Thị trường dầu ăn: Toan tính chia lại thị phần

Masan dọn đường vào Tường An?

Gần đây, thị trường xôn xao việc Tập đoàn Masan đang có kế hoạch đầu tư vào ngành sản xuất dầu ăn. Một đối thủ mới có thế mạnh về tài chính như Masan khiến nhiều DN sản xuất dầu ăn trong nước tỏ ra quan ngại.

Có lẽ vì vậy mới có tin đồn Masan đang tìm cách thôn tính hãng dầu Tường An (TAC). Tường An hiện đứng thứ hai trên thị trường dầu ăn (thị phần 25%), sau Dầu Cái Lân (45%). Giá cổ phiếu TAC tăng 80% từ 2/4/2012 khi có tin đồn Masan lăm le mua cổ phần TAC.

Tuy nhiên, ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật miền Nam (Vocarimex), đơn vị giữ 51% cổ phần của Tường An, phủ nhận thông tin này. Mặc dù vậy, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, ở thị trường Việt Nam, tin đồn đã không ít lần trở thành tin chính thức và chuyện Masan mua lại Tường An là có cơ sở.

Bởi vì, một trong những bất lợi của Tường An hiện nay trong việc cạnh tranh về giá là do Vocarimex lấy quyền nắm 51% cổ phần tại Tường An nên giá nguyên liệu và giá bán sản phẩm của công ty này đều do Vocarimex quyết định.

Từ trước đến nay, Tường An phải mua nguyên liệu từ công ty mẹ với giá cao hơn giá thị trường khoảng 5%. Vì vậy, nếu Masan mua lại Tường An, công ty này sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá do được quyền chọn nhà cung cấp nguyên liệu phù hợp.

Vocarimex, nắm giữ đến 90% thị phần, đang sở hữu từ 49-51% vốn của Tường An, Tân Bình, Golden Hope Nhà Bè và chi phối, kiểm soát việc quyết định giá bán. Mặc dù cùng dưới cái bóng của Vocarimex, nhưng các công ty con hiện nay cũng phải cạnh tranh giành thị phần của nhau. Nổi bật là trường hợp của Tường An và Cái Lân trong mảng dầu chiên.

Acecook không buông cơ hội

Chuyện Masan mua Tường An hay các công ty con của Vocarimex “đấu đá” nhau càng cho thấy sức nóng của thị trường dầu ăn hiện nay. Theo Nielsen Việt Nam, sau mì ăn liền, dầu ăn ngày càng chiếm cơ cấu lớn trong ngành hàng thực phẩm tiêu dùng, với 29%.

Đánh giá về thị trường, ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Marketing Công ty Acecook Việt Nam, nhận định: “Hiện nay, cạnh tranh trong ngành sản xuất dầu ăn ngày càng gay gắt, thị trường liên tục xuất hiện các nhãn hiệu dầu ăn mới, và chỉ cần một công ty cho ra đời một dòng sản phẩm mới là có hàng chục thương hiệu cùng loại xuất hiện. Vì vậy, để giành thị phần, mỗi công ty đều phải nỗ lực phát triển những sản phẩm khác biệt cùng những lợi thế cạnh tranh riêng”.

Vì lý do này nên mặc dù đã có 2 nhà máy sản xuất dầu ăn tại TP.HCM và Nghệ An nhưng năm 2006, Tường An vẫn tiếp tục đầu tư thêm 330 tỷ đồng để xây dựng nhà máy thứ ba ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy này có vị trí nằm sát cảng biển, thuận lợi cho xuất nhập khẩu, tiết kiệm được chi phí vận chuyển và chi phí đầu vào, sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh không chỉ trong nước, mà với cả các nước trong khu vực và thế giới.

Từng giữ vị thế khá mạnh trong lĩnh vực sản xuất mì gói, nhưng ông Hoàng Cao Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, cũng cho biết: “Do tốt cho sức khỏe nên dầu ăn được xem là nhu yếu phẩm thay thế cho mỡ động vật. Vì vậy, dầu ăn đang được xem là ngành hàng kinh doanh mục tiêu mà Acecook Việt Nam đang chú trọng phát triển. Để tạo lợi thế cạnh tranh cũng như tạo sự khác biệt, Vina Acecook đã đầu tư khá nhiều cho sản phẩm dầu ăn Đệ Nhất chỉ sử dụng các nguyên vật liệu cao cấp cùng với bổ sung các vi chất như Omega 3, vitamin A bên cạnh các dưỡng chất tự nhiên”.

Với ưu thế là chủ sở hữu cảng Bình Dương, nhà máy dầu Bình An của Tập đoàn Daso từng công bố lợi thế cạnh tranh là tiết giảm đáng kể chi phí nhận hàng, chỉ vào khoảng 1 USD/tấn. Trong khi đó, một nhà máy dầu ở Tân Bình khi nhập dầu vào cảng Nhà Bè phải tốn phí cầu cảng, lưu kho khoảng 3 USD/tấn và mất thêm 3 USD/tấn nữa cho vận chuyển từ Nhà Bè đến nhà máy.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, năm 2015, mức tiêu thụ dầu ăn đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 16,2-17,4kg/người/năm; năm 2020 là 18,6- 19,9kg/người/năm (hiện chỉ mới đạt 7,3-8,3kg/người), cộng với tỷ lệ tiêu thụ khá cao trong ngành hàng tiêu dùng.

Thế nhưng, khi tung hai sản phẩm dầu nành nguyên chất và dầu ăn với các thương hiệu Ogold và Bình An ra thị trường, Daso vẫn phải chi ra một khoản kinh phí khá lớn cho chiến dịch quảng cáo để nhấn mạnh vào yếu tố khác biệt như không dùng hóa chất bảo quản, sản phẩm giàu vitamin gốc thiên nhiên hơn các nhãn hiệu khác...

Tương tự, dầu Tường An cũng tạo sức hút với người tiêu dùng bằng hàng loạt sản phẩm mới như dầu ăn cao cấp Season có tăng cường vitamin, dầu ăn Tường An thế hệ mới giàu vitamin A và E tự nhiên và dầu ăn VIO bổ sung DHA dành cho trẻ em.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn