Shark Nguyễn Hòa Bình: Điều nguy hiểm hơn cả là dư âm sau đại dịch

Shark Nguyễn Hòa Bình: Điều nguy hiểm hơn cả là dư âm sau đại dịch

COVID-19 không chỉ giáng những đòn mạnh ở thời điểm hiện tại mà sau này, khi đại dịch đã qua đi, thói quen chi tiêu trên toàn thế giới sẽ thay đổi.

“Virus Corona sẽ làm phá sản nhiều người hơn số người mà nó giết chết”, Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech nhận xét ngắn gọn như vậy về tác động của khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 gây ra.

So với cuộc khủng hoảng bong bóng dotcom năm 2001 hay cuộc suy thoái toàn cầu 2007-2008, Shark Bình đánh giá cuộc khủng hoảng lần này nguy hiểm hơn khi vừa giảm cầu, vừa giảm cung, vừa bao trùm tâm lý sợ hãi, làm mọi người rơi vào trạng thái “đóng băng” và “ngủ đông”.

Shark Nguyễn Hòa Bình

Chủ tịch tập đoàn Nexttech

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là dư âm ảm đạm sau đại dịch.

Dẫn thông tin từ New York Times cho biết 73% người tiêu dùng Mỹ không có khoản tích lũy tiết kiệm mà dựa vào tín dụng, nếu mất việc sẽ không thể xoay xở tiếp, Shark Bình nhìn nhận cuộc khủng hoảng này sẽ làm người Mỹ thay đổi thói quen chi tiêu. Khi nền kinh tế hàng đầu thế giới thay đổi, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ cũng sẽ gặp khó.

"Tôi có nhiều người bạn đang xuất khẩu đồ gỗ, dệt may sang Mỹ. Họ nói rằng đơn hàng mới giảm 70-100% vì khủng hoảng nhu cầu. Còn trong nước chúng ta cũng phải lường trước nguy cơ nhu cầu sẽ sụt giảm trong 1-2 năm nữa trước khi mọi người hoàn hồn để quay lại được mức tiêu dùng giống 2019", Shark Bình cảnh báo.

“Giả sử 2-3 tháng nữa dịch qua đi thì thói quen tiêu dùng sau đấy của nhiều người cũng co thắt lại, vì họ sợ vấn đề tương tự trong tương lai xảy ra, họ thắt chặt chi tiêu hơn.”

Shark Bình cũng nêu quan điểm, doanh nghiệp không cần “ngủ đông” vì COVID-19 bởi nếu không tiếp tục bán hàng, doanh nghiệp sẽ “chết” vì đói trước khi “chết” vì virus. Nếu đầu hàng, chấp nhận tình thế hiện tại, đến lúc dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp đã bị ỳ, không thể thích ứng tiếp được nữa, khả năng lúc đó sẽ “chết” thật.

“Con gấu ngủ đông hàng tháng trời, nếu tỉnh dậy không tiếp tục có lương thực nạp vào thì nó sẽ chết thật. Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục bán hàng, không thể buông xuôi, đóng cửa ngủ đông rồi chờ dịch đi qua được”, ông Bình chia sẻ.

Vẫn theo ông Bình, trong khi doanh nghiệp này “ngủ đông”, mà các đổi thủ khác vẫn bền bỉ tìm hướng khắc phục, thì lúc quay lại, doanh nghiệp đó sẽ mất hết chẳng còn gì, từ mặt bằng, nhân viên, tới khách hàng. “Dù khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tiếp tục quyết tâm lao vào bán hàng”, ông Bình nhận định.

Dù khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tiếp tục quyết tâm lao vào bán hàng.

Với các shop bán lẻ thời trang, đồ gia dụng... triệt để phát triển kênh online thông qua quảng cáo, mạng xã hội, trực tiếp gọi điện cho khách hàng... Nếu nhân viên kinh doanh thiếu việc làm có thể chuyển họ thành nhân viên giao hàng, kết hợp tư vấn, bán hàng cho khách. Với khối F&B như nhà hàng, quán ăn, thực hiện triệt để giao hàng tận nơi. Các spa, massage, dịch vụ khác có thể chuyển thành hình thức phục vụ tại nhà. Các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức dạy học online.

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Để chuyển “nguy” thành “cơ”, nhiều lãnh đạo DN cho rằng các doanh nghiệp cần gắn kết với nhau. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể trao đổi nhân sự. Có nhiều đơn vị đang thiếu nhân sự vì ngành của họ cần sale, marketing, nhưng một số đơn vị lại đang thừa. Cần chuẩn bị xây dựng một sức mạnh để chờ thời điểm bật dậy. Đây là một tư duy rất quan trọng của người làm kinh doanh, dành thời gian để phát triển khách hàng tiềm năng thay vì khách hàng hiện có.

Khánh Hà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp