Thương vụ 4 tỉ đô đốt nóng thị trường giao đồ ăn toàn cầu

Thương vụ 4 tỉ đô đốt nóng thị trường giao đồ ăn toàn cầu

Công ty khởi nghiệp giao đồ ăn Delivery Hero (Đức) vừa đồng ý chi 4 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm Woowa Brothers, công ty khởi nghiệp giao đồ ăn của Hàn Quốc. Đây là thương vụ thâu tóm có giá trị lớn nhất thế giới trong mảng giao đồ ăn dựa vào nền tảng trực tuyến.

Trong khi đó, Uber đang đàm phán bán mảng giao đồ ăn Uber Eats tại Ấn Độ sau khi rút khỏi thị trường Hàn Quốc.

“Ngã vào vòng tay đối thủ” để tồn tại

Hôm 13-12, Delivery Hero (DH) cho biết chấp thuận mua lại Woowa Brothers (WB) với giá 4 tỉ đô la, để giúp công ty này cạnh tranh tốt hơn và mở rộng kinh doanh khắp châu Á cũng như củng cố vị thế nền tảng giao đồ ăn lớn nhất bên ngoài Trung Quốc xét theo lượng đơn hàng.

WB được thành lập vào năm 2010 tại Seoul và cung cấp dịch vụ dưới thương hiệu Baedal Minjok. Hiện nay, Baedal Minjok là ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc với 8 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Trong 12 tháng trước tháng 10-2019, Baedal Minjok đã thực hiện 365 triệu đơn hàng. Hồi tháng 6, WB đã chính thức ra mắt phiên bản Việt hóa của ứng dụng giao đồ ăn Baedal Minjok tại TPHCM.

WB cho biết công ty này chấp nhận lựa chọn “ngã vào vòng tay đối thủ” như là một chiến lược để tồn tại trong một thị trường cạnh tranh quá khốc liệt.

Logo của Woowa Brothers (trái) và logo của Delivery Hero. Ảnh: Korea Tech Desk

Bongjin Kim, người sáng lập WB, cho rằng thị trường giao đồ ăn dựa vào nền tảng trực tuyến của Hàn Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Đa số khách hàng ở nước này vẫn đặt đồ ăn bằng cách gọi điện thoại.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Barclays nhận định, thâu tóm WB có thể giúp DH thiết lập vai trò dẫn đầu ở một thị trường giao đồ ăn hấp dẫn. Tại Hàn Quốc, ứng dụng giao đồ ăn Yogiyo của DH chỉ đứng thứ hai sau ứng dụng Baedal Minjok của WB.

Với mật độ dân số đông đúc và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cao, Hàn Quốc là thị trường giao đồ ăn trực tuyến lớn thứ 4 thế giới. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy thị trường đặt mua đồ ăn trực tuyến và giao tận nơi hoặc khách hàng tự đến nhận của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong năm năm qua, lên con số 5,9 tỉ đô la, lớn hơn thị trường Nhật Bản và Đức gộp, chỉ đứng sau các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Anh.

Euromonitor dự báo thị trường này của Hàn Quốc có thể nhảy lên con số 9 tỉ đô la vào năm 2023.

Song ngành này đang chứng kiến sự cạnh tranh rất rát từ các đối thủ khác như Coupang Eats, nền tảng giao đồ ăn của công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc Coupang, được Tập đoàn SoftBank hậu thuẫn tài chính.

Uber đàm phán bán mảng giao đồ ăn tại Ấn Độ

Thương vụ Delivery Hero-Woowa Brothers càng làm nóng thêm cuộc chiến giành giật thị phần giao đồ ăn trực tuyến trên toàn cầu.

Các công ty giao đồ ăn hoạt động dựa vào nền tảng trực tuyến trên thế giới đang chạy đua thâu tóm và sáp nhập đồng thời thu hút thêm vốn đầu tư khi người tiêu dùng đang dần chuyển sang xu hướng đặt mua và yêu cầu giao đồ ăn đến nhà hoặc văn phòng làm việc của họ.

Giới nhà đầu tư đã rót 8,2 tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp giao đồ ăn dựa vào nền tảng trực tuyến trong năm 2018, theo công ty nghiên cứu thị trường PitchBook.

Châu Á được xem là một thị trường giao đồ ăn đang “nóng" khi tầng lớp trung lưu trong khu vực càng mở rộng và có thể đóng góp thêm hàng trăm triệu khách hàng mới mỗi năm cho các công ty giao đồ ăn. Tuy nhiên, khai quật tiềm năng này là rất tốn kém và hầu hết các công ty giao đồ ăn trong khu vực vẫn thua lỗ. Chẳng hạn, nền tảng giao đồ ăn trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Meituan Dianping, lỗ ròng đến 1,2 tỉ đô la vào năm ngoái do “đốt tiền” để giành thị phần với nền tảng giao đồ ăn Ele.me của Alibaba.

Tại Ấn Độ, Uber Eats đang đuối sức trong nỗ lực bắt kịp hai đối thủ bản địa Swiggy và Zomato. Trang tin Tech Crunch hôm 16-12 dẫn các nguồn tin cho hay Uber đang đàm phán bán lại mảng kinh doanh giao đồ ăn tại Ấn Độ cho Zomato với giá khoảng 400 triệu đô la.

Uber đang đàm phán để bán lại mảng giao đồ ăn UberEats tại Ấn Độ cho đối thủ bản địa Zomato. Ảnh: Business Today

Ngoài ra, Uber cũng có thể đầu tư thêm 150-200 triệu đô la vào Zomato để nắm một lượng cổ phần lớn tại Zomato. Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Zomato sắp hoàn tất vòng gọi vốn mới để huy động thêm 600 triệu đô la. Hiện Zomato đang giao 1,3 triệu suất đồ ăn mỗi ngày từ 150.000 nhà hàng trên khắp Ấn Độ.

Sự cạnh tranh giữa các nền tảng giao đồ ăn cũng đặc biệt gay gắt ở Đông Nam Á, nơi sinh sống của 600 triệu người. Google, Grab (Singapore) và Go-Jek (Indonesia) đang chạy đua khuyến mãi ở mảng giao đồ ăn trực tuyến tại các thị trường trong khu vực nhờ sự hậu thuẫn tài chính của các nhà đầu tư lớn như SoftBank và Google.

Tại châu Âu, hai nền tảng giao đồ ăn trực tuyến lớn ở Hà Lan là Takeaway.com và Prosus đang cạnh tranh nâng giá để thâu tóm nền tảng giao đồ ăn Just Eat của Anh, có mức định giá hơn 6 tỉ đô la.

Hồi đầu năm nay, Công ty giao đồ ăn trực tuyến Deliveroo (Anh) đã huy động được 575 triệu đô la từ một nhóm nhà đầu tư do Amazon dẫn đầu để mở rộng sự hiện diện ở châu Á. Đồng thời, Deliveroo cũng thu hẹp hoạt động kinh doanh tại châu Âu và đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn tại Đức vào đầu mùa hè vừa qua vì không đủ sức cạnh tranh với thương hiệu Lieferando của Takeaway.com.

DH cũng đã bán mảng giao đồ ăn ở Đức cho Takeaway.com vào năm ngoái để đổi lấy tiền mặt và cổ phần ở công ty này.

Lê Linh
Nguồn Saigon Times