Savills: ‘Bán lẻ đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng thu hồi vốn lại chậm’

Savills Việt Nam cho rằng thị trường bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dư địa phát triển vẫn còn và doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh hợp lý.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ tại thị trường Hà Nội lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng. Những khu vực trước đây thiếu mặt bằng bán lẻ thì nay đã có các dự án phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm và giải trí.

Đối với thị trường TP.HCM, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so quý II/2018.

Thị trường ghi nhận sự phát triển mạnh của các mô hình bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại thay vì các mô hình truyền thống như chợ và bách hóa.

Savills: ‘Ban le doi hoi dau tu nhieu nhung thu hoi von lai cham’ hinh anh 1

Thị trường bán lẻ trong nước cạnh tranh khốc liệt, một số thương hiệu lớn đã phải rút khỏi Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng - Quỳnh Trang.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của thị trường bán lẻ trong nước.

Theo bà, quy mô dân số lớn bên cạnh đó là tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội và TP.HCM cao, thu nhập gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm, giải trí.

Hà Nội và TP.HCM hiện có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp

So sánh với các thị trường trong khu vực, bà Hằng khẳng định Hà Nội và TP.HCM hiện có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, cho thấy nhiều dư địa phát triển. “Một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thị trường sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực phát triển và thành công”, vị Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam lại chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu mặt bằng bán lẻ cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn, tạo đà thay đổi cục diện đầu tư, thói quen mua sắm tại một số địa phương, khu vực mà việc quy hoạch này đang diễn ra một cách thụ động.

“Chi phí đất cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm bất động sản khác như nhà ở. Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh với các thị trường ở quốc gia khác đối với các mặt hàng cao cấp, bởi tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng mua sản phẩm cao cấp tại nước ngoài”, bà Hằng cho biết.

Tại Việt Nam, bên cạnh một số doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh và thành công, thị trường bán lẻ còn chứng kiến sự đến và đi của nhiều tên tuổi. Savills Việt Nam nhận định câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, đồng thời tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại.

Văn Hưng
Nguồn Zing News