còn rất nhiều chuyện phải làm.

Thật khó hình dung khi 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam về quy mô tài sản (trừ Agribank) lại không thể tăng vốn điều lệ từ năm 2013. “VietinBank đã tới hạn”, như ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, nhận xét vào Đại hội cổ đông thường niên vừa qua.

Thực vậy, trong khi nhiều ngân hàng khác liên tục tăng vốn để mở rộng năng lực cạnh tranh, vốn điều lệ của VietinBank vẫn giậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Ngân hàng, dù ban lãnh đạo đã nỗ lực tìm cách tăng vốn. Liên tiếp các kỳ đại hội cổ đông trước đây, cùng với một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV, lãnh đạo VietinBank đã có đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng này cũng tính sáp nhập với PGBank để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều không thành công. VietinBank khó tăng vốn còn vì tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại mới gần như chạm đáy, trong khi những ngân hàng khác như Vietcombank và BIDV vẫn đang lên kế hoạch gọi vốn ngoại. Theo đó, tỉ lệ sở hữu nhà nước đã về dưới mức 65% (mức tối thiểu theo quy định). Phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu trở nên không khả thi trong bối cảnh ngân sách nhà nước vẫn còn eo hẹp, cho dù cổ đông ngoại là Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) mới đây cũng “đánh tiếng” sẵn sàng hỗ trợ VietinBank.

Tuy nhiên, Đại hội cổ đông năm nay đã có điểm nhấn mới. Theo đó, VietinBank sẽ được chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu, hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Phương án cụ thể sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định, sau khi có phê duyệt của cơ quan quản lý. Có vẻ như các cổ đông cũng đã “chấp nhận” thực tế ở VietinBank trong bối cảnh ngân hàng này phải áp dụng tiêu chuẩn an toàn mới trong hoạt động ngân hàng theo Basel II vào năm 2020, tức chỉ còn gần 9 tháng nữa.

Nếu áp dụng chuẩn mới, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của VietinBank có thể ở dưới mức 8% (là mức tối thiểu), trong khi con số theo quy định hiện hành khoảng 10%. Không chỉ có VietinBank mà 2 ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank và BIDV cũng chứng kiến CAR giảm mạnh theo chuẩn mới. Tương tự, hệ số CAR của Vietcombank cũng đạt ngưỡng gần 10%. Tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn của Vietcombank lại nhẹ nhàng hơn, chưa thực sự cấp thiết trong năm nay.

Theo đại diện Vietcombank, ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng vốn dựa trên nguồn thặng dư vốn và phát hành tiếp 7% cho nhà đầu tư ngoại. Thị trường cũng đang chờ đợi thương vụ bán vốn cho nước ngoài đầu tiên của BIDV. Tuy nhiên, lộ trình bán cổ phần tăng vốn ở các ngân hàng quốc doanh sẽ phải mất thời gian, có thể được tính bằng năm.

Xét về dài hạn hơn, việc tăng vốn tại VietinBank nói riêng và các ngân hàng nhà nước như Vietcombank hay BIDV sẽ dễ dàng hơn, bởi tỉ lệ sở hữu nhà nước sẽ giảm về còn 51% giai đoạn năm 2021-2025. Hãy trở lại với trường hợp của VietinBank. Một ước tính của HSC cho thấy VietinBank cần phải tăng vốn thêm 20%, tương đương khoảng 7.500 tỉ đồng trong 2 năm tới. Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 gần 12.000 tỉ đồng.

Rõ ràng, cửa tăng vốn đã mở ra, mang lại kỳ vọng mới cho VietinBank, nhưng ngân hàng này còn rất nhiều chuyện cần cải thiện chứ không chỉ riêng vốn. Năm ngoái, VietinBank lần đầu tiên rơi xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng về lợi nhuận, xếp sau Vietcombank, BIDV, Agribank và các ngân hàng tư nhân khác là Techcombank, VPBank và MB. Lợi nhuận VietinBank chỉ còn tương đương khoảng 37% so với Vietcombank.

Quý IV năm ngoái, Ngân hàng đã gây bất ngờ với khoản lỗ gần 700 tỉ đồng. Khoản lãi dự thu của ngân hàng này cũng “bốc hơi” 7.618 tỉ đồng. Đồng thời, chi phí lãi ghi nhận hơn 6.500 tỉ đồng chi phí hoạt động tín dụng khác. Báo cáo tài chính năm 2018 cũng cho thấy khoản thu nhập lãi thuần giảm mạnh gần 17%.

Theo ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank, nguyên nhân là do cơ cấu lại tài sản (phân loại nợ) và thoái lãi dự thu. Riêng năm nay Ngân hàng không có kế hoạch thoái lãi dự thu nên các cổ đông có thể yên tâm. Khoản lãi dự thu được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đó là khoản lãi từ hoạt động tín dụng nhưng Ngân hàng chưa thực nhận trong kỳ, có thể là các khoản lợi nhuận chưa về kịp tại thời điểm báo cáo, nhưng cũng có thể là những khoản nợ xấu được phân loại lại.

Vấn đề của VietinBank hiện nay là tỉ lệ nợ xấu tăng, phát sinh trái phiếu VAMC, xử lý các khoản vay trục trặc trong quá khứ. Điều này cho thấy VietinBank đã quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng, nhưng các khoản chi phí tăng đột biến sẽ gây áp lực trong ngắn hạn. Về hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Ngân hàng cho biết lợi nhuận có cải thiện, trong bối cảnh Ngân hàng bắt đầu tập trung vào phân khúc bán lẻ, cho vay cá nhân và những khoản vay bằng tiền đồng.

VietinBank hiện tính toán sẽ phải thoái bớt các khoản vốn để thu tiền về. Mới đây, Ngân hàng đã bán được khoảng 15 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, thu về hơn 305 tỉ đồng. VietinBank cũng đang phải tái cơ cấu danh mục đầu tư gồm có 8 công ty con, 1 công ty liên kết và 6 khoản đầu tư khác. Ngân hàng đang tìm nhà đầu tư cho kế hoạch bán dự án xây dựng trụ sở ở Khu đô thị Ciputra (Hà Nội).

Thiên Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư