Sôi động M&A ngành dược

Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2017, ưu tiên cho các doanh nghiệp dược trong nước trong việc đấu thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện công và bảo hiểm y tế đã kích thích công ty nước ngoài gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập

Từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng với hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị cao. Thực tế, công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền), trong khi đó, nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị... lại là sân chơi dành cho các doanh nghiệp ngoại và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do vậy, để tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới (R&D), M&A được coi là con đường gần như tất yếu đối với các doanh nghiệp dược nội địa.

Theo báo cáo ngành dược phẩm của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp đại chúng nới room ngoại lên đến 100% đã đem đến cho doanh nghiệp nội cơ hội lớn trong việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài.

Trước tình hình này, Dược Hậu Giang (DHG) và Domesco là hai cái tên tiên phong trong nới room ngoại. Hiện tại, sở hữu của khối ngoại, mà cụ thể là của Công ty Chế tạo thuốc Nhật Bản Taisho, tại Dược Hậu Giang đang là 56,68%, trong đó Taisho vừa nâng tỷ lệ sở hữu hồi tháng 4 bằng việc mua thêm 28,35 triệu cổ phiếu, tương đương 21,68% cổ phần, với giá 3.400 tỉ đồng.

Sôi động M&A ngành dược

Một công ty dược của Việt Nam đang sản xuất vaccin. Ảnh: H.N

Câu chuyện tương tự khi công ty con thuộc tập đoàn Abbott - CFR International Spa, nâng tỷ lệ sở hữu tại Domesco lên trên 51% cổ phần với tư cách là cổ đông chiến lược. Ngoài ra, tập đoàn Abbott vào năm 2016 còn mạnh tay mua lại Công ty Dược phẩm Glomed - một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam.

Một số câu chuyện M&A khác của ngành dược trong thời gian qua còn phải kể đến thương vụ mua lại Dược Cửu Long của tập đoàn FIT (tỷ lệ sở hữu 71%); việc nâng tỷ lệ sở hữu của Hãng dược phẩm Stada tại Pymepharco lên 49%; thương vụ Adamed Group (Ba Lan) chi 50 triệu đô la mua 70% cổ phần Đạt Vi Phú và ý định mua Dược Lâm Đồng của Nguyễn Kim...

Trong thời gian tới, Imexpham và Traphaco được cho là hai cái tên tiềm năng của thị trường M&A. Hiện room ngoại tại Imexpharm và Traphaco lần lượt là 48,55% và 45,7%.

Theo các chuyên gia trong ngành dược phẩm, xu hướng M&A trong ngành dược hứa hẹn sẽ tiếp tục mạnh hơn trong thời gian tới, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Traphaco, Domesco Đồng Tháp, Công ty cổ phần Trang thiết bị kỹ thuật y tế TPHCM...

Mua thị trường, thương hiệu...

Theo Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health, Việt Nam là một trong 17 nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất. Nhóm này được xem là động lực tăng trưởng cho ngành dược thế giới, dự kiến sẽ sớm chiếm khoảng một phần ba tổng tiêu thụ dược phẩm toàn cầu thay vì mức một phần tư như ở hiện tại.

Để có thể giành được các gói thầu trong bệnh viện, họ cần một đối tác trong nước theo cách chỉ cần một cái tên và thị trường hiện có.

So sánh về kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành dược Việt Nam với các quốc gia khác cùng nhóm, đơn vị này cho rằng Việt Nam là một trong ba nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Mạng lưới cung ứng thuốc tại Việt Nam hiện bao gồm 1.910 doanh nghiệp dược nội địa và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù áp đảo về lượng nhưng thuốc nội vẫn yếu thế hơn so với thuốc ngoại. Theo thống kê của Cục Quản lý dược phẩm, thuốc nội địa chỉ chiếm 48% trong tổng tiêu thụ cả nước.

Tình hình nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu trên 2,8 tỉ đô la Mỹ dược phẩm, tăng 10,1% so với năm 2016; năm 2018, giá trị nhập khẩu tăng lên khoảng 3 tỉ đô la, trong đó, riêng hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm chiếm gần 15% trong tổng giá trị, đạt 381 triệu đô la.

Nhu cầu nhập khẩu dược phẩm trong nước phần lớn là nhóm thuốc biệt dược, thuốc phát minh có bản quyền và thuốc chất lượng cao (chiếm 55% trong tổng nhu cầu), trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu là châu Âu bao gồm Pháp, Áo, Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha... Trong khi đối với nhóm thuốc giá rẻ, thị trường nhập khẩu chủ yếu đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Giám đốc phát triển của một công ty dược đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cho hay nguyên nhân các công ty dược nước ngoài gia tăng đầu tư tại Việt Nam là do Luật Dược sửa đổi (có hiệu lực vào ngày 1-1-2017) ưu tiên trong hoạt động đấu thầu đối với nguồn nguyên dược liệu và sản phẩm trong nước.

Luật mới cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm, trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa, giảm dần sự phụ thuộc dược phẩm cũng như dược liệu nhập khẩu. Việc ưu tiên này là rào cản đối với các công ty ngoại, buộc các công ty này cần có đối tác trong nước đảm nhận nhiệm vụ đại diện mua và bán các sản phẩm của họ.

Sôi động M&A ngành dược

Mạng lưới cung ứng thuốc tại Việt Nam hiện bao gồm 1.910 doanh nghiệp dược nội địa và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Và để có thể giành được các gói thầu trong bệnh viện, họ cần một đối tác trong nước theo cách chỉ cần một cái tên và thị trường hiện có; mạnh hơn nữa là họ mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty hoặc nhượng quyền sản xuất các sản phẩm nghiên cứu và trực tiếp tham gia đấu thầu thuốc vào bảo hiểm y tế...

Chính sách ưu tiên, ủng hộ hàng sản xuất trong nước cũng “kích thích” sự gia tăng đầu tư của các công ty nước ngoài vào sản xuất trong nước. Họ đi tìm mua lại các công ty dược của Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt, có thị trường lớn, có năng lực sản xuất, có hướng mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là có chính sách ưu tiên trong đấu thầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Danh, giảng viên tiếp thị dược và y tế tại BMG Business Training TPHCM, các công ty dược nước ngoài M&A các công ty dược Việt Nam với mục tiêu riêng của họ. Ví như Taisho mua Dược Hậu Giang với mục tiêu ngắn hạn là đưa hàng sản xuất từ Nhật sang Việt Nam thông qua kênh phân phối của dược Hậu Giang, đồng thời nâng cao bộ máy hoạt động của DHG, đầu tư sản phẩm DHG sẵn có để sinh lời. Bên cạnh đó là tận dụng nhà máy sản xuất, con người có sẵn của DHG đưa thuốc nghiên cứu từ Nhật sang Việt Nam sản xuất.

Hoặc Abbott mua Domesco, Glomed với mục tiêu muốn thâm nhập thị trường thuốc generic Việt Nam, không những phục vụ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, đồng thời, tạo hình ảnh giá trị của công ty trên thị trường chứng khoán.

Hoàng Nhung
Nguồn The Saigon Times