Cuộc đua mở rộng điểm bán của 2 chuỗi cửa hàng tiện lợi Việt

VinMart+ đồng loạt khai trương 117 cửa hàng trong một ngày, còn Bách Hóa Xanh tăng 50% số cửa hàng tại các tỉnh ngoài TP.HCM chỉ trong một tháng.

Đó là minh chứng cho cuộc đua tốc độ của hai hệ thống đang dẫn đầu thị trường bán lẻ Việt về số lượng cửa hàng tiện lợi.

Gia tăng thị phần bằng việc mở rộng điểm bán

Trong khi Shop&Go rút lui khỏi thị trường Việt Nam, các đại gia ngoại khác như Circle K, Family Mart, B's Mart, 7-Eleven tăng trưởng chững lại, chưa đạt mục tiêu về số lượng cửa hàng, thì VinMart+ và Bách Hóa Xanh đang miệt mài mở rộng hệ thống, khẳng định vị thế "sân nhà" của doanh nghiệp Việt Nam.

Xét về quy mô, Vinmart+ đang vượt trội trên thị trường, gấp hơn 4 lần thương hiệu đứng thứ 2, Bách Hóa Xanh, về số lượng các cửa hàng tiện lợi. Còn nếu đánh giá về tốc độ, cả hai đơn vị đều đang tăng tốc.

Chiến lược gia tăng thị phần thông qua mở rộng điểm bán là điểm chung của 2 đại gia nội trong cuộc đua về cửa hàng tiện lợi. Nếu VinMart+ hướng tới giải pháp mua sắm tiện lợi cho người bận rộn với nhiều sản phẩm chế biến sẵn thì Bách Hóa Xanh lại mang tham vọng lấy khách hàng từ chợ truyền thống thông qua mô hình “thịt tươi, cá lội”.

Cuộc đua song mã

Có mặt trên thị trường từ cuối năm 2014, đến nay, VinMart+ sở hữu hơn 1.700 cửa hàng trên toàn quốc, trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi có độ phủ cao nhất tại Việt Nam.

Những cửa hàng có diện tích 150-300 m2 được đặt tại vị trí mặt tiền hoặc tầng dưới các chung cư và cao ốc, tiện lợi cho nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Để đạt được số lượng cửa hàng lớn như vậy, đại gia này đã không ngừng mở rộng địa điểm kinh doanh thông qua xây mới hoặc thu mua. Số cửa hàng mở mới trong giai đoạn 2018-2019 hơn gấp 3 lần giai đoạn 2017-2018.

Tham vọng của đại gia này không dừng ở con số 1.700 cửa hàng này. VinMart+ lên kế hoạch sở hữu 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Ngoài các cửa hàng vật lý, doanh nghiệp này còn thử nghiệm siêu thị ảo trong đó khách hàng chỉ cần quét mã sản phẩm muốn mua trên các tấm áp phích cỡ lớn đặt tại những khu vực đông người, hệ thống sẽ giao hàng tới tận tay.

Ra đời sau một năm, tốc độ mở rộng điểm bán của Bách Hóa Xanh cũng không thua kém.

Cuối tháng 2 năm 2017, hệ thống bán lẻ thực phẩm của Thế giới Di động mới chỉ có 47 cửa hàng thì một năm sau, con số này đã tăng 6 lần, lên 283.

Bách Hóa Xanh tăng 142 cửa hàng tiện lợi trong 3 tháng qua. Ảnh: Bách Hóa Xanh.

Mặc dù số cửa hàng mở mới trong giai đoạn 2018-2019 chỉ bằng một nửa giai đoạn 2017-2018, nhưng đến hiện tại, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đã sở hữu 547 cửa hàng tiện lợi, ở vị trí thứ 2. Chỉ trong 3 tháng gần nhất, 142 cửa hàng đã được mở mới. Trong đó, riêng tháng 5, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các tỉnh ngoài TP.HCM đã tăng thêm gần 50%.

Theo Báo cáo tài chính năm 2018, doanh nghiệp kỳ vọng nâng số lượng cửa hàng hoạt động đến cuối năm 2019 lên con số 700. Cũng theo đơn vị này, 2019 sẽ là năm xây dựng nền móng quan trọng để chuỗi nhân rộng mạnh mẽ trên toàn quốc.

Khác với Vinmart+ có độ phủ trong cả nước, hiện tại, Bách Hóa Xanh chỉ mới có mặt tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bến Tre.

Quả ngọt?

Mở rộng chuỗi cửa hàng được xem là một hình thức hiệu quả để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Thực tế, số đơn hàng phục vụ của VinMart+ năm 2018 đạt 103 triệu, tăng 92% so với năm 2017. Doanh thu dịch vụ bán lẻ của tập đoàn Vingroup (bao gồm các hệ thống VinMart, VinMart+ và VinPro) tăng 48% từ 13.053 tỷ đồng năm 2017 lên 19.326 tỷ đồng năm 2018.

Trong khi đó, doanh thu của hệ thống Bách Hoá Xanh năm 2018 cũng đạt trên 4.270 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu năm 2017. Nhờ đó, chuỗi hoàn thành mục tiêu hoà vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) ở cửa hàng cuối tháng 12/2018.

Số đơn hàng phục vụ của VinMart+ năm 2018 đạt 103 triệu, tăng 92% so với năm 2017. Ảnh: Báo mới.

Đến năm nay, doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động trước ngày 1/4 đạt 1,3 tỷ đồng/tháng.

Đặc biệt, trong tháng 4, lần đầu tiên Bách Hóa Xanh ghi nhận 2 cửa hàng có doanh thu vượt 4 tỷ đồng/tháng, đón trung bình 1.000-1.200 lượt khách mỗi ngày. Đây đều là 2 cửa hàng ở thị trường tỉnh. Do đó, Bách Hóa Xanh cho biết sẽ mở rộng mô hình siêu thị mini tại các tỉnh ngoài TP.HCM.

Theo báo cáo What's Next hôm 27/5 của Nielsen, số lượng cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đã tăng 45,5% so với năm 2017. Lý do là nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và xu hướng mua sắm thường xuyên, nhiều lần để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

“Nhịp sống của người tiêu dùng trên toàn khu vực Đông Nam Á ngày càng nhanh. Sự thay đổi lối sống này dẫn đến nhu cầu cao đối với các dịch vụ “lấy và đi” (take away), từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của các kênh cửa hàng tiện lợi và cửa hàng mini”, ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Nielsen, nhận định.

Ông cũng cho biết thêm sự kết hợp giữa niềm lạc quan của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế khá tốt đẹp ở Đông Nam Á dẫn đến việc khu vực này đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu và trong khu vực.

Trước xu hướng phát triển chung của ngành bán lẻ và mô hình cửa hàng tiện lợi tại thị trường Việt Nam và khu vực, cuộc đua mở rộng điểm bán sẽ không chỉ dừng lại ở 2 cái tên VinMart+ và Bách Hóa Xanh.

Lan Anh
Nguồn Zing News