Cơn nguy khốn của ngành ô tô kìm hãm tăng trưởng toàn cầu

Cơn nguy khốn của ngành ô tô kìm hãm tăng trưởng toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua cơn nguy khốn. Một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là tình trạng khó khăn tạm thời do môi trường vĩ mô bất ổn.

Nhưng trong thực tế, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm một phần là do ngành công nghiệp ô tô vấp phải những cản lực mang tính cấu trúc, làm tăng chi phí sản xuất và kìm hãm doanh số.

Với sức ảnh hưởng khổng lồ, ngành ô tô, vốn trong tình trạng suy yếu, đang tạo ra rủi ro đối với kinh tế thế giới. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới công bố trong tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính ngành ô tô đóng góp 5,7% cho tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và 8% giá trị thương mại thế giới mỗi năm.

Theo IMF, doanh số ô tô toàn cầu suy giảm là nguyên nhân lớn khiến tăng trưởng GDP và giá trị thương mại toàn cầu tăng chậm lại vào năm ngoái.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s nhận định doanh số ô tô toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và năm sau. Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết khi doanh số ô tô bắt đầu giảm, mọi người không nghĩ rằng đà giảm kéo dài như vậy.

Tình trạng bão hòa ở các thị trường phát triển gây khốn đốn cho các hãng xe.

Bà cho rằng ngành ô tô đang đối mặt với sự chuyển đổi tốn kém sang các dòng xe ít gây ô nhiễm và có lượng khí thải carbon thấp hơn, cũng như tình trạng bão hòa ở một số thị trường lớn vì dân số già, thu nhập tăng trưởng chậm và sự cạnh tranh của các hình thức đi lại thay thế chẳng hạn như dịch vụ dùng chung xe.

“Các cản lực này kéo dài dai dẳng hơn so với dự kiến của chúng tôi”, bà cho biết.

Ngành ô tô là "khách hàng" quan trọng của nhiều hàng hóa từ thép, nhôm, đồng, cao su, nhựa cho đến điện tử. Nhiều nước xem ngành ô tô có tầm quan trọng chiến lược đối với các lợi ích quốc gia và bảo vệ nó bằng cách thiết lập quyền sở hữu nhà nước, trợ cấp, dựng lên các hàng rào thuế quan hay đặt ra các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Trong khi đó, các nhà chính trị phản ứng rất nhanh nhạy đối với các vấn đề của ngành ô tô. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực bảo vệ ngành ô tô Mỹ bằng cách siết chặt các điều kiện đối với ô tô nhập khẩu miễn thuế từ Mexico và Canada, áp thuế đối với xe được sản xuất tại Trung Quốc, đe dọa áp thuế với xe từ châu Âu và Nhật Bản và chỉ trích các thương hiệu của Mỹ đang chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Nhiều dòng xe mới không thể ra mắt tại Tây Âu do không đáp ứng các tiêu chuẩn mới về khí thải. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu khí thải CO2 của xe hơi mới ở châu Âu phải giảm 20% vào năm 2021.

Trong một báo cáo gần đây, nhà phân tích Arndt Ellinghorst của Công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI, cho biết công nghệ cần thiết để giúp giảm mức khí thải theo yêu cầu của EU có thể khiến chi phí sản xuất mỗi chiếc xe tăng thêm 800-5.000 euro, tương đương khoảng 5-11% giá bán mỗi chiếc xe của BMW, Daimler hay Audi.

Ellinghorst dự báo cho dù giá bán rốt cục chỉ tăng thêm 2-5% thì điều này cũng khiến doanh số xe suy giảm 2-5%.

“Các nhà sản xuất sẽ phải tăng giá bán ở các thị trường đã bão hòa, nơi mà khách hàng đang nhạy cảm với giá. Nếu không thành công, họ sẽ đón nhận những đòn trừng phạt đớn đau”, ông cho biết.

Doanh số xe ở châu Âu và Nhật Bản và Mỹ đã đạt đỉnh từ lâu và rơi vào trạng thái bão hòa.

Các rủi ro tương tự cũng đang treo lơ lửng ở các thị trường khác. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu ngành ô tô phải đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải mới về khí nitrogen oxide độc hại vào năm sau. Quy định này sẽ làm tăng giá bán xe ở Ấn Độ, nơi người dân cực kỳ nhạy cảm với giá cả.

Bên cạnh đó, tình trạng bão hòa ở các thị trường phát triển cũng gây khốn đốn cho các hãng xe. Doanh số ô tô ở châu Âu và Mỹ lần lượt đạt đỉnh vào năm 2000 và 2016, trong khi đó, người dân Nhật Bản bắt đầu giảm mua xe từ cách đây hơn 25 năm.

Các hãng xe kỳ vọng, các thị trường mới nổi sẽ bù đắp cho các mức doanh số trì trệ ở các nước phát triển. Tuy nhiên, doanh số xe ở Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt giảm 12 và 14% kể từ khi đạt đỉnh vào giữa năm 2018.
Thị trường ô tô ở hai nước này đang phải trả giá vì khuyến khích người dân chưa đủ giàu mua xe bằng các khoản vay quá dễ dàng trong những năm trước đây.

Theo quan điểm của Michael Dunne, Giám đốc điều hành ZoZo Go, nhà tư vấn thị trường ô tô châu Á, với dân số 1,4 tỉ người, thị trường Trung Quốc còn lâu mới bão hòa. Tuy nhiên, phần lớn những người dân đủ khả năng mua xe đều sống ở các thành phố lớn thuộc bờ biển phía đông Trung Quốc.

Dunne cho biết thị trường ô tô ở các thành phố này đã bão hòa vì các chính quyền địa phương hạn chế đăng ký xe mới, trong khi đó, giá xe điện trở nên quá đắt đỏ sau khi không còn được nhà nước trợ giá.

Chánh Tài (Theo Wall Street Journal)
Nguồn Saigon Times