Quyền năng ABCD

Quyền năng ABCD

“Quyền năng” ABCD sẽ quyết định con đường chuyển đổi nền kinh tế số của Việt Nam.

Không chỉ những căng thẳng xung quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới có thể đe dọa đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn một làn sóng ngầm khác, đã len lỏi mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới: đó là xu hướng ABCD (A.I, Blockchain, Cloud và Data). Những doanh nghiệp nào nắm trong tay khả năng kiểm soát ABCD sẽ có được quyền năng vượt trội so với các đối thủ cùng ngành.

Sức mạnh của ABCD

Năm 2014, tỉ phú Bill Gates từng ước tính giá trị của trí thông minh nhân tạo (A.I) và máy học (Machine Learning) sẽ lớn gấp 10 lần công ty Microsoft của ông nhưng các chuyên gia cho rằng giá trị hiện nay đã lớn hơn rất nhiều so với những gì người sáng lập Microsoft dự đoán. Theo ông David Lang, Cố vấn cao cấp của YellowBlocks, đến năm 2020, sẽ có 40 Zettabyte dữ liệu được sinh ra, tương đương 75 lần số lượng cát phủ trên Trái đất. Động lực tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp đang ở trong đống cát này. Vấn đề là làm sao doanh nghiệp có thể nắm bắt được nó.

“Quyền năng ABCD” nói đơn giản là những dữ liệu doanh nghiệp có được, phải được lưu trữ như thế nào để có thể truy xuất mọi nơi và đủ thông minh cũng như độ tin tưởng để đưa ra bức tranh chân thực nhất về những khách hàng tương lai của họ, hoặc đem lại công suất xử lý đủ để tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã làm rất tốt điều này. Điển hình như nhà mạng AT&T (Mỹ), nhờ vào A.I và khả năng học máy, bộ phận cảnh báo lỗ hổng của Công ty có thể phân tích 5 tỉ hoạt động bảo mật trong 10 phút. Chưa dừng lại ở đó, để cải thiện việc chăm sóc khách hàng, AT&T đã đưa A.I vào Charlie, hệ thống trả lời tự động theo ngữ cảnh. Kết quả thu về khá khả quan với Charlie khi đã tiết kiệm được 48% chi phí hỗ trợ khách hàng, tăng tốc độ giải quyết lên 53% cùng khả năng xử lý hơn 30.000 email mỗi tháng để tiếp cận khách hàng mới. Chỉ trong 6 tháng đưa Charlie vào sử dụng, AT&T đã tăng được doanh thu lên 15%.

Đối với ngân hàng, bảo vệ dữ liệu khách hàng là điều tối quan trọng. Shinhan, một trong những ngân hàng lâu đời nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc, đã phát triển một hệ thống dựa trên công nghệ Blockchain để tăng cường bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng. Hay như IBM đã đưa hệ thống Trust Your Supplier (TYS) được xây dựng bằng công nghệ Blockchain vào hoạt động nhằm giảm nguy cơ lừa đảo và sai sót trong quá trình sản xuất. Hiện tại, IBM có hơn 18.500 nhà cung cấp trên toàn thế giới và họ dự đoán sẽ giảm 70-80% thời gian với các nhà cung cấp mới, giảm 50% chi phí hành chính trong hoạt động kinh doanh của họ.

Những đột phá công nghệ không còn trong phim ảnh mà đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Dẫn báo cáo của EY Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn doanh nghiệp, Ernst & Young Việt Nam, cho biết, trong năm 2018, đã có 171 triệu người sử dụng dùng công nghệ thực tế ảo để mua hàng, 15 triệu lượt sử dụng mỗi ngày tính năng chuyển từ màn hình sang văn bản của YouTube (năm 2017). Ngay cả việc chăm sóc sức khỏe, những vị bác sĩ cũng đang bị các thiết bị kỹ thuật số lấn át vai trò khi chúng có thể sử dụng dữ liệu lập được bản đồ theo dõi sức khỏe trọn đời cho chủ nhân của chúng. Ước tính có 98 triệu thiết bị chăm sóc sức khỏe đeo tay sẽ được tiêu thụ vào năm 2021.

“Để trả lời câu hỏi doanh nghiệp của bạn hướng đến tương lai nào của người tiêu dùng, rõ ràng, doanh nghiệp phải nắm bắt và ứng dụng được các xu hướng công nghệ đang diễn ra”, ông Đức cho biết. “Nhưng mọi chuyện sẽ không dừng lại, quyền năng ABCD sẽ càng trở nên hữu dụng đối với doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2025 nhờ sự xuất hiện của công nghệ 5G”, ông David Lang nhận định. Theo đó, 5G sẽ đẩy nhanh sự phát triển của thành phố thông minh, nhà thông minh và xe thông minh. Điều này sẽ phát sinh thêm rất nhiều dữ liệu liên quan đến khách hàng. Những doanh nghiệp nào chậm chân trong việc sử dụng dữ liệu phân tích khách hàng sẽ mất đi lợi thế trong cuộc chiến sắp tới.

“Những kẻ phá bĩnh”

Cuộc chiến dữ liệu và công nghệ đã hình thành những doanh nghiệp nhỏ nhưng có khả năng đe dọa những doanh nghiệp khổng lồ. Tình hình này cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Báo cáo mới công bố của ESP Capital (Việt Nam) và Cento (Singapore) cho thấy số thương vụ giao dịch lẫn số vốn đầu tư trong nửa đầu năm 2019 đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2017. Nếu như cùng kỳ năm 2018 có tổng cộng 53 thương vụ gọi vốn thành công với tổng giá trị 444 triệu USD thì trong nửa đầu năm nay đã có 58 thương vụ thành công với số vốn 246 triệu USD. Trong đó 3 khoản đầu tư lớn nhất vào Tiki, VNPay và VNG đã chiếm 63% tổng vốn.

“Ước tính trong năm nay sẽ có 800 triệu USD đổ vào các công ty khởi nghiệp”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Quỹ ESP Capital, nói. Mảng bán lẻ và thanh toán chiếm đến 60% các khoản đầu tư. Trong một diễn biến khác, mới đây, Grab cũng công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Số tiền này sẽ dùng vào việc phát triển các ứng dụng thanh toán, hạ tầng giao nhận và công nghệ di động. Cũng lưu ý thêm, những công ty khởi nghiệp là nhóm sở hữu phần lớn các lợi thế của ABCD nhờ vào lợi thế là các công ty công nghệ. Những startup này được gọi là “những kẻ phá bĩnh” bằng công nghệ, trong đó thể hiện rõ sức mạnh của ABCD. Họ đang tạo áp lực mạnh mẽ lên các công ty đối thủ theo mô hình truyền thống, như câu chuyện của Grab và Vinasun hay nhóm khách sạn truyền thống đang đối mặt với sự xâm lấn của các công ty ứng dụng công nghệ trong việc quản lý khách sạn như OYO, RedDoorz...

Chẳng hạn, chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, Logivan hiện đã có mạng lưới lên đến hơn 30.000 đối tác vận tải và hàng trăm đơn hàng đăng tải mỗi ngày. Bà Phạm Khánh Linh, CEO của Logivan, giải thích: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong Logivan là giúp cho các xe tải chở hàng kết nối với nhau hiệu quả hơn, giá phải chăng”. Hiện tại, Logivan đang thu thập được rất nhiều dữ liệu về chuỗi cung ứng, ví dụ như xe đi từ đâu tới đâu, đi bao nhiêu chuyến mỗi tháng, cũng như khách hàng, chủ hàng nào trả tiền muộn... Về phía chủ xe, Công ty đang thu thập dữ liệu xem xe đi lại có sẵn hay không, kỹ năng lái xe như thế nào…, thậm chí còn thu thập dữ liệu trong tương lai là tuổi thọ xe, loại lốp gì, cần loại GPS gì. Đây là những dữ liệu hữu ích giúp doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu của chủ xe cũng như khách hàng.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Huy, CEO của startup Finhay, đang xây dựng nền tảng giúp người dùng tích lũy một phần thu nhập dù chỉ là 50.000 đồng vào sản phẩm tài chính để đạt được các mục tiêu trong tương lai. Sử dụng nguồn dữ liệu có được để đánh giá khẩu vị rủi ro, Finhay có thể đưa ra đề xuất về cấu trúc phân bổ vào các hạng mục tài sản phù hợp với khẩu vị rủi ro đó. Phương thức được xây dựng dựa trên lý thuyết của Harry Markowitz, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 1990.

Đáng chú ý, startup này đã nhận được vốn rót gần 1 triệu USD từ Quỹ Insignia Ventures Partners, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Đông Nam Á. Hiện 18 trong tổng số 25 quỹ tại Việt Nam đã có mặt trên hệ thống Finhay, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như SCA (của Công ty quản lý quỹ SSI), ETFVN30, VF1 (của Công ty quản lỹ quỹ Việt Nam VFM)... “Sự phát triển của các fintech là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và fintech sẽ có rất nhiều cơ hội để mở rộng tại Việt Nam”, ông Huy nhận định. Thực tế, thị trường công nghệ tài chính ở Việt Nam hiện vô cùng sôi động khi bắt nhịp được trào lưu 4.0 và sự thay đổi công nghệ toàn cầu. Một số mô hình về cổng thanh toán điện tử, ví điện tử đang phát triển mạnh như Moca, MoMo, OnePAY... Cùng với các startup như Finhay, những Fintech “phá bĩnh” này sẽ thay thế và bổ sung dần cho ngành tư vấn, đầu tư tài chính truyền thống trong tương lai. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình, bởi một lượng lớn tiền của nhà đầu tư sẽ chuyển sang các kênh tự động.

Tuy vậy, theo ông Keir Veskivali, sáng lập Smartly Pte, hiện nay, việc ứng dụng A.I trong ngành tài chính gần như bằng không hoặc tất cả mới chỉ bắt đầu. Nguyên nhân là dữ liệu của thị trường tài chính Việt Nam chưa đủ nhiều để ứng dụng AI. Nguồn vốn và dữ liệu là 2 thách thức lớn nhất cho các startup ứng dụng công nghệ A.I. “Chỉ 1% các startup trên thế giới đang sử dụng công nghệ A.I”, ông Keir Veskivali nhấn mạnh.

Ông Phạm Thanh Đức, CEO MoMo, chia sẻ về khó khăn khi ứng dụng AI vào ví điện tử MoMo của mình: “MoMo đang xây dựng nền tảng A.I, tức là chưa làm gì A.I cả mà chỉ mới xây dựng những thứ rất cơ bản, như đang tuyển người và xây dựng nền tảng. Khoa học dữ liệu là lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam, rất khó tuyển dụng. Vì vậy, MoMo phải sang Thung lũng Silicon để tuyển trong 2 năm qua”.

Bước khởi đầu của Việt Nam

Khó khăn của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi ứng dụng “quyền năng của ABCD” cũng là khó khăn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Đề án quốc gia về chuyển đổi số, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm.

Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) nhận định, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỉ USD năm 2015, tăng lên 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Úc) cũng khẳng định, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong phân chia chiếc bánh doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của YellowBlocks, điểm tích cực là hầu hết các doanh nghiệp trong 50 công ty doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam đều công nhận chuyển đổi số là điều cần thiết cho sức khỏe nền kinh tế quốc gia. Các nhà lãnh đạo nhóm doanh nghiệp này hiểu rằng việc bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ với các quốc gia khác là rất cần thiết.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp nên bắt đầu với “bước đầu tiên của chuyển đổi số” đó là nghiên cứu (Research), học hỏi (Learn) và thực hành (Practice) (RLP). Sau khi đã thành công tại bước “RLP”, họ có thể làm ra sản phẩm/dịch vụ mới và xác định được những cơ hội kinh doanh mới để tạo những giá trị khác biệt. Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực về chuyển đổi số khi họ sử dụng Internet vạn vật (IoT) cho phép tự đưa ra quyết định trong kiểm soát chất lượng...

Tuy nhiên, ông David Lang cho biết, rất nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ liên quan đến công nghệ. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp bắt đầu sử dụng công nghệ Blockchain, IoT, A.I, máy học, nền tảng đám mây thì có thể được gọi là chuyển đổi. Thực tế, chuyển đổi số còn bao gồm việc tạo ra những giá trị mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc bộ máy và cách thức vận hành. “Các doanh nghiệp nên nhớ rằng vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số là con người. Nó không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ mới mà còn đòi hỏi sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp sang cách thức kinh doanh mới để tạo ra nguồn doanh thu mới, giá trị mới cho họ”, ông David Lang tư vấn.

Huy Vũ - Trung Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư