Thị trường dầu ăn: Trong rót ra, ngoài rót vào

Thị trường dầu ăn: Toan tính chia lại thị phần

1 triệu tấn là quá đủ

Ông Lê Văn Hùng cho biết thêm, hiện công suất của ngành dầu thực vật đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong vòng 5 năm tới. Như vậy, với sự tham gia của khá nhiều đối thủ mới như hiện nay, việc dư thừa nguồn cung sẽ rất có khả năng xảy ra, các doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn càng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững và mở rộng thị phần.

Mặt khác, với nguồn nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu đến 90%, các DN sẽ tiếp tục chịu nhiều rủi ro do giá nguyên liệu liên tục lên xuống, tỷ giá cũng biến động, trong khi giá các sản phẩm đầu ra không thể tăng tương ứng do sức ép cạnh tranh.

“Tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam vốn rất trung thành với một sản phẩm đã dùng, nên việc lấy lòng để họ thay đổi “gu” cũ cũng không dễ nếu các sản phẩm mới không có khác biệt gì lớn về chất lượng, khẩu vị. Trong khi đó, dầu ăn lại là mặt hàng khó nhận biết sự khác biệt về chất lượng, nên các DN thường lấy giá cả để cạnh tranh”, ông Hùng giải thích thêm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành dầu thực vật trong thời gian qua đã phát triển nhanh và hiệu quả. Sản lượng dầu thực vật tinh luyện ước tính vào khoảng gần 1 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2011, toàn ngành dầu thực vật có khoảng 35 DN cung cấp dầu ăn cho thị trường nội địa.

Tuy nỗ lực và nhiều DN vẫn đạt sản lượng xuất khẩu ở các thị trường Campuchia, Trung Quốc, Úc... nhưng theo đánh giá chung, khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật của các DN trong nước vẫn chưa cao, do sản phẩm dầu ăn phải chịu sự cạnh tranh mạnh với các sản phẩm dầu ăn từ các nước ASEAN.

Sức cạnh tranh yếu do ngành sản xuất dầu ăn 90% nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng năm 2011, giá nguyên liệu liên tục biến động khiến giá bán sản phẩm thay đổi theo, làm ảnh hưởng tới chào hàng xuất khẩu. Giá bao bì cũng tăng trên 32% nên đẩy giá thành lên cao.

Bên cạnh đó là nhu cầu vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh rất lớn và chủ yếu là vốn vay, trong khi chi phí trả lãi vay ngân hàng cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

Cản đường ngăn dầu ngoại

Do giá bán lệ thuộc vào giá mua nguyên liệu, thường thay đổi rất nhanh, nên cái khó của DN trong lĩnh vực này là phải có hệ thống thông tin tốt mới kịp thời cập nhật tình hình và linh hoạt trong việc điều chỉnh giá.

Theo ông Dương Anh Tuấn: “Khó khăn cũng là nguy cơ khiến các DN sản xuất dầu ăn có nguy cơ bị lép vế trước hàng nhập khẩu là vào đầu năm nay, Nhà nước áp dụng thuế suất nhập khẩu các loại dầu ăn xuống 0%. Nhìn chung, thuế suất này nằm trong cam kết gia nhập WTO nên được DN trong ngành ủng hộ. Song, việc đưa ra quyết định quá đột ngột, quá nhanh, không có lộ trình chuẩn bị đã khiến nhiều DN sản xuất dầu ăn đã khó càng thêm khó!”.

Đó cũng là lý do hiện có không ít DN sản xuất đã đầu tư nhà máy nhưng chưa kịp thu hồi vốn. Nếu áp dụng thuế suất bằng 0, các nhà sản xuất dầu thực vật lâu năm của Malaysia, Indonesia... đã khấu hao đầu tư sẽ tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam.

Các nước như Indonesia, Malaysia... đều có chính sách bảo hộ cho hàng sản xuất trong nước, nếu nhập khẩu dầu thô sẽ phải đóng thuế cao hoặc có quota hạn ngạch, còn Việt Nam thì cả dầu thô và dầu sản phẩm đều được đánh giá thuế suất bằng 0 như nhau. Bị sức ép thuế suất nặng nề nhất và cũng có nguy cơ phải ngưng sản xuất là Công ty TNHH Bunge vì vừa đưa nhà máy ép dầu nành vào hoạt động hồi tháng 8/2011.

Sau ba năm xây dựng với vốn đầu tư khá lớn (130 triệu USD), Bunge hoàn toàn chưa thu được đồng lãi nào và chưa kịp khấu hao vốn đầu tư. Theo đại diện công ty này tiết lộ với báo giới, trước tình hình này, ước tính họ sẽ mất 13 triệu USD và khoản lỗ hằng năm sẽ lên tới 20 triệu USD.

Tương tự, ông Đinh Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc kinh doanh Vocarimex, cũng cho biết: “Vocarimex đã đầu tư kinh phí khá lớn để trang bị nhà máy và thiết bị sản xuất dầu, đến nay chưa khấu hao được chi phí đầu tư. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất bằng 0 vào thời điểm này khiến chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa, do chúng tôi nhập dầu thô về sản xuất dầu tinh, nên trước đây, với thuế suất nhập khẩu dầu thô là 3% và dầu tinh là 5%, chúng tôi sẽ lấy phần chênh lệch thuế bù vào chi phí sản xuất. Còn với thuế suất đánh đồng như hiện nay, chúng tôi không có ưu đãi gì để bù vào sản xuất nên giá thành sẽ cao hơn dầu nhập khẩu".

Vì vậy, không thể cạnh tranh với các DN chỉ đơn thuần nhập khẩu dầu về bán, không đầu tư sản xuất. Chưa kể, một số hạng mục đầu tư của Vocarimex cũng bị ảnh hưởng. Tương tự, Công ty Dầu Cái Lân cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm nhà máy sản xuất dầu thì nay cũng ngưng dự án.

Trước khó khăn này, Vocarimex đã làm đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất nhập khẩu dầu thô là 3%, các loại khác là 5% cho đến năm 2018 để các DN sản xuất có lộ trình thu hồi vốn đầu tư và bước vào sân chơi cạnh tranh một cách bình đẳng.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn