CEO Vinamit: Đưa công nghệ "vì sự sống" vào nông sản hữu cơ

CEO Vinamit: Đưa công nghệ vì sự sống vào nông sản hữu cơ

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, bắt đầu câu chuyện về quá trình nghiên cứu và phát triển nông sản hữu cơ trong gian bếp đầy màu sắc của mình, nơi chứa nhiều dụng cụ pha chế và các loại trái cây, rau củ từ mới thu hoạch đến sấy khô thành bột hoặc sấy lạnh để giữ nguyên hương vị. Ông bảo sau 5 năm "đóng cửa" nghiên cứu, bây giờ đang mở cửa ra để nói với mọi người rằng đã có thể mang cả vườn rau củ quả vào bếp.

Vị Tổng Giám đốc của Vinamit kể về các chuyến đi tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường Trung Quốc gần đây, ông nhận thấy xu hướng phát triển ngành hàng thực phẩm khô ăn liền nơi đó khá tương đồng với thị trường Việt Nam.

Cụ thể, để khắc phục điểm hạn chế về suy giảm chất lượng của nông sản tươi do quá trình vận chuyển dài ngày, các nhà sản xuất đã áp dụng giải pháp sấy đông khô, sấy lạnh. Rồi để phục vụ sự gia tăng nhu cầu thức ăn kiêng giảm cân, nhà sản xuất cũng ứng dụng giải pháp sấy khô, hoặc sấy lạnh các loại rau củ và trái cây để đảm bảo giữ lại dưỡng chất mà không làm tăng lượng chất béo, lượng muối hay lượng đường khi chế biến thực phẩm... Thực tế này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu và phát triển của Vinamit trong những năm qua và vì thế, các dòng sản phẩm của công ty đã được đón nhận tại thị trường đông dân này.

Theo ông, con đường ngắn nhất để chinh phục thị trường thế giới và vào được những hệ thống siêu thị lớn toàn cầu là sản phẩm hữu cơ (organic). Organic là xu hướng đã phổ biến trong lĩnh vực nông sản từ thập niên 1990 và được ông Viên ấp ủ từ lâu, nhưng Vinamit mới bắt tay hiện thực hóa chỉ từ 5 năm nay. Liệu Vinamit có quá “tham lam” khi tự thực hiện mọi quy trình từ gieo trồng, bảo quản, chế biến và phân phối khi nhiều nhà đầu tư khác đã sớm bỏ cuộc?

Ông Viên cho biết yêu cầu quan trọng nhất khi sản xuất organic là ruộng đất sạch, đủ dinh dưỡng, nguồn nhân lực hiểu và làm đúng quy trình chăm sóc cây. Chưa tìm được đơn vị đáp ứng các yêu cầu trên nên Vinamit phải tự tìm tòi và thực hiện toàn bộ thay vì chỉ là “trung gian giữa người canh tác và người tiêu dùng” như lâu nay.

“Những người làm nông nghiệp theo nông pháp hữu cơ nghiêng về con đường làm khoa học hơn là kinh doanh. Đường đi của nông nghiệp hữu cơ chính là đường đi đến sự bùng bổ về giá trị bền vững hơn là giá trị tiền tệ. Mà đây là xu thế tất yếu, là trách nhiệm với tương lai trong bối cảnh hóa học đang ám ảnh đời sống của con người”, ông Viên tâm sự.

Lời chia sẻ nói trên của ông Viên cũng chính là tôn chỉ về những giá trị mà Vinamit theo đuổi trong suốt 30 năm thăng trầm cùng ngành nông nghiệp Việt Nam.

Organic là sản phẩm được nuôi trồng, bảo quản và chế biến không dùng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp hay các chất hóa học. Khi chia sẻ ý định trồng cây theo mô hình này, ông Viên vấp phải nhiều sự phản đối và nghi ngờ. Không còn cách nào khác, vị Tổng Giám đốc đích thân xuống ruộng làm nông dân mỗi ngày, vừa làm vừa đào tạo cho nhân viên.

Bước đầu tiên trong canh tác hữu cơ là có được đất sạch và đủ dinh dưỡng, theo cách nói của ông Viên là “người phải nuôi đất, đất nuôi cây rồi cây lại nuôi người”. Ông Viên hào hứng chia sẻ quy trình nuôi đất theo cách của mình. Ban đầu, những xe ủi đất với độ sâu từ 1-1,2 m, sau đó đổ hỗn hợp vỏ trái cây, xơ dừa, cây gỗ xay vụn, phân bò… xuống hố để tạo mùn cho đất. Tuy nhiên, các nguyên liệu này cũng không dễ kiếm. Chẳng hạn, toàn bộ vỏ dừa khô Lương Quới có chứng nhận organic được Vinamit bao tiêu chở về nông trang mỗi ngày.

Người dân nuôi bò quanh vùng được khuyến khích cắt cỏ organic trên trang trại của Vinamit cho bò ăn, rồi bán lại phân cho công ty. Các loại cây, lá, rơm… được băm nhỏ để cung cấp nguồn gỗ mùn hữu cơ cho đất. Mỗi năm, lớp đất mặt được nuôi trùn quế và tiếp tục phủ hỗn hợp cung cấp dinh dưỡng lên. Bằng cách làm này, mỗi năm, đất tăng được từ 1-2% độ mùn và đã có khoảng 200 ha đất ở trang trại Vinamit đáp ứng được yêu cầu đất sạch cho sản phẩm organic.

Sau khi thu hoạch, nông sản được cấp đông nhanh bằng công nghệ IQF (Individual Quick Frozen), sau đó chế biến bằng các phương pháp như chiên khí, chiên chân không và sấy thăng hoa rồi đóng gói. Toàn bộ quy trình sau thu hoạch cũng phải đáp ứng quy chuẩn organic, tức là xử lý mà không thêm vào bất kỳ hóa chất nào, kể cả đường, chất bảo quản, chất tạo độ chua… để giữ nguyên độ tự nhiên của sản phẩm. “Tôi tin rằng khi người tiêu dùng sử dụng nhiều sản phẩm organic, khẩu vị của họ sẽ phân biệt được sự khác biệt của organic với sản phẩm thông thường. Từ đó, nhu cầu đối với organic sẽ nhiều hơn, mở đường cho sự phát triển rộng rãi của dòng sản phẩm này”, ông Viên cho biết.

Với thế mạnh trong lĩnh vực trái cây sấy, ông Viên cho rằng, Vinamit có thể tạo giá trị gia tăng ít nhất 50% so với sản phẩm thông thường. Dù đặt mục tiêu chuyển dịch 100% thành sản phẩm organic, nhưng hiện năng suất của sản phẩm organic mới đạt 300 tấn so với công suất 10.000 tấn/năm của Vinamit. “Do đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người tham gia vào phong trào organic, nhất là người trẻ để xu hướng này trở thành trào lưu và tương lai Việt Nam có được những cánh đồng organic rộng rãi là điều tôi luôn ấp ủ”, ông Viên chia sẻ.

Từ ý tưởng ban đầu đến nay, ông Viên cùng Vinamit đã trải qua hơn 30 năm thăng trầm. Với trải nghiệm đủ lâu trong ngành nông nghiệp, ông mong muốn cần phải đồng bộ về mục đích giữa các thành phần xã hội cũng như cơ quan quan lý nhà nước thì mới phát triển bền vững và có bản sắc hơn. Nếu người dân muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhà nước lại lựa chọn nông pháp hóa học thì không ổn. Hay doanh nghiệp muốn làm hữu cơ nhưng buộc phải làm hóa học theo mục đích lợi nhuận… thì rất khó để có một nền nông nghiệp bền vững.

Ông chia sẻ những băn khoăn của mình về khái niệm, định nghĩa nông nghiệp công nghệ cao. “Công nghệ cao không đơn thuần chỉ là canh tác trên diện tích lớn sử dụng cơ giới hóa với máy bay rải phân, tưới nước... mà phải gắn liền với sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đạt chuẩn hay không? Công nghệ cao hiện nay gắn liền với công nghệ vi khuẩn, lợi khuẩn, ở nghĩa nào đó nó là cách ức chế và sống cùng vi khuẩn có lợi chứ không triệt tiêu vi khuẩn bằng hóa học. Tôi rất mong muốn nền nông nghiệp phải được thống nhất trên hệ sinh thái này, đó mới là mấu chốt để tạo nên bản sắc nông nghiệp ở Việt Nam”, ông nói.

Lựa chọn nông nghiệp hữu cơ, một nhánh rẽ cần đầu tư quy mô và bài bản trong thời gian dài, nhưng ông Viên không cho rằng điều này là dễ dàng hay khó khăn, bởi làm nông nghiệp hữu cơ phải xuất phát từ niềm đam mê, nếu không cũng là hướng đến giá trị đóng góp cho cộng đồng trước hết rồi mới tìm kiếm lợi nhuận.

Cửa hàng hữu cơ Vinamit.

“Tôi đã từng mất 150 tỉ đồng khi không tìm ra được phương pháp để ức chế vi khuẩn. Nói vậy để thấy những người làm nông pháp hữu cơ nghiêng về còn đường làm khoa học hơn là kinh doanh. Không hẳn là nhà khoa học thuần chất mà đây là đòi hỏi tất yếu của doanh nhân, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nếu mình không muốn bị bỏ lại phía sau hay bị nuốt chửng với các doanh nghiệp ngoại thì phải sáng tạo, mà để sáng tạo trước hết phải hiểu rõ về những điều mình làm”, ông Viên kể. Đường đi của nông nghiệp hữu cơ chính là đường đi đến sự bùng bổ về giá trị bền vững hơn là giá trị tiền tệ. Mà đây là xu thế tất yếu của tương lai trong bối cảnh hóa học ám ảnh đời sống của con người.

Trong các cuộc giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp, ông Viên thường đề cập đến yếu tố” muốn sáng tạo thành công phải phá với giới hạn an toàn”. Trong bối cảnh xã hội bây giờ có rất nhiều bạn trẻ được bao bọc rất kỹ từ gia đình ra đến xã hội thì điều phá vỡ giới hạn an toàn khi trưởng thành là cần thiết. Nếu cuộc sống chỉ hoàn toàn là một chuỗi sắp xếp từ người lớn thì thực sự còn đâu sự sáng tạo. “Chúng ta cần thay đổi và để thành công chỉ có sự thay đổi từ lớp trẻ, và đối tượng chịu thay đổi cũng là lớp trẻ vậy tại sao chúng ta không kích thích họ thay đổi một cách tích cực. Muốn lớp trẻ kiến tạo giá trị thì hãy để họ phá những vỏ bọc rập khuôn theo đúng trình tự. Đó cũng là quan điểm giáo dục của tôi với con cái, hay đào tạo nhân viên trao cho họ nền tảng và cơ hội sáng tạo, tương lai của doanh nghiệp không nằm trong một “vùng an toàn”.

Giá trị cốt lõi và văn hóa của Vinamit là làm ra những sản phẩm thật, giá trị thật vì chỉ khi làm được như vậy mới có thể dung dưỡng được niềm đam mê cho cả tập thể. Còn chuyện lợi nhuận có lẽ sẽ có những phép tính phù hợp để cân đối. Một sản phẩm có giá trị và được điều tiết tốt thì ắt hẳn sẽ tạo ra doanh số và lợi nhuận.

Cách thức để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài và được đón nhận, theo ông Viên, không có cách nào khác ngoài việc cho người tiêu dùng thử. Sau bước này doanh nghiệp có thể đo lường được mức độ đón nhận thông qua mật độ người dùng ghé thử và quay lại tìm sản phẩm của doanh nghiệp ra sao. Sản phẩm càng độc đáo, càng nổi bật và có giá trị thì càng được lan truyền tốt. Vì vậy, Vinamit sử dụng phương pháp này nhiều hơn là bỏ tiền quảng cáo trên các kênh truyền thông. Về cơ bản, sản phẩm xanh và lành mạnh sẽ tạo doanh thu như một “bản năng” tự nhiên.

Hiện tại, sản phẩm của Vinamit đang được đón nhận tích cực hơn cả tại thị trường Đài Loan. Có giai đoạn lượng đặt hàng của thị trường này khoảng 7 container/năm nhưng thời điểm đó năng lực sản xuất của Vinamit chỉ tầm 4 container. Đây cũng là thị trường thúc đẩy Vinamit đầu tư về quy mô sản xuất và 3 năm sau lấp đầy được nhu cầu tại đây. Ngay sau đó thị trường Mỹ cảm thấy thích thú với sản phẩm và sự bùng nổ lớn nhất là tại Trung Quốc.

Ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất thì vấn đề nguồn nguyên liệu đang được Vinamit chú trọng. Chỉ riêng về mít doanh nghiệp có đủ, vì cây mít được trồng rất nhiều nơi trải dài từ Bắc đến Nam nên nguồn nguyên liệu rất phong phú. Đối với các sản phẩm khác Vinamit cũng không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu, nhưng chủ động kiểm soát. Để đảm bảo chất lượng khi sản lượng tăng đột biến, doanh nghiệp phải chia nhỏ nhà máy sản xuất ra để giảm tải cho nhà máy chính, và mở thêm vài nhà máy ở Bình Dương, Kiên Giang với quy trình và công nghệ đồng nhất để bảo đảm chất lượng khi sản xuất ở bất kỳ đâu. Thậm chí, sử dụng một nhà máy để sản xuất chuyên một loại sản phẩm.

Nhìn lại một chặng đường đã qua, với ông Viên, giai đoạn đầu tiên là "ăn xổi", đây không phải là một ý nghĩ tiêu cực, đó là giai đoạn tìm mọi cách để tăng trưởng nhanh nhất để rễ cọc tài chính của doanh nghiệp cắm sâu hơn vào thị trường để đứng vững. Tiếp theo sẽ là giai đoạn kết hợp giữa ăn xổi ở thì và đầu cơ đó được xem như là phát triển các rễ chùm để bám chắc hơn ở thị trường. Vượt qua được hai giai đoạn này có được số vốn vững chắc rồi có lẽ doanh nhân sẽ nghĩ đến một giá trị tích cực hơn với những sản phẩm đàng hoàng hơn. Đây là giai đoạn phải học rất nhiều từ quản trị, marketing, nghiên cứu và phát triển (R&D)… để tạo ra một sản phẩm thực sự tâm huyết. Giai đoạn thứ 4 có lẽ là doanh nghiệp nghĩ đến giá trị cộng đồng họ cần phải thực hiện khi vượt qua 3 giai đoạn trước đó.

Và Vinamit, theo ông, đang ở ranh giới giữa giai đoạn 3 và 4. Đồng thời, vị doanh nhân yêu công việc đồng áng này cũng nghĩ đến một giai đoạn thứ 5 là mình sẽ trở thành một người lui hẳn về sau để làm định hướng tư vấn cho thế hệ tiếp theo.

Việt Dũng - Yên Minh
Nguồn Saigon Times