Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số

Tầm nhìn cho các giải pháp để doanh nghiệp khắc phục khó khăn và duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp trong quý I/2020, có gần 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Đây là con số kỷ lục chưa từng có, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp mới thành lập.

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp thì chỉ 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Những con số này cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước "cơn bão" đại dịch.

Chia sẻ trên đường băng của chương trình Cất cánh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã đưa ra góc nhìn chung nhất về những gì kinh tế Việt Nam đã trải qua trong cơn bão mang tên COVID-19, đồng thời tìm ra từ khóa thành công cho kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

"Rất lâu rồi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới đứng trước thách thức lớn như thế này. Trong những ngày qua, chúng ta sống trong trận chiến với COVID-19, trong trận chiến để duy trì tăng trưởng nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

COVID-19 đã tạo ra sự lây nhiễm cho 268 người nhưng "COVID về kinh tế" lại gây tác động đến hơn 700.000 doanh nghiệp. Đó là sự tác động rộng khắp, bao phủ ở mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp gặp khó khăn tứ bề bởi dịch COVID-19. Trước hết là đứt cung, sau đó là gãy thị trường và mất nguồn thanh khoản, không có tiền trả lương cho người lao động...

Theo ông Lộc, Chính phủ đã rất kịp thời đưa ra gói hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế chưa phải là điều quan trọng nhất.

"Tôi nghĩ điều quan trọng không nằm ở gói hỗ trợ vật chất. Gói hỗ trợ vật chất chỉ mang tính hỗ trợ còn gói hỗ trợ có tính chất quyết định là niềm tin, là thể chế. Tạo được niềm tin của doanh nhân, xã hội và người dân, xây dựng được thể chế để giải phóng ràng buộc, phát huy sức mạnh của nhân dân chính là công thức thành công". Đây là công thức để chúng ta vượt qua đại dịch và cả trong phục hồi nền kinh tế.

Theo ông Lộc, thế giới sau đại dịch không còn là thế giới của hôm nay. Một thế giới sẽ thay đổi và để thích ứng với điều đó thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, định vị lại mình, tái cấu trúc về chiến lược, quản trị và phát triển chăm sóc nguồn nhân lực vì chính họ là mấu chốt để thành công. Chính nguồn lao động sẽ là sức mạnh của chúng ta trong thời gian tới. Các doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số. "Cuộc di dân vĩ đại của chúng ta lên không gian số trong điều kiện đại dịch sẽ vẫn là không gian kinh tế của chúng ta ở giai đoạn tới. Doanh nghiệp chậm chân trong chuyển đổi số sẽ thất bại", ông Lộc nói tiếp.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư