Thị trường ôtô tháng 4-2019: Thất thường như mưa đầu mùa

Thị trường ôtô Việt Nam lại tiếp tục sụt giảm doanh số nặng nề trong tháng 4 sau khi có sự vụt sáng bất ngờ trong tháng 3.

Chưa bao giờ giới quan sát chứng kiến sự giằng co khốc liệt giữa các thương hiệu về thị phần cũng như giữa nhà kinh doanh và người tiêu dùng trên thị trường ôtô Việt Nam như hiện nay. Thị phần không chỉ phụ thuộc vào giá bán hay chất lượng, còn khách hàng mua xe thời điểm này có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết.

Theo kết quả thống kê từ VAMA, doanh số của thị trường ôtô trong tháng 4 chỉ đạt 21.021 xe, giảm 35% so với tháng 3 và cả hai dòng xe nhập khẩu lẫn lắp ráp nội địa đều giảm sút về số lượng tiêu thụ, lần lượt là 29% và 44%.

Tuy nhiên, cộng dồn bốn tháng đầu năm 2019, doanh số thị trường chưa bao gồm số lượng xe của thương hiệu Hyundai. Thương hiệu này vẫn giữ mức tăng trưởng tốt với 99.273 xe bán được, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.

Số lượng bán hàng trong quý đầu năm của dòng xe lắp ráp nội địa cũng sụt giảm 11%, trong khi mức tăng của dòng xe nhập khẩu lên đến 202%.

Đáng chú ý là trong khi các thương hiệu có đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước đang có nhiều động thái thu hẹp danh mục xe lắp ráp nội địa thì sự mở rộng quy mô cũng như gia tăng phân khúc sản xuất của Trường Hải hay Thành Công cùng với sự gia nhập của VinFast tạo nên nhiều kỳ vọng cho thị trường ôtô nói riêng và ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam nói chung.

Hyundai Grand i10 mẫu xe dẫn đầu doanh số bán trong tháng 4-2019.

Trong tháng 4, có sự trở lại vị trí dẫn đầu thị phần xe du lịch của Hyundai Thành Công với doanh số 6.176 xe, bỏ xa Toyota chỉ bán được 4.188 xe và Thaco là 5.363 xe.

Cuộc đua tranh giữa ba nhà sản xuất lớn này có thể được xem là diễn biến chủ đạo của thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tới.

Xếp thứ tư về thị phần với 2.160 xe bán được trong tháng 4, thương hiệu Ford cho thấy có ưu thế hơn so với Honda chỉ đạt 1.756 xe dù đã có được thành công với mẫu CR-V.

Tuy nhiên, cộng dồn doanh số bốn tháng đầu năm, vị trí dẫn đầu lại thuộc về Thaco với số lượng xe tiêu thụ cả ba thương hiệu Kia, Mazda và Peugeot đạt 23.507 chiếc, xếp thứ hai là Toyota với 23.155 chiếc, cao hơn số lượng 22.968 xe mà Hyundai có được.

Ưu thế của Thaco trên phân khúc xe du lịch được tạo ra từ việc sở hữu ba thương hiệu nắm giữ các thị phần lớn, điển hình là Kia Morning – xe đô thị, Mazda 3 – hạng C hay Mazda CX-5 – crossover. Thương hiệu Honda cũng vượt Ford trong doanh số cộng dồn bốn tháng đầu năm với 10.443 chiếc so với 9.952 chiếc của thương hiệu xe Mỹ.

Kết quả kinh doanh của các thương hiệu trong tháng 4 cho thấy sẽ còn nhiều biến động trong những tháng tiếp theo. Nhằm khai thác tối đa những lợi thế từ các nhà máy sản xuất trong khu vực, thương hiệu Toyota đã từng bước thu hẹp danh mục xe sản xuất tại Việt Nam để tập trung vào việc nhập khẩu.

Hiện tại Toyota Việt Nam chỉ lắp ráp trong nước ba mẫu xe là Vios, Altis và Innova. Điều này chính là nguyên nhân làm cho doanh số xe du lịch của Toyota không còn ổn định như trước vì luôn phụ thuộc vào nguồn xe nhập khẩu.

Ngược lại, nếu Hyundai Thành Công tiếp tục mở rộng sản xuất với nhà máy lắp ráp ôtô thứ hai tại Ninh Bình thì Thaco đang gây sốc với màn ra mắt của nhà máy sản xuất thương hiệu xe hạng sang Peugeot.

Sự bất ổn định về doanh số của các thương hiệu cũng tạo nên sự biến động lớn ở Top 10 xe bán chạy nhất trong tháng 4 khi có đến ba mẫu xe vừa được vinh danh trong tháng 3 đã lọt Top 10 trong tháng 4 là Honda CR-V, Mitsubishi Xpander và Toyota Wigo.

Bỏ xa các đối thủ, hai mẫu xe Hyundai i10 và Hyundai Accent thống trị thị phần trong tháng 4 với doanh số lần lượt là 1.448 và 1.427 chiếc. Giảm doanh số từ 3.192 chiếc xuống còn 1.115 chiếc, Toyota Vios rớt xuống thứ 4, đưa Mazda 3 lên vị trí thứ 3 với doanh số 1.124 chiếc.

Cùng chung số phận với Toyota Vios, mẫu MPV Toyota Innova cũng sụt giảm số lượng, chỉ bán được 785 chiếc, xếp cuối cùng Top 10.

Tuy nhiên, mẫu SUV Toyota Fortuner có vị trí thứ 5 với doanh số 1.032 chiếc là một tín hiệu tốt của thương hiệu Nhật Bản.

Trở lại ấn tượng còn là Mazda CX-5 ở vị trí thứ 7 với doanh số 969 xe trong khi Kia Cerato (1.002), Kia Morning (905) và Honda City (788) lần lượt giữ các vị trí còn lại của Top 10.

Có thể nói, trạng thái khó đoán của thị trường đang thật sự là một thách thức không nhỏ dành cho các nhà sản xuất cũng như các nhà kinh doanh.

Cao điểm bán hàng mùa hè đang vào giai đoạn nước rút nhưng doanh số toàn thị trường cho thấy sự bất ổn sau nhiều biến động thời gian qua, và người tiêu dùng Việt Nam dường như đang dần “miễn nhiễm” với những thay đổi đó.

Khi giá xe không còn là vũ khí quyết định doanh số, các nhà sản xuất, kinh doanh ôtô tại Việt Nam đang đứng trước những lựa chọn chiến lược kinh doanh bền vững trước sự cạnh tranh sẽ ngày càng dữ dội.

Nam Long
Nguồn Doanh nhân+