Thương vụ 5 tỉ USD tỉ phú Thái mua cổ phần Sabeco giờ ra sao?

Thương vụ 5 tỉ USD tỉ phú Thái mua cổ phần Sabeco giờ ra sao?

Từng chi gần 5 tỷ USD để thâu tóm hơn 53% cổ phần của Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev "bốc hơi" hơn một nửa từ đầu năm 2020...

Có thể nói, năm 2020 là một năm cực kì biến động của nền kinh tế khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên toàn thế giới.

Tập đoàn Thaibev cho biết doanh thu và lợi nhuận ròng quý đầu niên độ 2020 đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt khoảng 56.400 tỷ đồng và 6.900 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu xáo trộn khi rượu mạnh vươn lên dẫn đầu với 45,5%. Bia tụt xuống vị trí thứ hai khi chỉ đóng góp 44%, còn lại là đồ uống không cồn và thực phẩm.

Chiếm gần phân nửa doanh thu nhưng rượu mạnh đóng góp hơn 87% lợi nhuận. Trong khi đó, bia mang về chưa đến 10% vì phải gánh nhiều khoản chi phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, nguyên liệu, đóng góp, bán hàng...

Tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thu khoảng 24.800 tỷ đồng từ các thương hiệu bia trong quý đầu năm. Lợi nhuận ròng tăng gấp đôi cùng kỳ, nhưng lợi nhuận phân bổ cho cổ đông lại giảm phân nửa.

Theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, mảng bia ngoài thị trường nội địa đều chậm lại, trong đó có Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Doanh thu tại thị trường Việt Nam và ASEAN nói chung đã giảm đến 12%.

Riêng Sabeco, doanh thu giai đoạn này đạt hơn 9.800 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân vì sản lượng đi xuống và thay đổi tỷ lệ sở hữu một công ty liên kết thành công ty con nên chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau khi hợp nhất Sabeco, ThaiBev chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự tăng trưởng hoặc chững lại của doanh nghiệp đầu ngành bia rượu Việt Nam.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm, Sabeco vẫn ghi nhận doanh thu tăng 5% lên 37.900 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, nhờ đầu tư nhiều cho hoạt động tiếp thị và hỗ trợ bán hàng nên chi phí tăng mạnh, nhưng bù lại lợi nhuận cũng được cải thiện đáng kể. Công ty lãi sau thuế hơn 5.370 tỷ đồng và xác lập kỷ lục mới từ khi thành lập đến nay.

Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi, mảnh ghép không thể thiếu giúp doanh nghiệp này trở thành đơn vị dẫn đầu ngành công nghiệp đồ uống Đông Nam Á.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đều trên đà giảm điểm, và cổ phiếu của Sabeco (HoSE: SAB) cũng không tránh khỏi điều đó. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SAB đã giảm tới 32%, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 4,2 tỷ USD (hơn 97.400 tỷ đồng).

Nhìn lại định giá Sabeco, chúng ta mới nhớ đến khoản đầu tư của ThaiBev vào năm 2017, chi nhánh Việt Nam của ThaiBev đã mua cổ phần kiểm soát 53,59% tại Sabeco, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, với giá khoảng 4,8 tỷ USD. Trong khi nếu tính theo 4 quý kết thúc ngày 30.9.2019 như ThaiBev, doanh thu SAB các năm gần đây khoảng 1,5-1,7 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 4 tỷ USD doanh thu kia. Có thể thấy ThaiBev vẫn đánh giá rất cao về tăng trưởng tiêu thụ bia của người Việt Nam.

Trước năm 2020, Sabeco vẫn là "gà vàng" của ThaiBev khi việc mua lại Sabeco đã giúp nâng doanh thu của mảng bia lên 4 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước, lợi nhuận tăng 50% lên 104 triệu USD. ThaiBev cũng nhận định tăng trưởng đến từ đóng góp của Sabeco ở thị trường Việt Nam, còn thị trường Thái Lan là khu vực đang suy yếu.

Sau khi hợp nhất Sabeco, Thaibev chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự tăng trưởng hoặc chững lại của doanh nghiệp đầu ngành bia rượu Việt Nam. Thị trường nội địa trước đây chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh thu của Thaibev, có giai đoạn hơn 96%. Từ khi Sabeco trở thành công ty con, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 70%. Niên độ 2019, bia vượt rượu mạnh để dẫn đầu cơ cấu doanh thu theo ngành hàng và tăng trưởng doanh số trên 26%. Trong khi sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại thì Sabeco vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

"Nếu loại trừ Sabeco, doanh số bán bia ngoài Thái Lan tăng trưởng âm vì kết quả kinh doanh kém khả quan của một số nước trong khu vực ASEAN", báo cáo của ThaiBev viết.

Từ khi Sabeco trở thành công ty con, cơ cấu doanh thu của ThaiBev ở thị trường nội địa chỉ còn khoảng 70%.

Tuy nhiên, đến năm 2020, Sabeco lại bị kẹp giữa nhiều gọng kìm, Nghị định 100 về "Uống rượu bia không lái xe" (hiệu lực 01/2020); Nghị định 24 về quảng cáo rượu bia (hiệu lực 02/2020) và đặc biệt là dịch COVID-19.

Khi trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sabeco cũng nhìn nhận, thị trường bia sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn (gần nhất là quý I/2020) và sẽ cần thời gian để thói quen tiêu dùng thích nghi với chính sách mới. Tuy nhiên, Sabeco tạm thời chưa lượng hoá hay đưa ra kế hoạch sản lượng tiêu thụ cho cả năm 2020.

Trong kịch bản cơ sở cho ngành bia, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự phóng mức sụt giảm tiêu thụ bia so với cùng kỳ năm trước sẽ mạnh nhất vào quý I/2020 và cải thiện dần trong các quý sau khi VCSC giả định rằng tình hình dịch COVID-19 sẽ cải thiện trong quý II/2020. Đồng thời, VCSC giả định các thành phần tham gia thị trường bia – bao gồm người tiêu dùng – sẽ dần thích nghi hơn với Nghị định 100.

VCSC dự phóng trong năm 2020, doanh thu của Sabeco sẽ giảm 14,7% so với năm 2019. Biên lợi nhuận gộp được dự báo ở mức 28%, tăng 2,8 điểm % so với năm 2019.

Trong khi đó, VCSC kỳ vọng chi phí nguyên vật liệu thấp hơn và các động thái tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sẽ giúp Sabeco gia tăng biên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận của SAB cũng sẽ được hỗ trợ bởi thu nhập lãi tiền gửi gia tăng.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, doanh thu và lợi nhuận ròng của Sabeco năm nay lần lượt đạt 44.400 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này được dự báo duy trì mức tăng hai chữ số trong bối cảnh ngành bia có thể tăng trưởng chậm lại, ổn định ở mức 6-7%, do tác động của Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Khánh Hà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp