Dấu ấn những thương vụ M&A ‘đình đám’ tại thị trường Việt Nam trong thập niên qua

Dấu ấn những thương vụ M&A ‘đình đám’ tại thị trường Việt Nam trong thập niên qua

Thương vụ Thai Beverage chi 4,8 tỷ USD mua 53,59% cổ phần Sabeco là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử M&A tại Việt Nam.

Năm 2019 qua đi, khép lại 1 thập kỷ chứng kiến sự bứt phá của kinh tế Việt Nam. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, động thái cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã trở thành động lực thúc đẩy thị trường M&A phát triển.

Cùng VietnamFinance điểm lại 10 thương vụ giá trị nhất Việt Nam trong thập kỷ vừa qua (2010-2019).

1. ThaiBev và Sabeco

Tháng 12/2017, công ty Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan chi 4,8 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng mua mua 53,59% Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đây không chỉ là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử M&A tại Việt Nam tính đến nay, theo bình chọn của Diễn đàn M&A Việt Nam mà còn là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á.

Thương vụ ThaiBev mua hơn 53% vốn Sabeco đã vượt qua thương vụ 4 tỷ USD hồi năm 2012 khi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBev.

Thương vụ này là yếu tố quan trọng để thị trường M&A Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD năm 2017

Với lịch sử hơn 140 năm, sở hữu các thương hiệu có tiếng như Saigon Beer và 333 Beer, Sabeco hiện nắm giữ 41% thị phần ngành bia Việt Nam. Sabeco cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.

2. GIC Private Limited và Vinhomes

Tháng 4/2018, quỹ GIC đã đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.

Toà nhà Landmark 81 của Vinhomes.

GIC là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam, tiêu biểu là các khoản đầu tư vào Masan Group (khoảng 5% cổ phần), Vietjet Air (khoảng 5%), Vinamilk (0,7%), FPT (3,5%), PAN Group, Vinasun... Tổng giá trị vào khoảng gần 15.000 tỷ đồng.

3. Central Group và Big C

Vào tháng 5/2016, Central Group - Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan đã chi 1,14 tỷ USD để sở hữu Big C Việt Nam.

Trước đó, Big C Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn Casino (Pháp). Cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam diễn ra gần 1 năm với sự tham gia của nhiều ‘ông lớn’ trong lĩnh vực bán lẻ như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam).

Cuối cùng, Central Group - tập đoàn của gia đình tỷ phú Thái Lan – Chirathivat đã dành phần thắng.

Central Group được sáng lập năm 1927, ngoài bán lẻ, tập đoàn này còn hiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn và nhà hàng. Tài sản lớn nhất của Tập đoàn là Central Retail - một trong những công ty bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

4. Singha – Masan Consumer và Masan Brewery

Vào cuối năm 2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với đối tác là Tập đoàn Singha của Thái Lan. Theo công bố ban đầu, giá trị thỏa thuận lên tới 1,1 tỷ USD bao gồm vốn mới cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery.

Tuy nhiên, theo Diễn đàn M&A, đến cuối năm 2018, Singha mới chỉ giải ngân 1 lần duy nhất vào cuối tháng 1/2016 với khoản tiền 650 triệu USD, phần lớn số tiền được Masan dùng để đầu tư tài chính.

Singha là nhà sản xuất bia nổi tiếng tại Thái Lan.

Singha là thành viên của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng sản xuất bia đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan kể từ năm 1933. Các thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp này là Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo, Syder Bay, Boorward Farm, Pundee hay Masita. Ngoài bia và thức uống không cồn, Singha còn nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, thực phẩm, nhà hàng, sản xuất bao bì với hơn 50 công ty thành viên.

Với cái bắt tay cùng Singha, Masan từng tham vọng trở thành "vua bia" tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay thị trường không đón nhận thêm tin tức nào về việc hợp tác giữa Masan và Singha.

5. SK Group và Vingroup

Ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, Vingroup và SK Group chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thoả thuận này, SK sẽ đầu tư 1 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng) để mua cổ phiếu của Vingroup và sẽ trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn này.

5 ngày kể từ khi Vingroup và SK Group ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, đại gia Hàn Quốc đã hoàn tất giao dịch. Thông qua SK Investment Vina II, SK Group đã mua lại 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 6,15% vốn điều lệ của Vingroup, trở thành cổ đông lớn thứ 3 của tập đoàn này, chỉ sau Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (sở hữu 31,83% vốn điều lệ) và tỷ phú Phạm Nhật Vượng (sở hữu 26,18% vố điều lệ).

Đây là thương vụ có giá trị giao dịch lớn nhất trên thị trường năm 2019.

SK nổi lên tại thị trưởng Việt Nam với các thương vụ đầu tư vào Vingroup và Masan. Ngoài ra, SK cũng là cổ đông lớn nắm giữ 5,23% cổ phần tại PV Oil (thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam), 25% vốn của Lô dầu khí 15-1/05, 50% vốn liên doanh với tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - Newtruck House.

Đầu tháng 12/2019, truyền thông Hàn Quốc lại đưa tin SK hợp tác với cơ quan Hưu trí quốc gia (NPS) Hàn Quốc lập quỹ hợp tác doanh nghiệp (COPA) quy mô 860 triệu USD, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Với quỹ NPS-SK quy mô 860 triệu USD, SK dự kiến sẽ ưu tiên cho hoạt động M&A với các doanh nghiệp lớn tại Vệt Nam và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

6. KEB Hana Bank và BIDV

Ngày 1/11, BIDV đã hoàn tất bán 15% vốn cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Tổng giá trị thương vụ là 882 triệu USD, tương ứng 20.208 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của BIDV tăng lên mức 40.220 tỷ đồng, tương ứng với hơn 4 tỷ cổ phiếu.

Sau giao dịch, KEB Hana sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai tại BIDV, sau cổ đông nhà nước hiện đang nắm giữ 81% vốn điều lệ ngân hàng này.

Giới quan sát nhận định, với việc mua lại 15% cổ phần tại BIDV, KEB Hana đang trở thành tập đoàn dẫn đầu làn sóng đầu tư tài chính vào Việt Nam.

Còn Diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn thương vụ KEB Hana – BIDV là thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

7. MUFG và VietinBank

Tháng 12/2012, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ - thuộc tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG) ký hợp đồng mua 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) với trị giá 743 triệu USD, tương đương 15.465 tỷ đồng.

Đây là thương vụ M&A đánh dấu một mốc quan trọng đối với VietinBank kể từ sau khi ngân hàng thực hiện cổ phần hóa vào năm 2008.

Đến nay, sau 7 năm hợp tác, MUFG vẫn đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại VietinBank.

Vào ngày 22/2/2019, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc MUFG nhấn mạnh - với tư cách là cổ đông chiến lược, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ.

Trước đó, Phó chủ tịch MUFG cho biết ngân hàng này muốn nâng tỉ lệ sở hữu tại VietinBank từ 19,73% lên 50% vốn điều lệ.

8. TCC Holdings và Metro Việt Nam

Ngày 7/1/2016, Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức đã hoàn tất bán công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan. Tổng giá trị thương vụ là 710 triệu USD.

Thương vụ được công bố từ năm 2014 nhưng đến đầu năm 2016 mới hoàn tất.

Metro gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, chuyên về phân khúc bán buôn trong khi những đối thủ chính như Saigon Coop, Big C lại chuyên về bán lẻ.

Tại thời điểm thương vụ hoàn tất, Metro Việt Nam sở hữu hệ thống 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan.

Đây không chỉ là thương vụ có giá trị giao dịch lớn mà còn gây nhiều tranh cãi vì lo ngại vi phạm luật cạnh tranh.

Sau đó, đại gia Thái Lan TTC đã phải giải trình về thị phần đối với Bộ Công thương.

Sau thương vụ này, Công ty TNHH Metro Cash&Carry đã tiến hành thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 9 ngày 25/1/2016 để đổi tên thành Công ty TNHH MM Mega.

9. Mizuho và Vietcombank

Cuối năm 2011, ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã công bố chi 562 triệu USD để mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và trở thành đối tác chiến lược của nhà băng này.

Mizuho Bank trực thuộc Mizuho Financial Group, một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Nhật Bản, với tổng tài sản khoảng 1,8 nghìn tỷ USD.

Mizuho thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002. Các dịch vụ chủ đạo của Mizuho tại Việt Nam bao gồm: tiền gửi, cho vay, mua bán chứng khoán.

Hồi tháng 1/2019, Vietcombank đã chào bán riêng lẻ lượng cổ phần tương ứng khoảng 3% vốn điều lệ hiện của ngân hang nhằm tăng vốn, đưa ngân hàng này trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Trong đợt phát hành kể trên, Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) 2,55% cổ phần tính theo vốn điều lệ sau giao dịch, còn Mizuho mua số cổ phần còn lại để cân bằng và giữ tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành.

Tổng giá trị giao dịch đạt 27 triệu USD, tương ứng 6.200 tỷ đồng.

10. Insee và Holcim

Tháng 8/2016, thương vụ M&A trị giá 524 triệu USD, tương đương hơn 20 nghìn tỷ đồng giữa thương hiệu INSEE (tập đoàn Siam City Cement – Thái Lan) và LafargeHolcim Việt Nam chính thức được ký kết đã gây xôn xao thị trường xi măng Việt Nam.

Holcim Vietnam được thành lập năm 1994, là công ty xi măng có vốn FDI lớn nhất Việt Nam với tổng đầu tư 233,8 triệu USD, trong đó cổ phần của Tập đoàn Holcim chiếm tỷ lệ 65% và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) chiếm 35%.

Sau khi về tay người Thái, xi măng Holcim được chuyển thành Insee.

Nhận thấy Việt Nam là thị trường béo bở với nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những cơ hội tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng và ngành xây dựng trong tương lai,Tập đoàn SCCC của Thái Lan đã đầu tư mua lại 65% cổ phần của Tập đoàn LafargeHolcim trong liên doanh Holcim Việt Nam.

Sau khi về tay người Thái, Holcim Việt Nam chính thức công bố đổi tên công ty và thương hiệu, trở thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu INSEE. Như vậy, với sự thay đổi này, thương hiệu Holcim chính thức chia tay thị trường Việt Nam.

Cẩm Thư / VietnamFinance
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư