Alibaba tìm hướng đi mới thời hậu Jack Ma

Chính từ chuyến thăm Châu Phi trong 2 tháng vào năm ngoái, Jack Ma nhận ra rằng đã đến lúc ông nên rút khỏi vị trí thuyền trưởng của Alibaba.

Alibaba đã chuẩn bị cho sự rút lui của vị thuyền trưởng vĩ đại

Trong thời gian Jack Ma vắng mặt ở Trung Quốc để sang châu Phi gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia ở khu vực này và quảng bá quỹ 10 triệu USD hỗ trợ các doanh nhân trẻ châu Phi, Alibaba vẫn vận hành suôn sẻ.

"Trong hơn 60 ngày, tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ công ty. Tôi biết họ (các lãnh đạo dưới quyền của Jack Ma) đã sẵn sàng cho sự rút lui của tôi”, Jack Ma kể lại tại một cuộc gặp mặt nhà đầu tư vào mùa thu năm ngoái.

Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, người đã xây dựng Alibaba trở thành một gã khổng lồ công nghệ có vốn hóa thị trường 453 tỉ USD đang chuẩn bị cuộc chuyển giao chức vụ chủ tịch công ty vào tháng 9 tới. Dù kế hoạch này đã được chuẩn bị cẩn thận, vẫn còn nhiều lo ngại về tương lai của Alibaba khi thiếu vắng bóng dáng của người sáng lập có sức lôi cuốn ở vị trí "thuyền trưởng".

Kể từ khi Ma từ chức Giám đốc điều hành Alibaba hồi năm 2013, ông đã dần rút khỏi các hoạt động hàng ngày của Alibaba. Điều này không cản trở sự phát triển của công ty. Alibaba đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia kinh doanh nhiều lĩnh vực gồm bán lẻ, dịch vụ tài chính, truyền thông và điện toán đám mây. Trong 5 năm qua, doanh thu của Alibaba tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 49%.

Doanh thu (gồm đóng góp từ nhiều mảng) của Alibaba qua các năm.

Phần lớn sự mở rộng kinh doanh gần đây của Alibaba đã được dẫn dắt bởi CEO Daniel Zhang, một lãnh đạo kỳ cựu với 12 năm làm việc tại công ty. Ông cũng là người đã phát động sự kiện mua sắm giảm giá Ngày độc thân (11/11) hàng năm và biến nó thành lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới, vượt qua sự kiện mua sắm Lễ Tạ ơn.

Daniel Zhang, người ít được biết đến bên ngoài công ty, sẽ ngồi vào ghế chủ tịch của Jack Ma vào tháng 9 tới giữa lúc công ty đối mặt với nhiều thách thức.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Alibaba, đang trải qua giai đoạn giảm tốc tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong gần 30 năm, làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng. Giới chức Trung Quốc cũng cũng muốn quản lý các công ty tư nhân trong nước chặt hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ.

Alibaba đang tìm kiếm động lực tăng trưởng trong tương lai tại các thị trường nước ngoài, vào thời điểm Washington và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ ngày càng khốc liệt. Các vấn đề này đã đặt ra những hoài nghi về khả năng Alibaba duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng ở thời kỳ hậu Jack Ma.

Trong khi công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của Alibaba vì quá phụ thuộc vào mảng kinh doanh thương mại điện tử.

Alibaba chịu áp lực ngày càng gia tăng về việc phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngoài mảng bán lẻ.

"Đó là vấn đề lớn nhất. Alibaba chưa tìm thấy mảng kinh doanh nào tốt hơn bán lẻ trực tuyến", Ming Lu, nhà phân tích tại mạng lưới tài chính Smartkarma ở Thượng Hải, nhận định.

Quá trình đi lên của Alibaba.
Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước lớn.

Tiến lên với công nghệ đám mây

Khác với Ma, vị chủ tịch tương lai của Alibaba - Daniel Zhang - lại cho thấy ông không mấy hứng thú với việc trở thành người phát ngôn của Alibaba. Mặc dù Zhang đảm nhận vị trí CEO được 4 năm, người đàn ông Thượng Hải này vẫn là gương mặt khá xa lạ với công chúng Trung Quốc, thậm chí là với nhà đầu tư, mặc dù đã phát biểu tại nhiều cuộc họp cổ đông.

"Tôi thích đi bộ trên đường phố và không ai có thể nhận ra tôi", Zhang nói trong cuộc phỏng vấn với The Information vào năm ngoái.

Đạo đức làm việc của Zhang, cùng với "tài năng tuyệt vời, sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng lãnh đạo quyết đoán" là những lý do Jack Ma chọn Zhang lãnh đạo công ty. Sáng kiến tiêu biểu của Zhang về lễ hội mua sắm Ngày độc thân 11/11 mang lại doanh thu 213,5 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 30,7 tỉ USD) chỉ trong vòng 24 giờ vào năm ngoái.

"Sẽ không dễ để điều hành một tập đoàn như Alibaba nhưng tôi chắc chắn 100% rằng Daniel Zhang sẽ làm việc đó tốt hơn tôi", Ma nói với các nhà đầu tư và nhân viên tại một hội nghị vào năm ngoái.

Đó thật sự là một doanh nghiệp toàn diện. Người Trung Quốc có thể mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba, nộp xin vay từ đơn vị tài chính của Alibaba, thanh toán bằng ví điện tử Alibaba và nhận hàng thông qua mạng lưới hậu cần của Alibaba.

Khi họ cảm thấy chán với các món đồ, họ có thể bán chúng trên nền tảng trao đổi hàng hóa cũ của Alibaba. Alibaba vận hành một cửa hàng siêu thị truyền thống gọi là Freshippo và một ứng dụng giao thức ăn. Một số bộ phim phát trên website trực tuyến, bao gồm Green Book, bộ phim đoạt giải Phim hay nhất Oscar năm nay cũng được sản xuất bởi Alibaba. Và tất cả các dịch vụ này đều được cung cấp bởi AliCloud.

Nhưng Zhang, 47 tuổi, vẫn đang tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới. Ông tập trung vào việc số hóa các cửa hàng truyền thống Trung Quốc và mở rộng các đơn vị điện toán đám mây, nơi lưu trữ một lượng lớn dữ liệu của các công ty khác.

Kể từ khi Alibaba gia nhập kinh doanh năm 2009, dịch vụ đám mây trở thành nguồn doanh thu lớn thứ hai của công ty. Doanh thu ở phân khúc này nhảy vọt 84% đạt 6,6 tỉ Nhân dân tệ trong quý 4.2018. Trong khi lĩnh vực này chỉ chiếm một phần doanh số Alibaba, Zhang cho rằng nó có thể tăng trưởng thậm chí vượt cả thương mại điện tử.

Thị phần điện toán đám mây của các hãng công nghệ tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

"Tôi nghĩ rằng dịch vụ đám mây sẽ trở thành ngành kinh doanh chính của Alibaba trong tương lai", Zhang nói với CNBC vào năm ngoái.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đang tìm cách thách thức các công ty công nghệ phương Tây ở châu Âu và Mỹ, nơi hãng đã mở thêm 4 trung tâm dữ liệu trong những năm gần đây.

Việc Washington cáo buộc các công ty công nghệ Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh đã thúc đẩy Alibaba tiến vào lĩnh vực điện toán đám mây. Chiến dịch gần đây của chính quyền Trump chống lại Huawei đã dẫn đến việc cấm các thiết bị viễn thông sản xuất tại Trung Quốc ở các quốc gia từ Nhật Bản đến New Zealand và Australia.

Alibaba từ chối bình luận về việc liệu việc tẩy chay Huawei có ảnh hưởng đến mảng kinh doanh đám mây quốc tế của hãng, và nói rằng không bình luận về các công ty khác. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng một số tác động là điều không thể tránh khỏi.

"Alibaba sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược" khi mở rộng hoạt động sang Mỹ và Châu Âu. Ngay cả Jack Ma cũng không thể thay đổi điều đó".

"Jack Ma chắc chắn là đại sứ tốt nhất của Alibaba trong nhiều năm qua, ông ấy chắc chắn có thể giúp Alibaba có những chính sách đối ngoại tuyệt vời. Nhưng cuối cùng, Ma và người kế nhiệm của đã không thể thay đổi những yếu tố chính trị phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc", Liu Ningrong, giáo sư và hiệu trưởng tại Học viện kinh doanh Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, cho biết.

Nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng các khách hàng dịch vụ đám mây, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn tập trung vào lợi nhuận, sẽ không bị ảnh hưởng bởi thay đổi ở thượng tầng.

Các lãnh đạo chủ chốt của Alibaba.
Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước lớn.

"Jack Ma là một đại sứ rất giỏi ứng phó với các chính quyền nước ngoài, nhưng ở mức độ kinh doanh với kinh doanh, rất khó mà đoán trước được", Jeffrey Towson, giáo sư đầu tư tại Đại Học Bắc Kinh, cho biết.

"Tôi nghĩ Alibaba không phải là một tập đoàn một người", ông nói thêm. "Mỗi người đều có vai trò của họ. Nếu Daniel Zhang không giỏi ở một lĩnh vực nào đó, sẽ có người khác đảm nhận việc đó".

Alibaba sẽ tồn tại hơn 3 thế kỷ?

Vai trò quan trọng nhất của Jack Ma, theo Towson, là đã xây dựng nên một nền văn hóa tại Alibaba đủ mạnh để phát triển mà không cần ông, một nhiệm vụ mà những người sáng lập các công ty công nghệ thành công khác vẫn đang phải thực hiện.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ đôi khi gặp khó khăn sau sự ra đi của những nhà sáng lập, bao gồm cả Microsoft trong những năm sau khi Bill Gates nghỉ hưu; hay Apple sau khi người sáng lập Steve Jobs bị buộc thôi việc năm 1985.

"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, chuẩn bị rất kỹ cho kế hoạch kế nhiệm này trong 10 năm qua", Jack Ma chia sẻ trong một lá thư gửi các cổ đông được công bố trên trang web của tập đoàn. Ông cũng từng nói rằng mình đã xây dựng Alibaba để tồn tại hơn 3 thế kỷ và đã đến thăm các nhà thờ, quân đội, các tổ chức khác để tìm hiểu cách xây dựng một tổ chức vững chắc lâu dài.

Những sự chuẩn bị đã được đền đáp, "Ma đã xây dựng một nền văn hóa vẫn phát triển mạnh mẽ kể cả khi có hay không có ông", Townson cho biết. "Jack Ma đã cố ý giảm đi ảnh hưởng của mình trong nhiều năm qua nhưng Alibaba vẫn đang phát triển toàn diện".

Hàng chục nhân viên, đối tác kinh doanh và quan sát viên của Alibaba nói với Nikkei rằng họ không nhận thấy bất kỳ sự đi xuống nào sau thông báo của Ma. Và ở Hàng Châu, sức hấp dẫn của Alibaba vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Trong những ngày đầu, có lẽ mọi người gia nhập Alibaba bởi vì Jack Ma", Stray Mao, 25 tuổi, nói. "Hôm nay, chúng tôi muốn đầu quân cho Alibaba bởi vì chính Alibaba".

David Dai, một nhà phân tích tại Bernstein Research, cho biết Alibaba vẫn sẵn sàng cho đà tăng trưởng mạnh mẽ, ông cũng lưu ý đến hệ sinh thái mạnh mẽ của tập đoàn này tại Trung Quốc và mảng kinh doanh điện toán đám mây đầy hứa hẹn. "Tôi tin rằng Alibaba có thể phát triển mạnh ngay cả sau khi Ma nghỉ hưu", ông nói. "Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có thay đổi lớn sau quá trình chuyển giao quyền lực này".

Tuy nhiên cũng có những người khác thận trọng hơn. Daniel Law, một nhà phân tích của công ty môi giới Trung Quốc Guotai Junan International, lưu ý rằng Alibaba đang đốt tiền mặt để nuôi dưỡng cơ hội tăng trưởng tiếp theo của mình.

"Làm thế nào để kiếm tiền từ các mảng kinh doanh mới hoặc làm sao để đạt được sự cân bằng giữa chi tiêu và tăng trưởng, có thể là một trong những câu hỏi mà Alibaba cần giải quyết trong tương lai", Law nói.

Nhưng Zhang, được Ma mô tả là đầy "can đảm để đổi mới", dường như không quan tâm. Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại học Thanh Hoa hồi tháng 4, Zhang khuyến khích sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh theo đuổi tầm nhìn dài hạn.

"Nếu bạn có thể nhìn thấy điều đó thì mọi người cũng đều có thể", Zhang nói. "Một doanh nhân thực sự có thể xác định một cơ hội, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho ngày mai".

Thúy Nguyễn / Nikkei Asian Review
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư