Ông chủ Sabeco kỳ vọng thâu tóm Tesco tại châu Á

Ông chủ Sabeco kỳ vọng thâu tóm Tesco tại châu Á

Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người đứng sau vụ thâu tóm hơn 53% cổ phần của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào năm 2017 với giá gần 5 tỉ đô la Mỹ, đã huy động gần 10 tỉ đô la để chào mua chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở châu Á của tập đoàn bán lẻ lớn thứ ba thế giới Tesco (Anh).

Hôm 2-3, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết với khoản vốn gần 10 tỉ đô la được các ngân hàng Thái Lan và quốc tế cam kết cho vay, Tập đoàn TCC, nơi ông Charoen làm chủ tịch, đã nộp hồ sơ chào mua tài sản của Tesco ở châu Á, bao gồm các chuỗi siêu thị, cửa hàng bách hóa và cửa hàng tiện lợi ở Thái Lan và Malaysia.

Tỉ phú Sirivadhanabhakdi là cái tên quá quen thuộc trên thị trường đồ uống và bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Ông là người sáng lập tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan ThaiBev, công ty đứng sau vụ thâu tóm hơn 53% cổ phần của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào năm 2017 với giá gần 5 tỉ đô la Mỹ.

Ông cũng là Chủ tịch Tập đoàn BJC (Thái Lan), đang sở hữu chuỗi siêu thị MM Mega Market và chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart tại Việt Nam. MM Mega Market là tên gọi tên gọi mới của hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam thuộc Tập đoàn bán lẻ Metro AG (Đức) được TCC thâu tóm vào năm 2015 với giá 710 triệu đô la Mỹ.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi - người sáng lập tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan ThaiBev.

Ngoài TCC, hai tập đoàn khổng lồ khác của Thái Lan là CP Group và Central Group cũng đã nộp hồ sơ chào mua tài sản của Tesco ở châu Á.

Như vậy, cuộc đấu giá tài sản của Tesco sẽ là cuộc chiến giữa ba tỉ phú Thái Lan, Charoen Sirivadhanabhakdi, Dhanin Chearavanont (Chủ tịch CP Group) và Tos Chirathivat (Chủ tịch Central Group).

Tháng 12 năm ngoái, Tesco cho biết sẽ cân nhắc phương án bán hết các tài sản (siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi) ở Thái Lan và Malaysia. Tesco đang nỗ lực thu hẹp sự hiện diện ở nước ngoài để tập trung vào thị trường trong nước tại Anh, nơi tập đoàn này đang đối mặt cuộc cạnh tranh gay gắt với các chuỗi siêu thị giảm giá và các đối thủ thương mại điện tử bao gồm Amazon và Ocado Group.

Kể từ năm 2011 đến nay, Tesco đã rút khỏi các thị trường bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đồng thời nhượng lại quyền kiểm soát mảng bán lẻ ở Trung Quốc.

Tesco tiến vào thị trường Thái Lan vào năm 1998 bằng cách mua cổ phần đa số ở chuỗi siêu thị Lotus Supercenter của Tập đoàn CP Group và đổi tên thành Tesco Lotus. Hiện nay, Tesco Lotus đang quản lý gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, bách hóa và siêu thị ở Thái Lan. Tesco gia nhập thị trường Malaysia kể từ năm 2006 và đang có 74 cửa hàng và siêu thị tại nước này.

Siêu thị Tesco Lotus của Tesco tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Getty

Các nguồn tin nắm rõ thông tin về thương vụ Tesco chào bán tài sản ở châu Á cho biết mảng kinh doanh ở Thái Lan của hãng có thể được định giá gần 7 tỉ đô la, trong khi đó tại Malaysia có thể được định giá từ 1,5-2 tỉ đô la.

Động thái chuyển nhượng tài sản ở nước ngoài của Tesco trong thời gian gần đây cũng tương tự bước đi của Carrefour SA và Casino Guichard-Perrachon, hai tập đoàn bán lẻ của Pháp, vốn đã rút khỏi các nước như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong những năm gần đây.

Một nguồn tin tiết lộ, hơn 12 ngân hàng từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã đồng ý cung cấp tài chính để TCC tham gia đấu giá mua tài sản của Tesco ở Thái Lan và Malaysia.

Các vấn đề về chống độc quyền ở Thái Lan là yếu tố lớn cần phải vượt qua trước khi thương vụ này được phê duyệt vì cả TCC lẫn CP All, đơn vị thành viên của CP Group, đang là những đối thủ dẫn đầu trong mảng kinh doanh siêu thị ở Thái Lan. Kết quả đấu giá của thương vụ có thể được thông báo sớm nhất là trong tuần này.

Tập đoàn TCC kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2016, TCC thâu tóm cổ phần đa số ở chuỗi siêu thị Big C Supercenter của Casino Guichard-Perrachon (Pháp) ở Thái Lan với giá 3,46 tỉ đô la.

Đối với Central Group, việc mua các chuỗi siêu thị và cửa hàng của Tesco ở Thái Lan và Malaysia sẽ củng cố thêm mảng kinh doanh siêu thị và cửa hàng tiện lợi của tập đoàn này.

Sau 5 năm giữ tỷ lệ 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim, hồi cuối tháng 2, Central Group xác nhận đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi điện máy lâu đời của Việt Nam thông qua công ty con Central Retail Corp. Như vậy, tại thị trường Việt Nam, Central Group đang sở hữu hệ thống Big C Việt Nam, Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị Lan Chi Mart, GO! Market, trung tâm thương mại Robins.

Trong khi đó, thương vụ đấu giá tài sản của Tesco ở châu Á mang đến cho CP Group cơ hội mua lại chuỗi siêu thị mà tập đoàn này đã bán lại cho Tesco trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.

Công ty bán lẻ CP ALL của CP Group đang quản lý khoảng 130 siêu thị bán sỉ Siam Makro và hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven (được Tập đoàn Seven & I Holdings Co. của Nhật Bản nhượng quyền kinh doanh) ở Thái Lan.

Chánh Tài - Theo WSJ, Bloomberg
Nguồn Saigon Times