Hai hãng thời trang ngoại H&M và UNIQLO đua nhau Bắc tiến

Hai hãng thời trang ngoại H&M và UNIQLO đua nhau Bắc tiến

Sáng ngày 5.3, hãng thời trang nhanh Thụy Điển H&M mở cửa hàng thứ 4 ở Hà Nội và là cửa hàng thứ 9 của hãng tại Việt Nam. Thứ sáu ngày 6.3, hãng thời trang Nhật UNIQLO cũng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Cửa hàng thứ 9 của H&M khai trương tại Aeon Mall Hà Đông, có diện tích mua sắm hơn 1.000m2 trải dài hai tầng lầu của trung tâm thương mại này. Đại diện H&M tại Việt Nam cho biết, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cửa hàng mới không tổ chức các hoạt động khai trương như mọi khi mà chỉ áp dụng các chương trình khuyến mãi dành cho khách tới mua hàng.

Khách mua sắm tại Aeon Mall Hà Đông ngày khai trương. Ảnh: H&M cung cấp

Hồi tháng 11 năm ngoái, thương hiệu thời trang nhanh tới từ Thụy Điển cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng – đánh dấu sự xuất hiện ở miền Trung. Kể từ thời điểm chính thức có mặt ở Việt Nam năm 2017, đến nay H&M đã mở 4 cửa hàng ở TP.HCM, 1 ở Đà Nẵng và 4 ở Hà Nội.

Đại diện H&M khu vực Đông Nam Á từng chia sẻ, việc mở rộng quy mô tại Việt Nam nhằm xây dựng tập khách hàng thân thiết và tăng thêm khách hàng mới cho H&M trên toàn quốc.

Tính tới hết năm 2019, hãng thời trang nhanh tới từ Thụy Điển khá thành công tại thị trường Việt Nam với doanh thu thuần đạt 45,8 triệu USD, tăng trưởng gần như gấp đôi so với con số 26 triệu USD của năm 2018.

Doanh thu trên toàn cầu của ông lớn thời trang nhanh tới từ Thụy Điển năm 2019 tăng trưởng 11% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình tính theo các quốc gia riêng biệt khoảng 6%, theo báo cáo mới nhất về hoạt động kinh doanh 2019 của H&M.

Hiện tại, thương hiệu này sở hữu 5.076 cửa hàng trên khắp thế giới. Karl-Johan Persson - CEO của H&M cho biết trong năm 2020 hãng sẽ tiếp tục mở khoảng 200 cửa hàng tại khu vực Nam Mỹ, Nga, Tây Âu và châu Á (trừ Trung Quốc).

Quy mô thị trường thời trang Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, thu hút nhiều thương hiệu mới nhập cuộc. Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỉ USD với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân (non-luxury goods).

Statista cũng dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường quần áo trong ba năm tiếp theo sẽ đi ngang và giảm nhẹ. Ở nhóm ngành chủ lực đang đóng góp phần lớn doanh thu là trang phục cho phụ nữ và trẻ em, Statista dự báo từ mức tăng trưởng doanh thu 8,4% năm 2019 xuống còn 7,8% năm 2022.

Ngoài TP.HCM, Hà Nội cũng là một thị trường tiềm năng được các thương hiệu thời trang nhắm tới. Sau H&M, sáng ngày 6.3, UNIQLO - thương hiệu thời trang từ Nhật cũng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội đặt ở Vincom Phạm Ngọc Thạch. Đây là cửa hàng thứ hai tại thị trường Việt Nam của thương hiệu từ Nhật Bản, chính thức được mở cửa ba tháng sau ngày cửa hàng đầu tiên mở tại Parkson Đồng Khởi, TP.HCM.

Linh Chi
Nguồn Forbes Vietnam