Văn hóa đại chúng Đông Á và thập niên 'xâm lấn' phương Tây

Văn hóa đại chúng Đông Á và thập niên xâm lấn phương Tây

Thập kỷ qua chứng kiến ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc, ở các nước phương Tây. Một phần làn sóng xuất phát từ sự thúc đẩy của các chính phủ.

Đó là năm 2009, và những giai điệu điện tử bắt tai trong ca khúc Bad Romance của Lady Gaga vang lên ở khắp mọi nơi. Trên khắp thế giới, người ta đổ xô đi xem bộ phim khoa học viễn tưởng Avatar.

Một thập kỷ trôi qua, và thế giới nói tiếng Anh vẫn bị chi phối bởi âm nhạc, phim ảnh và truyền hình của Mỹ. Song đã có một sự thay đổi đáng chú ý: ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc và Nhật Bản đang dần gia tăng.

Năm 2019, cô gái người Nhật Marie Kondo đã dạy chúng ta cách khiến cuộc sống trở nên đơn giản hơn qua chương trình ăn khách trên Netflix Tidying Up with Marie Kondo (Dọn nhà cùng Marie Condo). Các nhóm nhạc pop Hàn Quốc BTS và Blackpink đã cho chúng ta xem các video âm nhạc (MV) hấp dẫn, được thực hiện với ngân sách lớn và phá vỡ các kỷ lục YouTube.

Parasite (Ký sinh trùng) đã trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên giành được giải Cành cọ vàng. Sau đó, đạo diễn của bộ phim Bong Joon Ho xuất hiện trong chương trình The Tonight Show Starring Jimmy Fallon, trò chuyện chủ yếu bằng tiếng Hàn.

Marie Kondo trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của Netflix. Ảnh: Netflix.

Đó là những dấu ấn khó quên của một thập kỷ chứng kiến ​​sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Đông Á ở phương Tây, bao gồm ca khúc Gangnam Style hấp dẫn của rapper Hàn Quốc PSY (2012) và những câu chuyện tình lãng mạn chậm rãi trong chương trình thực tế Nhật Bản Terrace House (xuất hiện trên Netflix năm 2015).

Các tạp chí thời trang tiếng Anh hàng đầu như "Vogue" và "Elle" hiện thường xuyên nói về các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc, với đại diện thương hiệu là các nữ diễn viên Hollywood như Drew Barrymore và Emma Stone.

"Châu Á đang trở thành một lực lượng văn hóa ngày càng quan trọng", công ty tư vấn McKinsey lưu ý trong một bài thảo luận năm 2019.

"Trái ngược với quá khứ khi khu vực chủ yếu tiếp nhận văn hóa phương Tây, với một bộ phận công chúng say sưa xem phim Hollywood và nghe nhạc pop Anh chẳng hạn, thì ngày nay dòng chảy văn hóa đi theo cả hai hướng".

Vậy điều gì đã thay đổi?

Làn sóng Đông Á

Một thập kỷ trước, các tác phẩm anime (hoạt hình) Nhật Bản như Pokemon và Digimon đã có vị trí cố định ở phương Tây.

Hai ngôi sao võ thuật Hong Kong Thành Long và Lý Tiểu Long là những cái tên quen thuộc. Các nhà phân tích đã sử dụng cụm từ "hallyu" - hay "làn sóng Hàn Quốc" trong tiếng Hàn - để chỉ sự lan truyền của thời trang, các sản phẩm làm đẹp, phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Á.

"(Mọi người nói) 'phương Đông đang đến'. Trên thực tế, điều đó đã diễn ra một thời gian", Anthony Fung, chuyên gia về văn hóa đại chúng tại Đại học Trung văn Hong Kong nói.

Người hâm mộ bên ngoài nơi tổ chức chương trình biểu diễn của nhóm BTS ở Paris hồi tháng 6. Ảnh: Getty

Tuy nhiên trong thập kỷ qua, văn hóa đại chúng Đông Á - đặc biệt là từ Hàn Quốc - mới thực sự cất cánh. Bây giờ không chỉ có một ngôi sao kung fu hay một tác phẩm anime, mà là một loạt sản phẩm khác nhau đến từ Đông Á. Và, theo các chuyên gia, có một vài lý do cho điều đó.

Jung-Sun Park, giáo sư và điều phối viên nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Bang California, nói mạng xã hội và Internet đã "thay đổi hoàn toàn dòng chảy văn hóa đại chúng xuyên quốc gia".

"Các nền tảng mạng xã hội khác nhau đã cách mạng hóa cách các cá nhân tiếp xúc và tiêu thụ văn hóa đại chúng và đã đa dạng hóa dòng chảy và ảnh hưởng văn hóa đại chúng", cô nói. Trong quá khứ, các nền tảng truyền thông truyền thống như truyền hình và phát thanh đã kiểm soát những gì chúng ta thấy và nghe thấy.

Văn hóa đại chúng Đông Á cũng mang đến một thứ khác: sự đa dạng.

Susanna Lim, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Oregon, cho biết người hâm mộ phương Tây đang đòi hỏi sự đa dạng lớn hơn so với trước đây. Cô chỉ ra các fan Kpop là một ví dụ, lưu ý rằng họ xuất thân khác nhau, và cũng có thể cảm thấy bị cho ra rìa trước văn hóa chính thống Mỹ.

"Sự quan tâm ngày càng tăng đối với văn hóa đại chúng Đông Á phản ánh những thay đổi về nhân khẩu học và nhận thức văn hóa ở Mỹ và phương Tây", cô nói.

K-pop chứa đầy những ảnh hưởng của phương Tây, vì vậy khán giả phương Tây có thể cảm thấy vừa quen vừa lạ, giáo sư Lim nói thêm.

Tất nhiên, cũng có sự thúc đẩy lớn từ các chính phủ.

Với dân số 51 triệu người, Hàn Quốc không có thị trường đủ lớn để duy trì ngành công nghiệp giải trí, vì vậy cần phải ra nước ngoài, theo giáo sư Fung của Đại học Trung văn Hong Kong. Chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ việc lan truyền văn hóa đất nước, xem đây là phương tiện để có được sức mạnh mềm và là cách để nâng cao danh tiếng của quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với nhóm nhạc EXO, bên cạnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong tiệc tối ở Nhà Xanh hồi tháng 9. Ảnh: Getty.

Năm 2010, Nhật Bản tuyên bố sẽ bơm 19 tỷ yen (tương đương 237 triệu USD khi đó) vào lĩnh vực sáng tạo trong năm 2011 để kiếm thêm tiền từ các ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước, như anime, thiết kế đồ họa, phim và thời trang. Sự thành công của kế hoạch này đón nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Song với người hâm mộ, lý do thực sự khiến văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc cất cánh được ở nước ngoài rất đơn giản: tính giải trí.

Như David Kim, đồng chủ trì kênh YouTube K-pop DKDKTV, nói trong một video trên Instagram gần đây: "Câu hỏi của tôi là, tại sao (K-pop) không thể trở thành điều gì đó trong văn hóa phương Tây?".

Nhóm nhạc nữ K-pop Blackpink trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: Getty.

Tác động rộng lớn

Những người hâm mộ K-pop và các sản phẩm văn hóa khác ở phương Tây ban đầu có thể bị thu hút bởi vũ điệu cuốn hút, thời trang bắt mắt, nhưng nó có hiệu ứng lan rộng ở các khu vực khác.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại Mỹ, số lượng ghi danh vào các chương trình tiếng Nhật và tiếng Hàn tại Mỹ đã tăng lên trong giai đoạn 2013-2016, ngay cả khi số lượng theo học mọi ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh đã giảm. Số lượng ghi danh cho các chương trình tiếng Hàn tăng 13,7%, cho đến nay là mức tăng lớn nhất của bất kỳ ngôn ngữ nào được dạy.

K-pop cũng đang thúc đẩy khách du lịch đến Hàn Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Hyundai ở Hàn Quốc, nhóm nhạc BTS đã giúp truyền cảm hứng cho ước tính mỗi một trong 13 du khách đến đất nước này vào năm 2017. Báo cáo đó cũng cho thấy, nếu BTS duy trì sự nổi tiếng, họ sẽ đóng góp dự kiến ​​56,16 nghìn tỷ won Hàn Quốc (48 tỷ USD) cho nền kinh tế đất nước vào năm 2023.

Không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc sử dụng K-pop để tiếp thị đất nước cho khách du lịch. Hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc, Korean Air, đã mời nhóm nhạc SuperM xuất hiện trong video trên chuyến bay mới nhất của họ và Visit Seoul - cơ quan phụ trách du lịch của thủ đô Hàn Quốc - đã hợp tác với BTS.

Nhóm nhạc nam K-pop BTS phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc tháng 9/2018. Ảnh: AP.

Và cũng có những tác động rộng lớn hơn.

Jo Elfving-Hwang, phó giáo sư Hàn Quốc học tại Đại học Tây Australia, nói rằng những người Australia gốc Hàn mà cô đã phỏng vấn không quan tâm đến văn hóa nhạc đại chúng Hàn Quốc, nhưng bắt đầu chú ý sau khi những người bạn không phải người Hàn Quốc giới thiệu cho họ.

"(Sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Hàn Quốc) khiến Hàn Quốc thực sự tuyệt vời", cô nói. "Đây là ví dụ thú vị về việc văn hóa đại chúng toàn cầu được thúc đẩy bởi sự thừa nhận của nước ngoài đối với những nét hấp dẫn văn hóa, thay vì sự thúc đẩy của cộng đồng người địa phương".

Sự nổi lên của K-pop cũng có tác động tích cực đối với hình ảnh nam giới châu Á, cô nói. Ngày càng nhiều người đàn ông châu Á được công chúng biết đến - tương phản với quá khứ, khi các nhân vật nam giới châu Á thường là nhân vật phản diện hoặc ngôi sao kung fu, như Thành Long và Lý Liên Kiệt.

"Tôi nghĩ rằng hoàn toàn đã có sự thay đổi mà ở đó người Mỹ gốc Á, người Australia gốc Á, người châu Á châu Á ngày càng hiện diện nhiều hơn", cô nói. "Tôi nghĩ chắc chắn ít nhất đã có một số tác động, bởi vì bây giờ không có gì lạ khi thấy nhiều người châu Á ở phương Tây trên màn hình. Tôi khá phấn khích về điều đó".

Tương lai nào cho Trung Quốc?

Các chuyên gia nói rằng có đủ lý do để nghĩ rằng xuất khẩu văn hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục có tác động trong thập kỷ tới. Dấu hỏi lớn là về Trung Quốc.

Dù ảnh hưởng kinh tế và chính trị gia tăng của Trung Quốc đã làm nước này nổi bật hơn nhiều trên trường thế giới so với một thập kỷ trước, nhưng Trung Quốc hầu như không làm ảnh hưởng đến bức tranh văn hóa đại chúng phương Tây.

Chẳng hạn, bộ phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc Wolf Warrior 2 (Chiến lang 2) đã thu về hơn 854 triệu USD trong nước, nhưng chỉ mang về 16 triệu USD ở nước ngoài.

Diễn viên Trung Quốc Ngô Kinh cùng các bạn diễn trên phim trường "Chiến lang 2". Ảnh: China Daily.

Giáo sư Fung nói rằng tác động hạn chế của Trung Quốc một phần là do các công ty giải trí nước này ít có nhu cầu vươn ra thị trường nước ngoài hơn. Họ là quốc gia đông dân nhất thế giới, tức đã có sẵn một thị trường nội địa khổng lồ.

Tuy nhiên, một lý do khác là sự kiểm soát chặt chẽ mà đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt lên truyền thông trong nước. Cơ quan quản lý cấm diễn viên có hình xăm lên phim, kiểm duyệt lời bài hát. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích các nam nghệ sĩ có ngoại hình nữ tính.

Elfving-Hwang nói rằng "khó để tưởng tượng" ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc sẽ có sức hấp dẫn quốc tế giống như K-pop. "Nhưng bạn không bao giờ biết được", cô nói.

Trong thập kỷ tiếp theo, Elfving-Hwang nghĩ rằng văn hóa đại chúng Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ - và cô thấy đó là một điều tốt.

"Nếu K-pop thực sự có thể khiến mọi người đủ tò mò để thực hiện một bước tiến lớn như học ngôn ngữ", cô nói, "Và sau đó, thông qua việc này để hiểu thêm về văn hóa .. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có tác động thực sự đáng kể đến cách chúng ta giao tiếp trong tương lai".

Đông Phong
Nguồn Zing News