Chặng đua rút của các chuỗi bán lẻ dược phẩm
Cuộc đua giữa các chuỗi cửa hàng dược phẩm đang dần gay cấn khi các doanh nghiệp nội lẫn ngoại đang đẩy nhanh quy mô để giành thị phần trong “chiếc bánh” thị trường ước tính có giá trị 6,5 tỉ USD/năm. Một tham vọng lớn hơn nữa, từ kênh dược phẩm sẽ mở rộng sang thị trường lớn hơn, bao gồm cả sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 hồi tháng 3, bà Nguyễn Bạch Điệp - chủ tịch HĐQT FPT Retail cho biết, sau hai năm mua lại Long Châu - một thương hiệu nhà thuốc lâu năm tại TP.HCM, số nhà thuốc đã tăng từ 4 lên 22. Nhưng chưa đầy ba tháng sau, trả lời phỏng vấn của Forbes Việt Nam, bà Điệp cho biết chuỗi Long Châu đã mở được 35 nhà thuốc tại TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang. Trung bình mỗi cửa hàng mang về doanh thu 1,6 tỉ đồng/tháng, hòa vốn hoặc có lời sau sáu tháng hoạt động.
FPT Retail là một trong những “vận động viên” sung sức trong cuộc đua mở chuỗi bán lẻ dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp đang ngày càng gay cấn, đặc biệt ở TP.HCM và Hà Nội. "Chúng tôi sẽ tăng tốc để đạt chuỗi 70 cửa hàng năm nay và mở rộng đến các tỉnh thành trong mục tiêu đến 2022 đạt 700 cửa hàng." bà Điệp khẳng định.
Các chuỗi càng tăng tốc nhanh hơn khi “ông lớn” kinh doanh đa ngành Vingroup gia nhập cuộc chơi. Tốc độ của VinFa "áp đảo" các nhà kinh doanh đi trước, cuối năm 2018 họ đồng loạt khai trương 11 nhà thuốc VinFa tại Hà Nội thì đến cuối tháng 5 đã tăng lên 38 cửa hàng, chuẩn bị khai trương đồng loạt hàng chục cửa hàng khác tại TP.HCM. 150 dược sĩ đầu tiên cho chuỗi VinFa tại TP.HCM đã được tuyển dụng xong và các thông báo rao tuyển vẫn đang tiếp tục.
Thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2019 ước đạt quy mô 6,5 tỉ USD, theo đánh giá của Business Monitor International. Trong đó, thị trường thuốc không kê toa (OTC) ước 1,6 tỉ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là 9,5%/năm. Theo nhận xét của bà Điệp, quy mô tiêu dùng dược phẩm hàng năm vào khoảng 4,5 tỉ USD, tương đương quy mô thị trường điện thoại di động và mức độ tăng trưởng luôn ở mức hai con số.
Nếu như cuối năm 2017, Pharmacity mới mở cửa hàng thứ 78 ở TP.HCM thì hiện chuỗi nhà thuốc này đã vượt con số 200 cửa hàng, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra. Họ cũng vừa khai trương hai cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội cuối tháng 5, trong kế hoạch mở 30 cửa hàng ở phía Bắc đến cuối 2019. Tại thời điểm công bố nhận đầu tư từ Mekong Capital hồi đầu tháng 5, họ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới lên gấp 5 lần trong khoảng thời gian tương đương: đạt hơn 1.000 cửa hàng vào năm 2021.
Không công bố số vốn đầu tư, nhưng Mekong Capital cho biết "sẽ giúp Pharmacity tiếp tục cải thiện hoạt động và mở rộng hệ thống trên cả nước”. Chad Ovel – tổng giám đốc của Mekong Capital đánh giá: “Pharmacity là nhà bán lẻ dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam cho thấy tất cả mọi quy định và nguyên tắc trong ngành này có thể được tuân thủ mà chuỗi vẫn đạt được lợi nhuận từng cửa hàng đều đặn.”
Không chỉ các doanh nghiệp nội, các đại gia ngoại cũng chen chân vào lĩnh vực này. Tiên phong ở thị trường này có thể thấy, nhà bán lẻ thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ Century Pharma của Indonesia. Chuỗi cửa hàng Century Healthcare đã hình thành sau khi nhà bán lẻ này mua lại chuỗi nhà thuốc Vistar, hiện 24 cửa hàng đang hoạt động, đặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của TP.HCM như Bitexco, Saigon Centre, Aeon Mall, Giga Mall...
Trong một thông cáo nội bộ, tập đoàn mẹ Pharos Indonesia cũng cho biết đang mở rộng sản xuất dược phẩm sang Việt Nam với nhà máy 6.000m2 đang được xây dựng tại Bình Dương. Pharos đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam vì “đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”.
Xu thế của các chuỗi bán dược phẩm cho thấy mở rộng kênh bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sức đẹp. Một kênh quan trọng của thị trường hướng đến tiêu dùng cá nhân mà hiện đang được chiếm lĩnh bởi hai chuỗi lớn là Guardian và Medicare. Nhiều công ty cả nội lẫn ngoại đều đang đón đầu xu hướng này và đẩy mạnh kênh sản phẩm này trong chính chuỗi bán dược phẩm.
Thông cáo nội bộ của Pharos cho biết, khi hoàn thành nhà máy, họ sẽ sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, sau đó mới mở rộng sang sản xuất dược phẩm. Công ty đã tuyển xong những nhân sự chủ chốt để quản lý nhà máy. Nhiều chuyên gia đánh giá, thuốc điều trị bệnh đối với người dân là kênh tất yếu nhưng xu hướng tiếp cận các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ban đầu đang hình thành rõ rệt tại Việt Nam.
Cho rằng với chuỗi dược phẩm thì thực phẩm chức năng và mỹ phẩm có tỉ suất lợi nhuận cao nhất, và xu hướng chung của nhiều chuỗi nhà thuốc thành công trên thế giới là đẩy mạnh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, bà Điệp nói Long Châu cũng sẽ phát triển theo xu hướng đó, nhưng hiện tại vẫn tập trung chủ yếu vào kinh doanh thuốc.
Theo bà Điệp, hiện vẫn đang ở giai đoạn người dân chủ yếu quan tâm đến bệnh tật. Trong tương lai, khi sức mua người dân ngày càng cao, họ sẽ chú trọng chi tiêu cho mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh... "Bây giờ, người dân đang chủ yếu trả tiền để chữa bệnh nhiều hơn là phòng bệnh.” bà Điệp nói.
Cũng tận dụng kinh nghiệm vận hành chuỗi bán lẻ để mở rộng sang mảng dược phẩm, trước đó, Thế Giới Di Động đã bổ sung mảng dược phẩm vào hệ sinh thái kinh doanh khi mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (nay là An Khang), nhưng chuỗi này hiện có 11 nhà thuốc, không còn nằm trong chiến lược ưu tiên của Thế Giới Di Động.
Chia sẻ với báo chí hôm qua, 20.6, ngay tại trụ sở công ty, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, hiện tại An Khang chưa phải là ưu tiên lớn nhất của Thế Giới Di Động. Thay vào đó, công ty dồn “binh tài tướng mạnh” cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. “Chúng tôi không muốn ôm đồm, nếu đổ dồn đầu tư vào An Khang sẽ làm suy yếu Bách Hóa Xanh. Giữa thị trường vài tỉ đô và 50 tỉ đô, quá dễ dàng để đưa ra lựa chọn ưu tiên.”
Đối với chủ tịch Thế Giới Di Động, thị trường bán lẻ dược phẩm chịu sự điều chỉnh pháp luật quá nhiều, trong khi thực tế việc kinh doanh dược phẩm không kê toa còn nhiều bất cập. “Để chiều lòng khách hàng, nhiều hiệu thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh tự do; hay những cửa hàng thuộc chuỗi dược phẩm nhưng vẫn phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể, hoặc đăng ký riêng lẻ từng cửa hàng… Cuộc chơi trong ngành này vẫn còn ‘lung bung’ lắm,” ông Tài viện dẫn.
Tuy nhiên ông Tài vẫn cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là thị trường "khủng". Vì thế, chiến lược hiện tại của Thế Giới Di Động là “giữ một chân” trong ngành này để chờ cơ hội liên doanh, liên kết, nhất là sẽ chú trọng mở rộng sang mảng thực phẩm chức năng, vitamin… "Đây mới là thị trường ‘khủng’. Khi người dân ý thức chú trọng sức khỏe cao hơn, thị trường này sẽ bùng nổ. Khi đó, chúng tôi sẽ vào cuộc, và vào cuộc rất nhanh", ông khẳng định.
Bích Trâm
Nguồn Forbes Vietnam