Câu chuyện về Imagtor – người xây dựng hình ảnh tương lai

Chị Nguyễn Thị Vân, nằm trong tốp 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes Việt Nam bình chọn, chị là Co-Founder của Imagtor – một agency chuyên chỉnh ảnh, 2D-3D và video với đội ngũ hơn 50% là người khuyết tật. Mô hình đào tạo và công ty Imagtor mà chị đồng sáng lập đã giúp được vô số người khuyết tật tái hoà nhập với cộng đồng.

Là diễn giả đặc biệt của chương trình Forbes Women Summit 2019 sắp tới, chị Vân đã đồng ý chia sẻ với Brands Vietnam về quá trình thành lập, xây dựng Imagtor cũng như những khó khăn, thuận lợi và bài học trải dài trong suốt đoạn đường của mình. Mắc chứng bệnh teo cơ nhưng xuyên suốt cuộc phỏng vấn, chị không bao giờ nói về khó khăn của bản thân mà luôn cười rất tươi khi kể về những hoàn cảnh khó khăn khác mà chị và Imagtor đã giúp đỡ.

* Chào chị Vân, rất vui vì có cơ hội trò chuyện với chị! Điều đầu tiên Brands Vietnam muốn hỏi là động lực nào đã thúc đẩy chị thành lập Imagtor?

Từ hồi cấp 3, tôi đã thích và tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhau. Một trong số đó là thành lập và điều hành trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nghị Lực Sống cùng anh trai. Ngoài những kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin ra, Nghị Lực Sống còn dạy các bạn những kỹ năng mềm như giao tiếp, tái hoà nhập với cộng đồng… Sau đó, trung tâm sẽ giới thiệu các bạn cho những công ty trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các bạn. Nhưng từ đây xuất hiện 2 vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là còn nhiều rào cản đối với người khuyết tật trong doanh nghiệp. Không phải công ty nào cũng có thiết kế văn phòng thân thiện với những bạn phải đi xe lăn. Một số bạn bị bệnh ngoài da như da bong tróc, mưng mủ hay những bạn với khuôn mặt biến dạng sẽ rất khó được tuyển.

Chị Nguyễn Thị Vân - Co-Founder của Imagtor.

Vấn đề khác nằm ở tài chính. Như những tổ chức thiện nguyện khác, trung tâm dạy nghề phải phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Để không phụ thuộc vào tài trợ thì tổ chức phải có nguồn thu, lợi nhuận. Tôi đã thử kinh doanh nhiều lĩnh vực. Sử dụng chính nguồn nhân lực mà trung tâm tạo ra, tôi đã mở công ty kinh doanh vé máy bay, in ấn, làm quà tặng, bán hàng online… Các công ty đều mang lại lợi nhuận nhưng lại không tạo đủ cơ hội việc làm cho các bạn khuyết tật.

Lúc đó, ý tưởng thành lập Imagtor đến với tôi. Tại sao mình không kinh doanh chính lĩnh vực mà mình đào tạo? Imagtor được thành lập nhằm đem lại môi trường làm việc bình đẳng với mức thu nhập vừa ổn định vừa khá cho mọi người. Khách hàng của Imagtor chủ yếu là ở Mỹ, Châu Âu và Úc, qua đây cũng để thay đổi quan điểm xã hội về năng lực của người khuyết tật, để chứng minh rằng: những người bị cho là “yếu thế” vẫn có thể sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá cả cạnh tranh quốc tế.

* Ý nghĩa của Imagtor là gì? Cảm hứng của chị khi đặt tên đó bắt nguồn từ đâu?

Imagtor là kết hợp giữa “Image” và “Editor”. Imagtor là sự kết hợp giữa nghề nghiệp và tương lai tươi sáng. Chúng tôi chỉnh sửa những bức ảnh cho khách hàng và trả hàng vào ngày hôm sau, nó không chỉ có ý nghĩa về 1 thế mạnh của công ty mà nó còn là cơ hội cho các bạn nhân viên có cuộc sống tốt đẹp hơn, đó chính là ý nghĩa slogan của chúng tôi “A better image for tomorrow”.

* Thuận lợi và Khó khăn mà chị gặp phải trong quá trình thành lập và xây dựng Imagtor là gì? Mất bao lâu để thương hiệu có lượng khách hàng ổn định?

50% nhân viên Imagtor là người khuyết tật, một số lớn khác là dân tộc thiểu số hoặc ở vùng ven nên có khá nhiều khó khăn khi xây dựng.

Đầu tiên, các bạn khuyết tật thường gặp khó khăn trong việc di chuyển, sức khoẻ, từ đó ảnh hưởng tới năng suất làm việc. Bởi những rào cản về tiếp cận giáo dục, dạy nghề nên nền tảng, bao gồm cả kiến thức lẫn kỹ năng của các bạn thường hạn chế.

Imagtor là sự kết hợp giữa nghề nghiệp và tương lai tươi sáng.

Tôi hiểu rõ những khó khăn này nên có những phương án giải quyết từ đầu. Trước khi vào làm, các bạn sẽ được đào tạo từ kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm cho đến những kỹ năng chuyên môn liên quan đến chỉnh sửa ảnh. Tôi cũng rất kỹ trong việc chọn và xây dựng văn phòng. Nhà vệ sinh và đường đi sẽ được cải tạo cho phù hợp, phải có thang máy và khuôn viên rộng để thuận tiện cho việc đi lại. Địa điểm của văn phòng cũng là một yếu tố quan trọng. Nhằm hỗ trợ cho việc đi lại của các bạn, công ty sẽ nằm ở khu vực dân cư an toàn nhưng giá thuê trọ không quá mắc. Nhà xa lắm thì cũng cách công ty cỡ 1km, nhân viên đi xe lăn có thể dễ dàng đi làm. Chứ công ty mà ở khu vực trung tâm là đảm bảo không ai đi làm nổi luôn (cười). Trên hết, môi trường ở Imagtor là môi trường làm việc bình đẳng và thân thiện. Từ bộ phận quản lý cấp cao cho đến các đồng nghiệp, mọi người đều thấu hiểu, thông cảm, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiều khó khăn nhưng Imagtor cũng có không ít thuận lợi. Với nhiều kinh nghiệm hỗ trợ, đào tạo, tôi nắm bắt rõ tâm sinh lý của họ - họ cần gì và cách để giúp họ. Thời gian điều hành trung tâm đã giúp tôi xây dựng những khóa đào tạo hiệu quả. Chỉ cần vài tháng là các bạn đã được trang bị những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết, giúp các bạn tự tin hoà nhập với cộng đồng. May mắn khác là đội ngũ quản lý và sáng lập là những người đều có tài và có tâm. Có tài từ việc có kinh nghiệm kinh doanh nhiều ngành nghề. Có tâm vì đều có chung chí hướng phát triển một doanh nghiệp bền vững cho người khuyết tật. Thuận lợi cuối cùng là thời điểm Imagtor ra đời. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp xã hội Việt Nam đang dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ cộng đồng. Điều này có nghĩa là tôi có nhiều cơ hội học hỏi, nhận được nhiều sự trợ giúp từ những mối quan hệ và có nhiều cuộc thi, giải thưởng là cơ hội để Imagtor thăng tiến. Sau 7-8 tháng đầu tiên dành cho xây dựng thương hiệu và các công đoạn chuẩn bị khác, Imagtor chỉ cần 1 năm 3 tháng để hoà vốn và đang phát triển bền vững.

* Dịch vụ của Imagtor có điểm nổi trội nào so với các doanh nghiệp chỉnh sửa ảnh khác?

Điểm nổi trội của Imagtor nằm ở tốc độ và sự ổn định về chất lượng. Imagtor sẽ trả lại thành phẩm cho khách hàng sau 24 giờ kể từ khi nhận brief. Với những đơn hàng có yêu cầu đơn giản thì chỉ cần 8 - 12 giờ. Nhanh, đẹp nhưng chất lượng phải ổn định nữa. Mình làm đẹp bất ngờ khách cũng sẽ không thích bằng xấu mà xấu đều (cười). Một số điểm hấp dẫn khác là dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/6 và giá cả cạnh tranh, nhất là ở thị trường Bangladesh và Jakarta.

Khách hàng chọn Imagtor vì dịch vụ và giá cả nhưng lại gắn bó với Imagtor vì tính xã hội. Họ biết ngoài những giá trị trực tiếp Imagtor đem lại thì đồng tiền của họ còn gián tiếp giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người, tạo ra những tích cực nhất định.

Môi trường làm việc tại Imagtor.

* Chị đã dùng phương tiện truyền thông nào để quảng bá dịch vụ? Vì sao?

Lúc mới thành lập, Imagtor quảng bá chủ yếu trên mạng xã hội, các diễn đàn, tham gia các cuộc thi và hội thảo… Thật ra cũng không cần đầu tư nhiều vào truyền thông, chất lượng và sự tận tâm của Imagtor chính là hình thức quảng bá hiệu quả nhất. Tôi quan niệm giúp đỡ khách hàng là giúp đỡ chính mình. Nhu cầu của khách hàng tỉ lệ thuận với sự phát triển, họ phát triển gấp đôi thì mình sẽ có gấp đôi đơn hàng. Và đúng như vậy, nhiều công ty sau khi làm việc với Imagtor đã tăng trưởng vượt bậc. Họ đã chia sẻ với tôi kế hoạch 5 năm với mong muốn có thể hợp tác lâu dài với Imagtor trên quy mô lớn hơn. Họ cũng giới thiệu Imagtor cho các doanh nghiệp khác. Rất nhiều khách hàng cũ của Imagtor quay lại ủng hộ và giới thiệu khách hàng mới, mình chỉ cần ổn định về chất lượng dịch vụ thì công ty sẽ phát triển bền vững.

* Chị có định hướng phát triển như thế nào cho Imagtor trong thời gian tới?

Kế hoạch phát triển của Imagtor không quá phức tạp: mở rộng đội ngũ, mở rộng thị trường nhưng vẫn làm tốt các công việc hiện tại.

Trong năm nay, tôi sẽ tập trung “thông não” nội bộ công ty. Chỉ tiêu của tôi là 100% nhân viên hiểu rõ giá trị, sự khác biệt của thương hiệu từ đó mới có thể đồng lòng xây dựng thương hiệu Imagtor bền vững. Sau khi nhân viên đã hiểu rõ thì tôi sẽ mở rộng công ty, dự kiến là tăng gấp đôi nhân sự (từ 68 người lên 150 người) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và khảo sát để 3 năm nữa, Imagtor sẽ mở thêm các loại dịch vụ khác, chủ yếu vẫn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, Imagtor sẽ có toà nhà riêng, phục vụ tất cả các vấn đề cho người khuyết tật từ chỗ ở, đào tạo đến việc làm ổn định sau 5 năm nữa.

* Cảm ơn chị Vân đã dành thời gian chia sẻ với Brands Vietnam! Mong chị và Imagtor liên tục phát triển và đạt được những mục tiêu của mình.

Sự kiện Women’s Summit 2019 do Forbes Vietnam tổ chức ngày 23/05/2019 tại GEM Center, TP.HCM

Quanny Nguyễn
Brands Vietnam