Covid-19 và “không ai bị bỏ lại phía sau” trong nền kinh tế số

Covid-19 và “không ai bị bỏ lại phía sau” trong nền kinh tế số

Bên cạnh những tác động tiêu cực về kinh tế, một mặt tích cực mà dịch Covid-19 mang lại là thị trường thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam có thể được tiếp thêm động lực để phát triển nhanh hơn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, tiền mặt có thể là kênh lây lan mầm bệnh - và “văn hóa tiền mặt” của người Việt Nam đúng là yếu tố gia tăng rủi ro về y tế công cộng trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giờ đây không chỉ giới hạn ở quy mô địa phương, mà là quy mô toàn cầu.

Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế số, trong đó cấu phần chủ chốt là thị trường thương mại điện tử và các dịch vụ số - hứa hẹn mở ra thị trường thanh toán số còn rất nhiều đất phát triển. Và nhìn ở phía ngược lại - vai trò tiên phong của hạ tầng số, trong đó hai trụ cột chính là kết nối số (dịch vụ kết nối Internet tốc độ cao, như 4G, tương lai gần là 5G); và thanh toán số lại cũng chính là “động cơ” cho nền kinh tế số tăng tốc.

Thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực vận tải, du lịch cùng công nghệ tài chính (FinTech) là những khu vực tăng trưởng mạnh mẽ và năng động nhất của nền kinh tế số trong khoảng năm năm trở lại đây ở Việt Nam.

Thanh toán số chính là “động cơ” cho nền kinh tế số tăng tốc.

Báo cáo đánh giá Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain&Company thực hiện nhận xét rằng Việt Nam và Indonesia dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng, trong đó xét theo tỷ lệ giao dịch hàng hóa trực tuyến trên GDP, Việt Nam đứng đầu, chiếm khoảng 5% GDP.

Nhưng giao dịch số và thanh toán số, trong đó gồm cả thanh toán không dùng tiền mặt, muốn tăng tốc cần sự nỗ lực đồng bộ hơn từ Chính phủ, từ khu vực công, chứ không thể đơn thuần dựa vào nỗ lực từ khu vực tư và các hãng công nghệ toàn cầu như hiện nay.

Để không tạo ra sự phân tầng xã hội, không tạo ra bất bình đẳng hay nói cách khác là “không ai bị bỏ lại phía sau” trong nền kinh tế số, vai trò của chính sách là rất quan trọng. Hiện nay nhóm dân cư đô thị, tập trung vào các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, đang vừa là động lực, vừa là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ của thương mại điện tử, của công nghệ.

Giao dịch số và thanh toán số muốn tăng tốc cần sự nỗ lực đồng bộ hơn từ Chính phủ, từ khu vực công, chứ không thể đơn thuần dựa vào nỗ lực từ khu vực tư và các hãng công nghệ toàn cầu như hiện nay.

Nhưng đừng quên 60% dân số của Việt Nam vẫn còn sống ở khu vực nông thôn (và cũng phải nói, ngay trong gần 40% dân cư đô thị, kinh tế số vẫn tập trung vào hai thành phố lớn chính chứ chưa đồng đều ở các đô thị khắp cả nước).

Thêm vào đó, kinh tế ở khu vực phi chính thức vẫn là một hợp phần lớn của kinh tế Việt Nam. Các hoạt động buôn bán và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ ở chợ truyền thống ở vùng nông thôn vẫn đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của các hộ gia đình. Mức độ tiếp cận công nghệ của nhóm này chắc chắn là hạn chế hơn, thói quen mua sắm và thanh toán bằng tiền mặt của nhóm này cũng sẽ khó thay đổi hơn là cư dân đô thị, vốn trẻ hơn, năng động hơn và có lợi thế về hạ tầng, về công nghệ trên toàn diện các yếu tố.

Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia - mở rộng kinh tế số và thanh toán điện tử - nếu các nhóm “yếu thế” hơn bị bỏ rơi thì sẽ là một thất bại ở bình diện quốc gia. Vì vậy, vai trò can thiệp của Nhà nước để tạo ra sự đồng đều và hài hòa trong phát triển phải trở thành một ưu tiên trong hệ thống chính sách tổng thể và dài hạn. Không thể đòi hỏi khu vực tư nhân, các doanh nghiệp công nghệ phải “ưu tiên” hay chú ý đến các nhóm dân cư nông thôn, các nhóm thu nhập thấp.

Thay vào đó, “kéo” các nhóm này là chức năng của Nhà nước. Tiến trình mở cửa, xây dựng kinh tế thị trường, công nghiệp hóa trong ba thập niên qua, một mặt đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo, nhưng đồng thời cũng tạo ra khoảng cách và phân tầng xã hội trong phát triển.

Giai đoạn tiếp theo - kỷ nguyên của công nghệ, của kinh tế số - rõ ràng không nên đào sâu thêm hố phân tầng thu nhập, phân tầng xã hội này. Đó cũng là yêu cầu và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thiết kế các chiến lược và chính sách cho giai đoạn sắp tới. Trong nguy có cơ, và dịch Covid-19 - với cánh cửa thanh toán số, giao dịch không tiền mặt - là dịp tốt để những người làm chính sách suy nghĩ và định hướng.

Nguyễn Quang Đồng
Nguồn Saigon Times