Mai Nguyên “giật mình”

Khi chạm đến mốc 6 cửa hàng chính, 6 cửa hàng liên kết thương hiệu, ông chủ hệ thống bỗng giật mình.

“Đã đến lúc, phải thay đổi”, anh nói vậy với mình và ngay sau đó, bắt tay xây dựng Flagship Store, dự án mà anh xem là lần khởi nghiệp thứ 2 của mình. “Nếu tính toán lời lỗ, chắc chắn sẽ không ai đầu tư cửa hàng theo kiểu này bởi chi phí vận hành Flagship Store rất lớn”, ông Nguyễn Hồng Châu, Tổng Giám đốc HTC Việt Nam, đánh giá về cú “chơi lớn” của ông chủ hệ thống Mai Nguyên.

Từ “đập hộp” đến bắt tay thương hiệu lớn

Tháng 5.2002, cửa hàng điện thoại di động Mai Nguyên chính thức hoạt động. Đây là kết quả hợp tác của những người bạn trẻ, cùng ôm ấp ước mơ bước chân vào kinh doanh ở một lĩnh vực rất... thời thượng. Tuy nhiên, chưa nhiều kinh nghiệm, lại liên tiếp gặp khó khăn, bạn đồng hành quyết định bỏ cuộc chơi, chỉ duy nhất, Mai Triều Nguyên ở lại, với quyết tâm tái thiết.

Cửa hàng Mai Nguyên Flagship Store trên đường Võ Thị Sáu, TP.HCM. Ảnh: QH.

Thuyết phục gia đình cho vay vốn để làm lại, trong tâm thế kinh doanh hoàn toàn mới, cuối năm 2006, Mai Triều Nguyên chính thức ra mắt Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghệ Di động Mai Nguyên, chuyên kinh doanh điện thoại di động, hàng công nghệ, linh kiện, phụ kiện điện thoại di động, sửa chữa điện thoại di động. Hơn 10 năm, từng bước một, Mai Nguyên đánh dấu sự hiện diện và chinh phục khách hàng bằng lợi thế cạnh tranh mà không một nhà bán lẻ nào trong nước có được: niềm đam mê công nghệ của người điều hành lẫn nhân viên.

Hầu hết sản phẩm công nghệ nào mới trình làng ở thị trường thế giới cũng sẽ được “đập hộp” ở Mai Nguyên, được mô tả chi tiết trên trang web và sau đó là trưng bày để bất kỳ khách hàng nào cũng có thể đến trải nghiệm sản phẩm mới. Những điểm cộng ấy từng bước giúp Mai Nguyên chinh phục khách hàng, đồng thời cũng định vị thương hiệu của Mai Nguyên giữa rất nhiều hệ thống lớn bán lẻ thiết bị di động khác.

Mai Triều Nguyên cho biết, cũng vì say sưa, thích khám phá công nghệ mà anh gầy dựng quan hệ rất tốt với nhà sản xuất. “Tôi không nghĩ mình là người phân phối mà là khách hàng trải nghiệm sản phẩm thuần túy. Sau đó, mới là chuyện bán hàng”, anh chia sẻ.

Cũng nhờ gắn kết tốt với nhà sản xuất, những cái tên lớn trong làng công nghệ như Samsung, Bose... lần lượt chọn Mai Nguyên làm đối tác trong mô hình liên kết. Thay mặt nhà sản xuất, Mai Nguyên là đơn vị vận hành các cửa hàng chính thức của hãng. Samsung Showcase, Samsung Store, Bose Store, Harman Store... những cửa hàng này chính là cánh tay nối dài giúp Mai Nguyên tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

Định vị lại sản phẩm cốt lõi

“Bắt tay với Bose đã là điểm mốc, đánh dấu bước đi khác của Mai Nguyên cách đây vài năm”, vị CEO mê công nghệ này tiết lộ. Theo đánh giá của anh, thị trường smartphone Việt Nam cùng với đà tăng trưởng trên thế giới không còn hấp dẫn, lượng máy bán ra không còn bùng nổ như trước và những nhà sản xuất từng làm mưa làm gió sân chơi này cũng lần lượt rời bỏ cuộc chơi. Vì điều đó mà Mai Nguyên quyết định phải định vị lại sản phẩm kinh doanh cốt lõi.

Theo khảo sát của Qualcomm, khoảng 75% người tham gia cho biết họ đã sở hữu hoặc có dự định sở hữu loại hình thiết bị nghe nhạc có kết nối thông minh. “Khi hạ tầng inernet phát triển hoàn thiện như hiện nay và smartphone đã được trang bị rộng khắp thì thiết bị âm thanh và thiết bị kết nối thông minh sẽ là nhu cầu của thị trường trong thời gian tới”, anh Nguyên cho biết. Bên cạnh đó, anh dự báo, thời gian tới, thiết bị gia dụng thông minh sẽ bùng nổ, mang đến thị trường những biến đổi hoàn toàn mới, buộc các đơn vị kinh doanh bán lẻ phải không ngừng thích ứng.

Đón đầu xu hướng, các cửa hàng của Mai Nguyên giờ là thế giới của những thiết bị công nghệ chính hãng với sự hiện diện của một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ở đó, khách hàng có thể tìm thấy những bộ âm thanh cao cấp giá lên đến cả trăm triệu đồng cho đến vòng đeo tay theo dõi sức khỏe, tai nghe, ốp lưng điện thoại, máy tính, loa di động cùng đĩa than, đĩa CD...

Không chỉ định vị lại sản phẩm, Mai Triều Nguyên mạnh dạn thay đổi cả cách trải nghiệm cho khách hàng. Bán căn hộ đang ở để có thêm vốn, mất 6 tháng chuẩn bị, anh trình làng Mai Nguyên Flagship Store, mô hình cửa hàng chuẩn mà các thương hiệu phân phối hướng đến. Cửa hàng này đậm chất công nghệ đến mức, gắn gần như toàn bộ là hệ thống điều khiển bằng giọng nói hỗ trợ Google Assistant và Siri để đến bất cứ chỗ nào trong cửa hàng khách hàng cũng có thể ra lệnh điều khiển đèn, quạt, máy lạnh, hệ thống rèm tự động.

Bên cạnh chi phí, mô hình Flagship Store còn đe dọa cả sự phát triển của hệ thống bởi khách hàng khó tránh khỏi so sánh và chọn cửa hàng trang bị công nghệ tối tân thay vì cửa hàng truyền thống. Mai Triều Nguyên khẳng định: “Tôi chấp nhận thách thức này và sẵn sàng hạ màn những cửa hàng Mai Nguyên bị chính Flagship Store đào thải. Vận hành một cửa hàng thật đỉnh tôi sẽ hạnh phúc hơn là làm tốt nhiều cửa hàng thông thường. Phát triển sâu vẫn hơn là rộng”.

Mục tiêu của cửa hàng theo mô hình Flagship là truyền tải hình ảnh, các giá trị của thương hiệu, đồng thời khẳng định đẳng cấp và thu hút sự chú ý. Câu chuyện của B&H, thương hiệu phân phối thiết bị công nghệ của người Do Thái, rất thành công trên đất Mỹ chỉ vận hành với duy nhất một Flagship Store tại New York cho khách trải nghiệm cũng chính là hình mẫu mà Mai Nguyên hướng đến. “Khi khách hàng đã có nơi để thỏa mãn trải nghiệm của mình về sản phẩm, chỉ cần làm tốt thông tin trên website, chú trọng dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng và giao nhận, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chinh phục và giữ chân được họ”, anh nói vậy.

Bước qua tuổi 40, Mai Triều Nguyên nói rằng, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất bởi anh đã thực hiện được 2 ước mơ mình ấp ủ. Ước mơ thứ nhất là chuyến chạy mô tô xuyên qua 7 tiểu bang ở Mỹ dài 6.400km chỉ trong 9 ngày mới đây. Ước mơ thứ 2 chính là Mai Nguyên Flagship Store để thỏa niềm đam mê dành cho công nghệ của mình. “Tôi có thể làm mọi thứ dù nhỏ, dù khó khăn hay thất bại cho đến khi tôi tìm ra thứ mà mình thực sự đam mê. Và tôi đã tìm thấy nó ở đây”, anh nói.

Đặng Quý Yên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư