Sabeco sẽ là đối thủ "chiến lược" của AB-InBev tại thị trường bia Việt

Nhìn vào biểu đồ thị phần, Sabeco sẽ là đối thủ lâu dài và quan trọng nhất AB InBev hướng tới, họ sẽ đưa sản phẩm có thương hiệu toàn cầu như Budweiser nhằm cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp khác như Heineken, Sapporo.

Vì sao là Sabeco?

Sabeco sẽ là đối thủ chiến lược quan trọng của AB InBev tại Việt Nam do thị phần của Sabeco quá lớn và Sabeco là đối thủ dễ chơi hơn VBL (Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam). Vấn đề thứ hai, việc cạnh tranh với các thương hiệu bản địa cũng là những thế mạnh của AB Inbev khi họ đã có nhiều kinh nghiệm tại các thị trường tương tự. Lý do thứ ba, cạnh tranh với Sabeco giúp họ có cơ cấu giá tốt hơn.

Tại sao như vậy, khi thâm nhập vào thị trường, điều quan trọng của công ty mới là chiếm lĩnh thị phần vì vậy cơ cấu giá chỉ cần đủ chi phí khấu hao và biến phí. Nhà máy sẽ sản xuất phần lớn bia bản địa nhằm thu hồi chi phí khấu hao của toàn nhà máy và toàn bộ chi phí sản xuất của thương hiệu bia bản địa và một thương hiệu cao cấp. Nhờ vào quy mô lớn công ty sẽ có lợi thế về chi phí giá trên cả hai dòng bia cao cấp và dòng bia bản địa.


Đứng trên phương diện sản xuất, AB InBev có thể tận dụng các dây chuyền sản xuất tại khu vực lân cận sang Việt Nam để tận dụng lợi thế khấu hao. Trong trường hợp không thực hiện được, AB InBev cũng vẫn có chi phí tốt hơn do họ mua các nguồn nguyên liệu sản xuất bia với chi phí tốt hơn Bia Sài Gòn do khối lượng lớn hơn.

AB InBev là "tay chơi lớn" vì vậy họ sẽ hướng tới chiếm ít nhất 10- 15% thị phần trong vòng 3 năm tại Việt Nam. Để đạt con số đó họ sẽ cố gắng đẩy mạnh hai dòng sản phẩm bia cao cấp Budweiser và bia bản địa.

Khi đưa ra hai thương hiệu bia họ sẽ phủ được thị trường nhiều hơn và sử dụng hiệu quả các chương trình phát triển thị trường do yếu tố qui mô. Một lý do chiến lược quan trọng của Ab InBev đó chính là qui trình hoán chuyển – migration khách hàng từ các sản phẩm cạnh tranh chuyển sang các sản phẩm của công ty.

Ví dụ một khách hàng thường xuyên sử dụng bia có mức giá 200-220 ngàn đồng/thùng sẽ cân nhắc việc sử dụng thương hiệu bia thứ 2 thuộc về AB InBev do giá cả gần tương đương nhưng thương hiệu tốt hơn hẳn hoặc có những chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn. Một khi khách hàng đã quen với những sản phẩm cấp thấp của AB InBev họ sẽ có khả năng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm cao cấp như Budweiser. Cụ thể AB InBev có thể sẽ để giá sản phẩm bia bản địa với mức giá 200-260 ngàn đồng/thùng.

Theo suy nghĩ của tác giả, họ sẽ để giá cạnh tranh ngang với Sài Gòn Lon Xanh 260 ngàn đồng/thùng và khuyến mại với chi phí tới khách hàng cuối vào khoảng 200-230 ngàn đồng/thùng. Với mức giá này họ đánh cùng lúc hai sản phẩm quan trọng của Sabeco là lon 333 và Sài Gòn Xanh. Theo suy nghĩ của tác giả, họ sẽ đặt mục tiêu chiếm 7-10 % dòng bia có giá 200-260 ngàn một thùng và khoảng 3-5 % của dòng bia cao cấp cạnh tranh Heineken và Sapporo sau 3 năm.

Người tiêu dùng sẽ quyết định thành bại của các công ty bia Việt

Như đã trao đổi trong bài báo trước, một chiến lược marketing tốt sẽ tốn rất nhiều tiền tuy nhiên một chiến lược marketing hoành tráng chưa chắc đã hiệu quả. Một yếu tố rất quan trọng khi các công ty tiến hành những chiến dịch marketing tốn kém đó là Marketing là con dao hai lưỡi khi đồng thời truyền tải cả điểm mạnh và điểm yếu tới khách hàng...

Một ví dụ cụ thể nếu như Slogan của sản phẩm ngây ngô và không hấp dẫn, chiến lược marketing càng nhiều và càng quy mô thì càng làm cho nhiều khách hàng đọc, thấy và cảm nhận những sự ngây ngô đó trong thương hiệu sản phẩm.

Ví dụ các quảng cáo của Bia Sài Gòn mang dòng chữ “Niềm Tự Hào Của Việt Nam” chưa truyền tải được những điểm mạnh và thuyết phục tới tay người dùng. Vấn đề thứ hai của Slogan này đó là thật sự Bia Sài Gòn có là niềm tự hào không và đã qua kiểm chứng như thế nào?

Nếu như thương hiệu Bia Sài Gòn sử dụng “Hoàn Hảo Trước Thời Gian" nhấn mạnh một thương hiệu bia duy nhất ở Việt Nam đã tồn tại phục vụ cho khách hàng Việt Nam sẽ hiệu quả và mang ấn tượng mạnh hơn khi so sánh với các thương hiệu bia trên thị trường. Một ví dụ bia Heineken được thành lập vào năm 1863 chỉ sớm hơn có 8 năm với nhà máy bia Sài Gòn – năm 1875. Một vấn đề nữa còn tồn tại với Bia Sài Gòn đó là tới hẹn giá lại tăng lên vào những dịp tết lễ.

Đây là những ví dụ cụ thể trong rất nhiều ví dụ các doanh nghiệp Bia Việt Nam cần phải xem xét và hoàn thiện mình trước những đối thủ cạnh tranh lớn tại Việt Nam. Bia Sài Gòn là một thương hiệu rất mạnh trên thị trường Việt Nam, mang trong mình nó là 138 năm phục vụ cho người Việt Nam, chất lượng đã được xác lập và hệ thống nhà máy cùng với phân phối trên cả nước.

Như trong bài báo trước có phân tích, thời gian không còn nhiều với Sabeco. Điều quan trọng đối với Sabeco có vượt lên chính mình được hay không như các công ty Việt Nam như Vinamilk, Masan, Trung Nguyên,... đã thành công.

Trong cuộc chiến này, người tiêu dùng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng để quyết định thành bại cho các thương hiệu Việt Nam. Dù rằng các thương hiệu của chúng ta chưa trọn vẹn nhưng đó cũng là của Việt Nam. Nếu chúng ta không ủng hộ thì viễn cảnh người Việt Nam xài hàng ngoại ngay trên đất nước ta là một điều không thể tránh khỏi.

Nguồn Báo Giáo Dục