Thế Giới Di Động sẽ đổi tên, đặt cược tăng trưởng vào Bách Hóa Xanh

“Sẽ đến lúc MWG không còn mang tên Thế Giới Di Động bởi doanh thu sẽ không còn phụ thuộc vào ngành hàng điện tử, điện thoại. Chúng tôi sẽ đổi tên, vấn đề là thời điểm”.

Ông Trần Kinh Doanh, tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã nói như vậy khi trả lời đại diện Dragon Capital - quỹ nắm giữ cổ phần MWG hơn 5 năm qua, về việc cân nhắc đổi tên công ty khi mảng điện thoại hiện không còn là động lực tăng trưởng chính.

Thay vào đó MWG đặt tham vọng vào Bách Hóa Xanh, lĩnh vực tiềm năng đang dựa vào thị trường bán lẻ với quy mô hàng năm ước đạt đến 100 tỉ USD riêng với ngành hàng tiêu dùng.

Thế Giới Di Động sẽ đổi tên, đặt cược tăng trưởng vào Bách Hóa Xanh - ảnh 1

Tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh được tích hợp ngành hàng gia dụng. Ảnh: Tuyết Ân

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư và báo chí chiều 9.8, ông Doanh cho biết, tính đến hết tháng 7.2019, Bách Hóa Xanh đạt mốc 700 cửa hàng với doanh số 1.000 tỉ đồng/tháng. "Hiện 2/3 cửa hàng đang hoạt động tại TP.HCM, chúng tôi sẽ tăng lên 1.500 cửa hàng mới có thể đáp ứng nhu cầu của riêng TP.HCM”, ông Doanh cho hay.

Với tốc độ này, dự kiến đến cuối 2019 có thể đạt 1000 cửa hàng và đạt điểm hòa vốn trên mỗi cửa hàng.

Theo ông Doanh, xét về năng lực hiện khả năng huy động mặt bằng, nhân sự có thể mở mới trung bình 50-60 cửa hàng mỗi tháng. Với tốc độ này, dự kiến đến cuối 2019 có thể đạt 1000 cửa hàng và đạt điểm hòa vốn trên mỗi cửa hàng. "Nếu đạt được chuỗi 6.000-8.000 cửa hàng, Bách Hóa Xanh có thể chiếm 15% thị phần ngành hàng này”, ông Doanh nói.

Tăng trưởng nhanh khiến giới đầu tư lo ngại MWG gặp phải áp lực lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên ban lãnh đạo MWG khẳng định lợi nhuận không phải là vấn đề trong ngắn hạn mà vấn đề quan tâm nhất là chất lượng mặt bằng, vị trí đặt cửa hàng, cùng với đó là khối lượng nhân sự mới khổng lồ để đáp ứng tốc độ mở mới. "Lợi nhuận không liên quan đến chiến lược mở rộng chuỗi mà quan trọng là mạng lưới và thị phần”, ông Doanh nói.

Bách Hóa Xanh hiện mở hai loại cửa hàng, loại chuẩn 150m2 và loại lớn 300m2 cho doanh thu tháng trung bình lần lượt 1,4 và 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên theo ông Doanh có những shop đầu tư cao nhưng không hiệu quả. “Vì vậy, sẽ bỏ khái niệm cửa hàng chuẩn, dựa trên doanh thu, lượng khách để đầu tư”, ông Doanh nói.

Theo người điều hành MWG, các giải pháp chính vẫn là làm sao mua được hàng hóa rẻ hơn được cung cấp tại nguồn, cải thiện logistics để giảm chi phí. Đặc biệt là dùng công nghệ để giảm nhân công, giảm thời gian chuẩn bị hàng cho một cửa hàng từ 3 giờ xuống còn 1 giờ.

Một thử nghiệm khác của Bách Hóa Xanh là áp dụng mô hình cửa hàng kết hợp giữa kinh doanh thực phẩm với hàng gia dụng tại một số cửa hàng có diện tích lớn 300m2, dự kiến tăng doanh thu 30% so với trước đó.

Vấn đề khó nhất ở TP.HCM theo ông Doanh là mặt bằng, trong khi ở các tỉnh thì về chi phí logistics. Bách Hóa Xanh đang đẩy mạnh kết hợp với các nhà cung cấp địa phương nhằm giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ cho kế hoạch trọng tâm năm 2020 là mở rộng chuỗi đến khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung. Còn kế hoạch “Bắc tiến”, ông Doanh kỳ vọng sớm nhất từ sau năm 2021.

“Mục tiêu năm nay có khoảng 200 điểm bán đồng hồ, tăng lên 500 điểm vào giữa năm 2020”.

Bên cạnh tập trung vào Bách Hóa Xanh, MWG cũng tìm kiếm động lực tăng trưởng bằng cách mở rộng các ngành hàng mới như đồng hồ, mắt kính. Hiện đã có khoảng 50 cửa hàng di động và điện máy tích hợp bán các mặt hàng này. “Mục tiêu năm nay có khoảng 200 điểm bán đồng hồ, tăng lên 500 điểm vào giữa năm 2020”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, người phụ trách ngành hàng điện máy - điện thoại cho hay.

Đại diện MWG cũng xác nhận việc mở chuỗi điện thoại giá rẻ, tuy nhiên nhấn mạnh mới chỉ thử nghiệm mô hình tại quận Gò Vấp ở những khu vực dân cư tập trung. Mục tiêu trước mắt là phân khúc khách hàng chi tiêu thấp và xa hơn là nhắm đến 20% thị phần điện thoại do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang nắm giữ.

Cổ phiếu MWG tăng khá mạnh thời gian qua. Kết phiên cuối tuần 9.8, MWG dừng ở mức 115.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 37% so với thời điểm đầu năm.

Nhi Phạm
Nguồn Forbes Vietnam