Cà phê là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc
Đến nay, chẳng còn gì ngại ngần để nói rằng mặt hàng cà phê nói riêng và nhiều nông sản thương phẩm nói chung là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cung-cầu ổn, giá vẫn rớt
Tại sao dám mạnh dạn quy kết như thế? Xét về yếu tố cung-cầu, mức độ thặng dư cà phê trong niên vụ 2018-2019 là không đáng kể nhưng giá trên hai sàn cà phê lại rớt “cất đầu không lên”. Sàn kỳ hạn arabica New York có lúc rớt xuống mức sâu nhất trong gần 14 năm nay, còn sàn robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường phải sử dụng để tham chiếu - đang về mức thấp nhất trong vòng gần 9 năm rưỡi. Cụ thể, đáy giá sàn robusta ngày 12-8 chạm 1.261 so với 1.188 đô la Mỹ/tấn lập vào tháng 3-2010.
Báo cáo định kỳ phát hành vào tháng 8-2019 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho thấy nguồn cung ứng và nhu cầu thế giới vẫn khá cân đối. ICO ước sản lượng niên vụ 2018-2019 ở mức 168.766 triệu bao (bao = 60 kg) tăng 1,9% và tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng 2,1% đạt 164.843 triệu bao, gần 4 triệu bao cách biệt(1). Con số thặng dư như vậy là không nhiều vì chưa đủ để dự phòng nhỡ khi có một biến cố bất kỳ nào đó xảy ra tại một vài nước sản xuất như sương muối, hạn hán, bão lũ đe dọa đến nguồn cung ứng cà phê. Thế nhưng, giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê cứ liên tục tạo đáy mới.
Dù vô can, mua bán vẫn bị “vạ”
Trong khi đó, quan hệ mua bán mặt hàng cà phê giữa hai nước tham chiến Mỹ - Trung Quốc ở mức không đáng kể. Trong sáu tháng đầu niên vụ, Mỹ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Brazil, Colombia, Việt Nam, Peru và một số nước nhỏ khác(2), còn Trung Quốc - nước truyền thống uống trà - mới đây đã sản xuất được cà phê với sản lượng chừng từ 150.000 tấn mỗi năm, đủ để tiêu thụ trong nước. Như vậy, có thể hiểu rằng dẫu hai bên có “đánh đấm” nhau gì đi nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thương mặt hàng cà phê giữa hai quốc gia cũng chẳng đến nỗi phải làm giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn “kiệt quệ” như hiện nay.
Kiệt quệ đến mức nào? Lợi suất đầu tư trên hai sàn cà phê robusta London và arabica New York giảm thảm hại. Nếu tính đến thời điểm khóa sổ ngày 27-8-2019, chỉ trong vòng một năm, nhà kinh doanh nào mua cà phê trên sàn London hay trữ chờ giá phải chịu lỗ ít nhất 18,95% và riêng từ một tháng trở lại đây lỗ đến 6,57%, tương ứng như thế tại sàn New York là 16% và 9,51%(3).
“Ruồi muỗi” chết oan
Các nước xuất khẩu và hàng trăm triệu nông dân trồng cà phê trên thế giới than khôn xiết, còn các nhà phân tích thị trường đều phải vò đầu bứt tai vì giá cả chạy nhảy không tài nào kiểm soát được.
Chuyện ngược đời ở đây là tỷ lệ tăng của sản lượng và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu khá cân bằng, hai nước sản xuất hàng đầu có ít cà phê hơn, vậy mà giá vẫn giảm.
Cho đến giờ, nhiều người kinh doanh cà phê còn tin mạnh mẽ rằng yếu tố cung-cầu phải chi phối giá thị trường và dựa vào cung/bán, cầu/mua, qua đó giá trên sàn kỳ hạn thường xuất hiện những kênh tăng hay giảm theo những quy tắc kỹ thuật rất chặt chẽ.
Nhưng chuyện ngược đời ở đây là tỷ lệ tăng của sản lượng và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu khá cân bằng, hai nước sản xuất hàng đầu có ít cà phê hơn, vậy mà giá vẫn giảm. Từ tháng 7-2019, Brazil đã bắt đầu năm kinh doanh mới 2019-2020 với một năm mất mùa theo chu kỳ năm được năm mất, trong khi đó Tổng cục Thống kê ước rằng khối lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong bảy tháng đầu năm giảm 9,6%, chỉ đạt 1,06 triệu tấn.
Trong hơn một năm qua, các lần giá giật xuống trên sàn đều gắn liền với những cú “ăn miếng trả miếng” giữa hai đấu thủ Mỹ - Trung Quốc trong cuộc thương chiến.
Đáy sàn kỳ hạn London xuất hiện vào ngày 13-8-2019 tại mức 1.261 đô la/tấn có thể chỉ là tạm thời sau cả một quá trình đấu đá bằng cách áp thuế nhập khẩu hàng hóa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, và chiêu độc là Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) vào ngày 5-8 với 1 đô la Mỹ (USD) ăn trên 7 CNY (số 7 này được cho là mức biểu tượng của cặp tỷ giá USD - CNY).
Khi chưa kịp hoàn hồn chỉnh lên từ đáy ấy, hai sàn kỳ hạn phải quay đầu giảm về khu vực thấp và có nguy cơ phá đáy khi về “vùng trũng” trong ngày giao dịch 23-8-2019 tại mức 1.273 để đóng cửa ở mức 1.279 đô la/tấn, do phía Mỹ bất ngờ quyết định tăng thuế suất từ 25% lên 30% trên 250 tỉ đô la giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc để phản ứng lại ngón đòn trước đó của Trung Quốc đánh thuế lên 75 tỉ đô la hàng hóa từ Mỹ.
Quay lại đầu tháng 4-2017 khi hai nhà lãnh đạo hai quốc gia này gặp nhau tại Florida (Mỹ) với lời ra tiếng vào Mỹ sẽ áp đặt thuế nhập khẩu lên các mặt hàng thép và nhôm, sàn kỳ hạn robusta đang thế ổn định, thì bấy giờ chỉ trong một tuần, giá đi từ 2.169 xuống 1.839 đô la/tấn. Ngay sau đó, thị trường lấy bình tĩnh và tăng lại. Nhưng rồi đến đầu tháng 8-2017, khi Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỉ đô la giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc đã đáp trả với 60 tỉ đô la hàng từ Mỹ trong khung từ 5-25%, thì giá cà phê robusta lại một phen rớt từ 2.156 xuống 1.949 đô la/tấn. Cuối tháng 10-2017, giá cà phê sụp đổ hoàn toàn từ 1.991 xuống 1.765 đô la/tấn khi Mỹ chính thức áp thuế lên 250 tỉ đô la và Trung Quốc áp thuế lên 60 tỉ đô la hàng hóa của nhau.
Như vậy, cứ một lần hai đấu thủ ra tay, không chỉ giá cà phê mà còn nhiều sàn hàng hóa thương phẩm đều phải chịu “chết oan”.
Tìm một cách ứng xử
Rõ ràng giá cà phê hiện nay đa phần chịu chi phối do các yếu tố bên ngoài cung-cầu. Chính vì thế, nhiều người cho rằng họ hầu như mất phương hướng, có nhà xuất khẩu phải ngưng mua bán giao dịch từ ba bốn tháng nay.
Giá cà phê hiện nay đa phần chịu chi phối do các yếu tố bên ngoài cung-cầu. Chính vì thế, nhiều người cho rằng họ hầu như mất phương hướng, có nhà xuất khẩu phải ngưng mua bán giao dịch từ ba bốn tháng nay.
Trước đây, công cụ tránh rủi ro tốt nhất của nhà kinh doanh cà phê là thường chỉ cần tìm hiểu, phân tích tình hình cung cầu và theo dõi các yếu tố kỹ thuật. Nhưng nay hoàn toàn khác vì thị trường có quá nhiều yếu tố bất ngờ trong khi nguồn thông tin lại quá chậm. Các đoạn “tweets” của ông Donald Trump hay quyết định của Chính phủ Trung Quốc chỉ đến với nhà kinh doanh trong nước khi thị trường đã giải quyết và xử lý xong.
Sàn cà phê và nhiều sở giao dịch phái sinh nông sản thương phẩm hiện nay thực ra là những hãng kinh doanh tài chính khổng lồ, có đầy đủ phương tiện như chuyên gia phân tích và máy móc, có bộ phận phân tích dữ liệu lớn (big data), kinh doanh trên nhiều sàn khác nhau để bảo vệ rủi ro “có qua có lại”.
Nên chăng, đối với những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam với số vốn không mạnh, chỉ thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ so với nhiều đồng nghiệp của mình trên thế giới, cần thoát ly dù là tạm thời khỏi “vùng nóng” là sàn kỳ hạn càng nhanh càng tốt.
(1) ICO: Báo cáo hàng tháng (8-2019) “Global coffee prices drift downwards in July 2019” trên https://icocoffeeorg.tumblr.com/
(2) Như trên
(3) barchart.com
Nguyễn Quang Bình
Nguồn The Saigon Times