VCSC ước tính lợi nhuận 2020 của Thế giới Di động giảm 12%

VCSC ước tính lợi nhuận 2020 của Thế giới Di động giảm 12%

Tính từ giữa tháng 3/2020, VCSC nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đã thận trọng hơn trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu cho hàng không thiết yếu và lượng khách đến các cửa hàng.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo phân tích về CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) với những cập nhật mới về tác động của dịch COVID-19 lên doanh nghiệp bán lẻ này.

Trong báo cáo phát hành cuối tháng 2/2020, VCSC vẫn dự báo một kết quả khá triển vọng cho năm 2020 với doanh thu gần 130.000 tỷ đồng (tăng 27%) và hơn 5.100 tỷ đồng LNST (tăng 33%) – cao hơn cả kế hoạch ban lãnh đạo MWG đặt ra là 122.400 tỷ doanh thu và 4.800 tỷ LNST.

Tuy nhiên, với những dự báo mới, VCSC đã hạ mạnh dự báo xuống còn 106.500 tỷ doanh thu và 3.360 tỷ đồng LNST, tương ứng tăng 4% và giảm 12% so với kết quả 2019.

Dự báo mới nhất của VCSC về kết quả kinh doanh 2020-2022 của MWG.

Ước tính có thể đóng 25% số cửa hàng TGDD/DMX

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, khoảng 10% số lượng cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (DMX) đã tạm đóng cửa, đa số tại Hà Nội. Tuy nhiên, do những diễn biến chưa rõ ràng của dịch COVID-19 và Chỉ thị của Chính phủ ban hành ngày 31/3/2020 yêu cầu tạm ngừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu – đặc biệt tại các thành phố lớn, VCSC đã đưa ra dự báo thận trọng.

Theo đó, trong kịch bản cơ sở đưa ra, VCSC giả định 25% số lượng cửa hàng TGDĐ/DMX sẽ đóng cửa đến cuối tháng 4/2020, đồng thời dự phóng LNST chung mảng điện thoại di động và điện máy sẽ giảm 8% trong năm 2020 (so với mức tăng 21% trước đây); giả định rằng những gián đoạn do dịch COVID-19 đến hoạt động kinh tế sẽ đạt đỉnh vào thời điểm cuối quý 2/2020.

Tính từ giữa tháng 3/2020, VCSC nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đã thận trọng hơn trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu cho hàng không thiết yếu và lượng khách đến các cửa hàng.

Với luận điểm trên, công ty chứng khoán này dự phóng doanh số/cửa hàng chung của TGDĐ và DMX sẽ giảm 17% so với cùng kỳ, khiến doanh thu chung của 2 chuỗi này giảm 12% trong năm 2020. Ngược lại, VCSC kỳ vọng mức sụt giảm lợi nhuận sẽ giảm nhẹ hơn (giảm ~8%) nhờ biên lợi nhuận gộp gia tăng dẫn dắt bởi quy mô và cơ cấu sản phẩm; cũng như các chiến lược tiết kiệm chi phí như gia tăng năng suất của nhân viên, tái thương lượng phí thuê với chủ nhà và tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng.

Được biết, doanh thu tháng 3 của MWG ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu online có xu hướng tăng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Riêng 2 mảng bị ảnh hưởng bởi dịch là TGDĐ và DMX, doanh thu online tháng 3 chiếm tỷ trọng 13% tổng toàn Công ty. MWG đánh giá tổng cầu tiêu dùng điện thoại và điện máy năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của người dân và các sự kiện thể thao bị dời sang năm 2021.

Lúc này, ưu tiên hàng đầu của MWG sẽ là đảm bảo dòng tiền lành mạnh, chuẩn bị cho các chương trình thúc đẩy bán hàng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ban lãnh đạo hiện tập trung cải thiện năng suất và tối ưu hóa chi phí nhằm giảm thiểu tác động bất lợi từ dịch COVID-19.

VCSC cũng kỳ vọng vị thế dẫn đầu thị trường của MWG sẽ được củng cố sau khi dịch COVID-19 hạ nhiệt. Bởi, tác động của dịch bệnh đến các đối thủ cạnh tranh nhỏ lẻ – có năng lực tài chính thấp hơn – là nặng nề hơn so với MWG. VCSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận của TGDĐ và DMX sẽ phục hồi đạt mức 2 chữ số trong giai đoạn 2021-2022 khi hoạt động tiêu dùng và kinh doanh phục hồi sau khủng hoảng do dịch COVID-19.

Phía MWG cũng nhấn mạnh, dịch bệnh chắc chắn làm cho thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, tổng nhu cầu của toàn xã hội sẽ bị sụt giảm mạnh, sẽ có nhiều người bán bỏ cuộc. Vấn đề ai là người trụ lại cuối cùng thì người đó sẽ dành được thị phần mà những người khác bỏ lại, đó mới là điều quan trọng. Từ trước tới nay trong lĩnh vực bán lẻ đã có không ít các anh tài ra đi, và thị phần của họ MWG đều là người lấy chính, đó là lí do mà thị phần của MWG tăng liên tục thời gian qua.

Tri Túc
Nguồn CafeF